Đăng quang ngôi vô địch bóng đá nữ tại SEA Games 29, Trần Thị Thùy Trang quê Đại Lộc ghi dấu ấn trong lòng người hâm mộ và giới chuyên môn bởi sự tài hoa và đa năng trong thi đấu.
Trang và cha chia sẻ vinh quang.Ảnh: Hoàng Liên |
Những ngày này, truyền thông nhắc đến Thùy Trang ngoài thành tích chuyên môn còn cả sự hiếu thảo dành cho cha mẹ. Đó là khi Trang dành toàn bộ số tiền tích góp trong những năm thi đấu và tiền thưởng đễ chữa bệnh ung thư cho mẹ, sửa lại căn nhà xuống cấp của gia đình...
Tuyển thủ đa năng
Thùy Trang từng là gương mặt sáng giá của thể thao huyện Đại Lộc và xứ Quảng, từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Cô gái nhỏ nhắn, mảnh mai nhưng có niềm đam mê mãnh liệt với bộ môn bóng đá. Năm 2006, Trang thi đậu vào Đại học Thể dục thể thao TP.Hồ Chí Minh, tiếp tục theo đuổi đam mê; năm 2010, tốt nghiệp đại học, Trang chính thức gắn bó đời mình với sân cỏ. Hơn 5 năm theo nghiệp, từ sàn đấu futsal tới sân cỏ 11 người, Thùy Trang luôn được giới chuyên môn để mắt. Cô gái Đại Lộc này là một trong số rất ít cầu thủ có trong tay tấm bằng đại học chính quy, có lối thi đấu chắc kỹ thuật, nhạy bén, thao tác tốt ở nhiều vị trí, trừ thủ môn. Nhận thấy tiềm năng lớn từ cầu thủ đa năng này, đội futsal quận 8 lẫn đội nữ TP.Hồ Chí Minh, quận 1 đều muốn Trang về với đội mình. Chỉ hơn 5 năm gắn bó với nghiệp, Trang đã sưu tầm nhiều huy chương các loại ở nhiều mùa giải quốc gia và khu vực.
Thùy Trang (thứ 2, từ phải sang) và gia đình. Ảnh: Internet |
Trang tâm sự, dù chơi ở nhiều vị trí, song vị trí tốt nhất để cô phát huy sở trường là tiền vệ trung tâm. Với Trang, thể trạng gầy và thấp không phải là điểm yếu. Bởi Trang quan niệm: “Phải biến điểm yếu thành lợi thế. Thể hình nhỏ hơn so với đối thủ giúp tôi nhạy bén, dễ dàng qua mặt đối phương. Có được sức bền và độ nhạy trong thi đấu phải trải qua quá trình tập luyện vất vả, từ các bài tập đơn giản cho tới những bài tập chạy trên cát, chạy trên nước nơi bãi biển và cả khi thời tiết khắc nghiệt. Nhưng, chính lửa đam mê đã giúp tôi vượt qua tất cả. Cứ hễ ra sân là nhiệt huyết lăn theo trái bóng”. |
Đặc biệt, ở SEA Games 27, Trang là tuyển thủ futsal có hạng của đội tuyển Việt Nam, các cô gái chỉ chịu thua Thái Lan trong trận chung kết. Năm 2015, lần đầu khoác áo đội tuyển quốc gia, với bàn thắng xuất sắc vào lưới đội Philippines, Trang góp sức đem về chiến thắng 4-0 cho đội chủ nhà. Từ ngồi ghế dự bị, bằng tài năng và niềm đam mê, Trang đã giành suất thi đấu chính thức qua mấy mùa giải. SEA Games 29 năm nay là lần đầu Trang đi SEA Games thi đấu trên sân cỏ 11 người. Với vai trò tiền vệ trung tâm, cô gái Đại Lộc đã cùng đồng đội vượt mặt Thái Lan, ghi thêm mốc son rực rỡ vào thành tích thể thao nước nhà. Đây là lần thứ 5 bóng đá nữ Việt Nam giành huy chương vàng ở đấu trường SEA Games sau các lần đăng quang năm 2001, 2003, 2005 và 2009.
Có thể nói, so với đồng đội, Trang bước chân vào sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp và có cơ hội khoác áo đội tuyển nước nhà khá muộn, song lại để dấu ấn trong lòng các huấn luyện viên trực tiếp dẫn dắt. Trang được huấn luyện viên Đoàn Thị Kim Chi và đồng đội quý mến vì tài và sự chân chất. Ngay cả huấn luyện viên Takashi người Nhật vốn rất nghiêm khắc, khó tính, Trang cũng nhận được sự chú ý, để mắt từ thầy Takashi. “Dù thời gian làm việc với thầy Takashi không dài, chừng 1 năm, nhưng thầy đã giúp Trang và đồng đội trưởng thành từ sự nghiêm khắc, tính kỷ luật và cũng rất tình cảm”.
Bóng đá, chấn thương thường ngày là chuyện nhỏ. Áp lực thời gian luyện tập, kỷ luật khắt khe, thậm chí, các cô gái vàng phải hy sinh nhan sắc tuổi trẻ để theo nghề. Nhiều tuyển thủ ăn bóng đá, ngủ bóng đá, nỗ lực đem vinh quang về cho nước nhà cũng bao phen duyên phận lỡ làng, nhiều nỗi buồn sau ánh hào quang cũng khiến người trẻ như Trang chạnh lòng. Song, đã lỡ gánh nghiệp vào thân thì phải ôm trọn. Trang và đồng đội quyết tâm giành cúp vô địch quốc gia lượt về vào cuối năm này. Mục tiêu lớn hơn nữa là giành vé tham dự World Cup 2019 trước hai đối thủ trực tiếp là Jordan và Thái Lan.
Phía sau ánh hào quang
Năm 2017, huyện Đại Lộc có 2 VĐV tham gia đội tuyển bóng đá nam và nữ quốc gia thi đấu SEA Games 29 gồm: Trần Hữu Đông Triều (quê Đại Lãnh), hiện thi đấu cho CLB Hoàng Anh Gia Lai; Trần Thị Thùy Trang (quê thị trấn Ái Nghĩa) đang thi đấu cho đội tuyển bóng đá nữ TP.Hồ Chí Minh 1. Tại SEA Games 29, VĐV Trần Thị Thùy Trang đã đóng góp công sức, cùng đồng đội đem về tấm huy chương vàng môn bóng đá nữ. Đó là những gương mặt tài năng góp phần làm rạng danh cho thể thao nước nhà. |
Thùy Trang là con gái áp út trong gia đình có 9 người con. Ông Trần Quốc An (73 tuổi), cha Trang vẫn gắn bó với nghề rửa xe ở thị trấn Ái Nghĩa. Ông kể, dù tuổi thơ nhọc nhằn nhưng Trang luôn tự lập từ nhỏ. Thấy con mê bóng đá, ban đầu ông rất lo nhưng vẫn tôn trọng và ủng hộ quyết định của con. Những tưởng, giấc mơ của cô thiếu nữ bên sông Vu Gia sẽ êm đềm, nào ngờ, ngày Trang nhận được giấy báo trúng tuyển vào Đại học Thể dục thể thao là ngày chôn cất người anh trai vắn số, một tài năng thể thao của huyện, cũng là người thầy đầu tiên dạy Trang gắn bó với sân cỏ. “Đôi lúc Trang quá mệt mỏi, tưởng sẽ buông bỏ hết để được làm một cô gái an phận. Song, động lực níu chân em là hình ảnh người anh trai gắn bó với Trang như hình với bóng thuở thiếu thời. Mỗi khi ghi được bàn thắng vào lưới đối phương hay đem vinh quang về cho đội nhà, Trang đều ngước mặt lên trời ngầm chia sẻ với anh trai” - Trang nghẹn ngào.
Nỗi đau lớn đến với Trang nữa là năm 2016, khi đang tập trung luyện tập, Trang nhận được hung tin mẹ bị ung thư dạ dày, phải cắt bỏ toàn bộ. Trong lúc khó khăn nhất, huấn luyện viên Đoàn Thị Kim Chi và đồng đội đã ở bên an ủi, sẻ chia, động viên tinh thần cô gái trẻ. Mỗi đợt xạ trị, chi phí tốn kém cả chục triệu đồng, trong khi mức lương của Trang tầm 7 triệu, phải kiêm thêm việc để có khoản trang trải cho cuộc sống và lo cho mẹ. “Mẹ đau vậy mà vẫn dõi theo Trang thi đấu, liên tục điện thoại động viên nơi xứ người. Chỉ có trận chung kết mẹ không xem được vì phải vào viện phẫu thuật, chỉ nghe kể lại sau đó. Mẹ còn dặn, khi nào xạ trị xong, mẹ muốn Trang thay mẹ sửa lại căn nhà cấp 4 đã dột nát, xuống cấp bằng tiền thưởng ở mùa giải này. Giờ thì tâm nguyện của mẹ đã hoàn thành từ tiền thưởng huy chương vàng SEA Games 29 vừa qua” - Trang trải lòng.
Bên căn nhà nhỏ ven sông Vu Gia, Trang khác xa với những gì chúng tôi mường tượng về sự hào nhoáng sau vinh quang của một nữ cầu thủ. Cô ăn vận giản dị, giọng nói nhỏ nhẹ, vẫn giữ được sự chân chất của cô gái Quảng dù nhiều năm xa quê lập nghiệp. Khi được hỏi về chuyện tương lai, Trang chỉ cười, bảo rằng khó có thể tìm được người đồng cảm, sẻ chia với đam mê nghề nghiệp của mình. “Giờ điều quan trọng nhất là lo cho bệnh tình của mẹ, ở với cha mẹ ngày nào vui ngày đó. Lương duyên thì khi nào tới mình đón nhận, nếu không cứ vậy mà sống với đam mê…” - Trang tâm sự. Hỏi Trang có chạnh lòng không, khi phía sau ánh hào quang là nỗi niềm lớn, Trang bảo: “Bóng đá nữ nhiều năm đem về vinh quang cho nước nhà, song còn nhiều thiệt thòi lắm, bởi sự quan tâm của cộng đồng, xã hội dành cho bóng đá nữ có hạn. Nhiều lúc tủi thân lắm, song trót mang lấy nghiệp vào thân, thì đành cháy hết mình trên sân cỏ vậy”.
Mấy ngày quý giá, ngắn ngủi ở quê nhà, bên mẹ đã trôi qua, Trang tạm gác nỗi niềm riêng vào tập trung luyện tập cùng đồng đội. Với Trang, thành công trong thể thao ngoài tố chất còn phải đến từ đam mê và khổ luyện. Hy vọng, may mắn và thành công sẽ tiếp tục mỉm cười với Trang trên sân cỏ thời gian tới.
HOÀNG LIÊN