Yêu động vật từ nhỏ và luôn có ước mơ được làm các công việc liên quan đến động vật, thiên nhiên, môi trường, Lê Thị Trang (SN 1986) theo học Đại học Bách khoa để nghiên cứu và tìm hiểu về các vấn đề ô nhiễm môi trường dưới con mắt của một kỹ sư – người xử lý cuối đường ống. Cùng với các thành viên trong câu lạc bộ môi trường do mình lập ra, Trang quyết định tham gia các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ hệ sinh thái, nhằm hướng đến tính bền vững của việc bảo vệ môi trường.
Lê Thị Trang (phải) và họa sĩ Charity chuyên vẽ các loài linh trưởng. |
Nhờ chương trình điều tra về thực trạng săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã, Trang có cơ hội đi dọc đất nước trong 3 năm ngay sau khi ra trường, để giải đáp cho câu hỏi “tại sao rừng Việt Nam lại hết thú?”. Dọc theo hành trình đó, năm 2010, Trang gặp nhóm Voọc - tức là nhóm GreenViet bây giờ - đang nghiên cứu và bảo tồn quần thể voọc chà vá chân xám ở Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai). Năm 2012, họ thành lập và ra mắt Trung tâm GreenViet, một tổ chức của người Việt có mục tiêu bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của người Việt, và Trang quyết định về làm cho trung tâm.
Đưa hình ảnh voọc chà vá đi khắp nơi
Trung tâm GreenViet đặt văn phòng tại Đà Nẵng, đồng thời chọn Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà để ưu tiên bảo vệ. Họ quyết định sử dụng hình ảnh của quần thể voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà để thu hút sự quan tâm của cộng đồng, nhằm kêu gọi người dân Đà Nẵng bảo vệ đa dạng sinh học. Không lâu sau, hình ảnh và thông tin của loài voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà được GreenViet được đưa đến khắp các văn phòng ủy ban phường, xã, các khách sạn, quán café, trên xe taxi của hãng Mai Linh, tại sân bay và trung tâm thông tin du lịch, các trường học, các cuộc hội thảo, tập huấn, chuỗi nhà chờ xe buýt, hay thậm chí là in 55 ngàn bao lì xì Tết để gửi đến 1.500 cán bộ của thành phố. Hành trình Tôi Yêu Sơn Trà, chương trình Hiệp sĩ nhí rừng Sơn Trà, triển lãm ảnh Đời sống của voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà, hay Tọa đàm cộng đồng chung tay bảo vệ đa dạng sinh học của Sơn Trà là những ý tưởng của GreenViet để đưa hình ảnh loài voọc quý này trở thành biểu tượng thiên nhiên, được cộng đồng nhìn nhận, yêu quý và mong muốn bảo vệ.
Voọc chà vá chân nâu còn được gọi là voọc chà vá chân đỏ hoặc voọc ngũ sắc với đặc trưng bộ lông 5 màu. Chính nhờ vẻ đẹp khác thường, loài động vật này được Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng. Loài này thuộc danh mục nhóm IIB - mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam. Hiện ở bán đảo Sơn Trà có hơn 500 cá thể voọc chà vá chân nâu. |
Gần đây, với tư cách là người đại diện Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học GreenViet (Phó Giám đốc), Lê Thị Trang đã tham gia và báo cáo tại Hội nghị bảo tồn Bắc Mỹ (NACCB - North American Congress for Conservation Biology) tại Madison, bang Wisconsin theo lời mời của TS. Chia Luen Tan - Viện Nghiên cứu bảo tồn, Vườn thú San Diego của Mỹ. Đây là hoạt động mở đầu trong chuỗi chương trình tập huấn - tham quan học tập, trao đổi trong 6 tuần tại Mỹ của các cán bộ trung tâm GreenViet. GreenViet và Viện Nghiên cứu này cũng đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác trong 5 năm về các hoạt động nghiên cứu khoa học và giáo dục bảo tồn các loài linh trưởng của Việt Nam. Lê Thị Trang được mời đến báo cáo tại hội nghị, vì ban tổ chức nhận thấy mô hình sử dụng loài biểu tượng là voọc chà vá chân nâu để kêu gọi cộng đồng bảo vệ đa dạng sinh học của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà mà GreenViet đã khởi xướng từ năm 2013 và hiện tại đã có những thành công đáng chú ý, là một mô hình rất hay và nên chia sẻ với các tổ chức bảo tồn ở các nước khác.
Sau báo cáo nói trên của Trang, nhiều nhà khoa học đã đến nghiên cứu và đánh giá bán đảo Sơn Trà là một địa điểm hết sức độc đáo, vì không nơi nào trên thế giới có được một khu bảo tồn ngay trong lòng thành phố với độ đa dạng cao như vậy. Mô hình bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên bằng cách sử dụng loài biểu tượng như cách mà GreenViet đang làm đã từng được thực hiện ở nhiều nơi, tuy nhiên khả năng huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Đà Nẵng là rất đáng học tập. TS. Robert Horwich của tổ chức Community Conservation (Bảo tồn Cộng đồng) bày tỏ sự khâm phục về những nỗ lực của GreenViet. Ông đề xuất cùng hợp tác để viết các đề xuất dự án về bảo tồn ở Sơn Trà. Còn TS. Kathy Traylor-Holizer - cán bộ cấp cao của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN - tỏ ra rất ấn tượng với cách huy động cộng đồng tham gia công tác bảo tồn của GreenViet, từ các nhiếp ảnh gia, các trường học, các em học sinh, đến các cơ quan chức năng hay doanh nghiệp như trong hoạt động ở chuỗi nhà chờ xe buýt.
Lãnh đạo trẻ bảo tồn linh trưởng
Lê Thị Trang trở thành một trong những nhà lãnh đạo trẻ trong lĩnh vực bảo tồn linh trưởng, đại diện Việt Nam dự Khóa tập huấn TIPS tổ chức tại bang California của Mỹ. Cô cho biết, chuỗi tập huấn bảo tồn linh trưởng - TIPS (Training in Primatology Series) ra đời vào năm 2009 bởi TS. Chia Luen Tan nhằm mục đích tìm kiếm và đào tạo một thế hệ các nhà bảo tồn trẻ với đầy đủ kinh nghiệm và kiến thức cần thiết để tiên phong theo đuổi các chương trình bảo tồn linh trưởng. Năm nay, 8 nhà lãnh đạo trẻ trong lĩnh vực bảo tồn linh trưởng được chọn từ các nước Nepal, Benin, Madagasca, Hungary và Việt Nam để tiến hành các đợt tập huấn liên tiếp trong một tháng tại Mỹ. Điểm khác biệt so với mọi năm là phương pháp tập huấn một kèm một (một giáo sư kèm một học viên trong một chủ đề riêng biệt) nhằm trực tiếp hỗ trợ các học viên giải quyết các thách thức trong công tác bảo tồn tại mỗi địa phương khác nhau và giúp nâng cao năng lực lãnh đạo của từng học viên một cách hiệu quả nhất. Trong hơn một tháng tại Mỹ, các học viên được lần lượt tập huấn nâng cao năng lực với các chuyên gia cấp cao từ Viện Nghiên cứu bảo tồn của Vườn thú San Diego và các giáo sư đầu ngành khác như TS. Georganne Irvine, Giám đốc điều hành Chương trình phát triển của vườn thú San Diego; TS. Jenny Gray, Vườn thú Victoria, Úc; TS. Tamara Bankson, Quản lý cấp cao chương trình giáo dục tại Safari của San Diego…
Lê Thị Trang (giữa) tham quan Vườn thú San Diego. |
“Đối với tôi, đây là dịp để quan sát mô hình giáo dục bảo tồn với học sinh tại vườn thú, tập huấn chuyên sâu từng bước xây dựng câu chuyện truyền thông bảo tồn, cách thức nhận diện nhóm khán giả mục tiêu, cách thức truyền thông giáo dục bảo tồn qua ảnh và phim, để có thể mang về áp dụng tại Việt Nam” - Trang cho biết. Trung tâm GreenViet quyết định sẽ thúc đẩy phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành các nghiên cứu nhằm bổ sung dữ liệu cho đa dạng sinh học của Đà Nẵng, gồm cả Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và Bà Nà - Núi Chúa. Cả các hoạt động giáo dục thiên nhiên mà trung tâm GreenViet đã và đang thực hiện, cũng sẽ được tiến hành nghiên cứu các nhóm đối tượng khác nhau sao cho hiệu quả nhất. Bên cạnh đó mô hình safari tự nhiên của Vườn thú San Diego cũng là một mô hình mà GreenViet tâm đắc. Thời gian tới, GreenViet sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy đưa loài voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà trở thành biểu tượng của Đà Nẵng, nhằm đảm bảo việc bảo tồn lâu dài quần thể này. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu và giám sát số lượng của quần thể voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà, cùng với các nghiên cứu về tập tính sinh hoạt, tập tính xã hội, ăn uống, sẽ được tiến hành hàng năm, nhằm đưa ra các khuyến cáo cho thành phố trong việc bảo vệ loài vật quý. Trang nói, các hoạt động giáo dục thời điểm này trở nên rất thú vị khi cộng đồng đã quan tâm nhiều hơn đến đa dạng sinh học thông qua hình ảnh voọc chà vá chân nâu. Trung tâm GreenViet sẽ tiếp tục tiên phong thiết kế và triển khai nhiều chương trình học tập thú vị, tập trung ưu tiên cho người dân Đà Nẵng nhằm giúp cộng đồng hiểu rõ nguồn tài nguyên mình đang có và làm thế nào để bảo vệ giữ gìn tài nguyên này bền lâu.
TRẦN TRUNG SÁNG