Năm 2013, khi vừa tốt nghiệp trung cấp lâm nghiệp ra trường, chị Nguyễn Thị Thanh Lệ - dân tộc Ca Dong được chị em phụ nữ thôn tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 2 xã Phước Trà (Hiệp Đức). Lúc đó chị Lệ mới 23 tuổi. Khởi đầu với bao khó khăn, vất vả vì hoạt động yếu kém của Chi hội phụ nữ thôn, nhưng với sự nhiệt tình, năng động của một cán bộ trẻ, chị Lệ đã đưa Chi hội phụ nữ thôn 2 trở thành một trong những chi hội có phong trào mạnh, đi đầu trong mọi hoạt động.
Nhớ lại những ngày đầu, chị Lệ chia sẻ: “Lúc đó mới ra trường được 3 ngày, khi dự Đại hội Chi hội phụ nữ thôn, mình được giới thiệu làm Chi hội trưởng, sau đó ai cũng giơ tay bỏ phiếu bầu. Thấy chị em tín nhiệm, không làm không được”. Lúc đó hoàn cảnh gia đình chị Lệ cũng rất khó khăn. Nhà có 5 chị em, cha mất sớm, anh chị lớn đã lập gia đình, thương mẹ già không đủ sức lao động, Lệ phải cáng đáng mọi việc trong nhà; bươn chải từ việc đi làm thuê, bán cà phê, bán tạp hóa kiếm thêm thu nhập để có đủ số tiền 3 triệu đồng/tháng trang trải cho em trai đang học liên thông.
Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, chị Lệ thường đến từng nhà thăm hỏi, tìm hiểu cuộc sống của bà con, rất được chị em trong thôn quý mến. Sau đó, chị Lệ xin vào làm công nhân ở Nông trường cao su Phước Sơn. Nhà xa, để đến nông trường phải chạy xe máy hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. Song ngày nào chị cũng đi đi, về về, bởi cho rằng nếu mình không về thì không nắm được tình hình chị em trong thôn, sẽ khó khăn cho việc nắm bắt tư tưởng, quản lý hội viên. “Trước đây chị em trong thôn phần ai nấy sống, rất mất đoàn kết. Mỗi lần họp phụ nữ thôn rất ít người tham gia. Nhưng từ khi Lệ lên làm Chi hội trưởng phụ nữ, tình trạng đó không còn nữa” - chị Nguyễn Thị Kim Dung, hội viên phụ nữ thôn 2 nói.
Mặc dù là một xã vùng cao, đời sống của người dân trong thôn còn gặp nhiều khó khăn, song nhận thức được phong trào tiết kiệm giúp nhau là việc làm thiết thực, ý nghĩa, từ năm 2015 chị Lệ đứng ra vận động hội viên trong thôn “nuôi heo đất tiết kiệm”. Để gương mẫu đi đầu, bản thân chị Lệ nuôi 2 con heo đất, mỗi ngày chị phải bỏ vào một heo đất ít nhất 10.000 đồng để đóng góp vào phong trào chung của hội, con heo còn lại chị phải tiết kiệm mỗi ngày đủ 100 nghìn đồng để nuôi em ăn học. Đến nay, hội viên thôn 2 đã nuôi được 38 con heo đất, dự định sẽ hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, trẻ em mồ côi của thôn.
Những năm trước, trong thôn thường xuyên xảy ra bạo lực gia đình. Mỗi lần như vậy chị Lệ mạnh dạn đứng ra can thiệp. Không ít lần bị vạ lây, nhưng vì hội viên phụ nữ, chị sẵn sàng can ngăn kịp thời. Nhờ đó, đến nay trong thôn hầu như không còn bạo lực gia đình xảy ra. Thực hiện theo quy định điều lệ hội, định kỳ 3 tháng chi hội phụ nữ thôn tổ chức sinh hoạt một lần, nhưng bản thân chị Lệ đã bàn bạc với chi hội thống nhất tổ chức sinh hoạt mỗi tháng một lần. Những trường hợp ở xa không đi được, chị đến tận nhà để chở. Nhờ đó, hầu như tháng nào hội viên cũng tham gia sinh hoạt đều đặn, qua đó chị em kịp thời nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chị Đinh Thị Thu Tâm - Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Trà nói: “Chị Lệ là người năng nổ, nhiệt tình, trong sinh hoạt hội. Từ năm 2013 đến nay phong trào phụ nữ thôn 2 với sự dìu dắt của Lệ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động văn hóa - văn nghệ được duy trì thường xuyên, hội đã thành lập và duy trì hoạt động của đội bóng chuyền nữ, đội múa cồng chiêng. Các hủ tục lạc hậu như cúng bái khi ốm đau được loại bỏ”.
Với những thành tích trong hoạt động hội, năm 2014 chị Lệ được Hội LHPN tỉnh tuyên dương danh hiệu Phụ nữ xuất sắc, Hội LHPN huyện tặng giấy khen vì đã có thành tích trong hoạt động công tác hội. Chi hội phụ nữ thôn 2 được đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc nhiệm kỳ 2011 - 2016.
MỸ LINH