Đã bước qua tuổi 81, bà Võ Thị Ngân (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) vẫn nhớ như in quãng thời gian rời quê nhà Thanh Hóa theo chồng về Quảng Nam cách đây hơn 40 năm.
Năm 1979 - đúng 4 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cô giáo Võ Thị Ngân mới có điều kiện vào Quảng Nam để sum họp với chồng vì trước đó ông đã được cấp trên điều động vào Tam Kỳ làm nhiệm vụ. Khi đó, ông bà đã có 3 người con và tất cả theo mẹ trở về quê cha đất tổ. Chồng bà Ngân là sĩ quan quân đội, công việc bận rộn nên ít có thời gian ở nhà.
“Nhưng khi mẹ con vào Tam Kỳ chẳng được bao lâu thì ông lại phải ra miền Bắc học. Sau đó đi chiến trường Campuchia đến năm 1990 mới về nước và nghỉ hưu. Ở nhà một tay tôi tất tần tật, vừa chăm sóc con cái, vừa đi làm, khá vất vả” - bà Ngân nhớ lại.
Bà Võ Thị Ngân có người em hy sinh tại Quảng Nam, đó là liệt sĩ Võ Văn Ngọc (sinh năm 1943). Bà cho biết, người em trai Võ Văn Ngọc hy sinh năm 1969 tại căn cứ Hòn Tàu (huyện Quế Sơn), đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Khi đó, em trai bà là bác sĩ quân y với quân hàm trung úy.
Sự nghiệp giáo dục của địa phương những năm đầu mới giải phóng thiếu cán bộ quản lý khá nhiều. Có thời gian dài hơn 20 năm giảng dạy trên đất Bắc (cô Ngân đi dạy từ năm 1957), thế nên, dù mới chuyển vào Tam Kỳ song cô giáo người Thanh Hóa Võ Thị Ngân được tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) tin tưởng phân công làm Hiệu trưởng Trường Tam Kỳ 2 (nay là Trường THCS Lý Tự Trọng).
Một thời gian ngắn sau đó, bà tiếp tục được điều động và bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường bổ túc cán bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (đóng tại Tam Kỳ). Năm 1990, do nhu cầu giảng dạy bổ túc cho đội ngũ cán bộ thời bấy giờ không còn nhiều, ngôi trường này đóng cửa và bà cũng nghỉ hưu từ thời điểm ấy, sau 8 năm làm việc tại đây.
Với khả năng cùng uy tín của mình nên nghỉ hưu không được bao lâu, bà được chính quyền địa phương mời ra làm Chủ tịch Hội LHPN phường An Mỹ. Sau 5 năm cống hiến, bà xin nghỉ để an dưỡng tuổi già. Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, năm 1997 tỉnh Quảng Nam tái lập, bà lại phải “động tay động chân” khi được “kéo” ra làm công tác khuyến học tại Hội Khuyến học tỉnh.
Nhớ lại thời điểm đó, bà Ngân bảo: “Ban đầu suy nghĩ chắc có lẽ làm thêm vài năm nữa rồi nghỉ vì tuổi tác mình đã lớn, sợ không kham nổi công việc, lại phải đi đến nhiều địa phương trong tỉnh. Vậy mà không ngờ, công việc cứ cuốn trôi mãi và kéo dài đến 17 năm”.
Năm 2014 ở tuổi 75, bà xin rời công việc ở Hội Khuyến học tỉnh, coi như chính thức nghỉ hưu sau hơn 55 năm cống hiến cho xã hội. Hiện bà ở cùng người con trai tại đường Nguyễn Thái Học (An Mỹ, Tam Kỳ), hàng ngày vui thú với những chậu rau sạch trong sân vườn.
Nói về mối lương duyên kết nghĩa 60 năm qua giữa hai tỉnh Quảng Nam và Thanh Hóa, bà cho rằng các thế hệ đã qua và những người con của hai địa phương hiện nay đều biết cách giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp đó. Tham gia trong Ban liên lạc Hội đồng hương Thanh Hóa tại Quảng Nam, nhiều năm qua, bà luôn đồng hành với những người con Thanh Hóa đang sinh sống và làm việc tại Quảng Nam tổ chức gặp mặt, chia sẻ, động viên nhau.
“Những người con Thanh Hóa đang sinh sống tại Quảng Nam luôn coi nơi đây là quê hương của mình. Như bản thân tôi, sau hơn 40 năm từ Thanh Hóa theo chồng vào Tam Kỳ nay đã trở thành người Quảng rồi” - bà cười.