Có gì đâu một hồi chuông...

TRUNG VIỆT 11/03/2023 08:49

(VHQN) - Chùa nhỏ, khiêm cung nằm khuất trong xóm, đường đất nhấp nhô, mùa nắng tứ tung bụi, mưa thì ngập nước ngang gối.

Đơn sơ chùa làng. Ảnh: T.THƯ
Đơn sơ chùa làng. Ảnh: T.THƯ

Mưa mù trời, tôi lội vô, thấy nước đã mấp mé sân chùa. Gian tiếp khách, mưa dột lai láng nền. Chánh điện cũng sũng nước.

Sư trụ trì ngạc nhiên: “Mưa gió ri mà anh lặn lội... Gặp bữa, mời anh cơm chay”. Mì xào. Cải luộc. Dưa. “Ngày mô tôi cũng ăn ri, thấy cũng rứa” - sư nói như phân trần. Nhìn bữa ăn, tôi nhắc lại chuyện Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ viên tịch ngày 21/10/2021.

Đó là vị hòa thượng được tăng giới và dư luận kính ngưỡng bởi trí huệ uyên thâm, sống đạm bạc ở chùa làng, suốt đời cày cấy làm ruộng như nông dân thứ thiệt để sinh sống mà xiển dương Phật pháp. Sư gật: “Chùa tôi có mấy luống cải, ăn miết không hết, đòi chi thêm cho mệt”.

Trà được bày ra. Tôi hỏi: “Sao chùa chỉ có mình thầy và chú tiểu?”. “À, cha mẹ có con gửi chùa, họ đều nghĩ làm sao cho con mình có cơ hội thăng tiến, như ở quê mình cho con đi học thành phố, xin việc, phải lựa chỗ thuận lợi.

Bà con nghĩ chùa này là chùa quê, nghèo, họ không gửi. Nên suốt ngày lui tới chỉ hai thầy trò. Xây dựng, kêu không được thợ thì thầy làm thợ chính, trò phụ hồ, hết năm này qua năm kia”.

“Đời và đạo bây giờ không khác mấy, xem ra nhộn nhạo quá?”. “Tôi biết, nhưng chẳng lăn tăn. Nghiệp tu hành, ở đâu cũng tu, con nhà Phật thì hướng Phật, hướng thật lòng, mình dối trá, tham lam thì mang nghiệp, tự mình biết…”.

Tôi nhìn chén trà bốc khói mà không chao khi thầy nâng chén. Không có bão trong chén trà. Tôi biết con đường hành đạo của sư thầy, chọn chốn đầy cát gió ở vùng đông Thăng Bình này, như cơ duyên. Đất này do một người dân cúng dường sau khi ở không được. Đã có 4 vị sư đến rồi ra đi, chẳng hiểu vì sao.

Thầy về đây với ý nghĩ “chỗ nào khó thì… lăn vào!”. Có được cơ ngơi đầy hoa cỏ, là chỗ đến của người dân, đệ tử như bây giờ, là hành trình gian nan của thầy trò. Chùa nghèo, phải tằn tiện từng tí, mua từng bao xi măng, ký sắt; bà con cũng nghèo, họ thấy quý thầy thích chùa thì đến làm công quả, góp công sức làm từng bước một.

“Thầy mà xây to lên, vỡ không gian ngay, và trở thành xa lạ”. “Đúng, chùa quê mà anh, làm cho gần gũi, ai vô cũng thấy như về nhà mình, mới vui. Anh thấy đó, cổng chùa không bao giờ đóng. Tôi có cơ hội định cư tu hành nước ngoài, nhưng thôi, duyên mình gắn đây rồi. Dựng chùa để có chỗ cho bà con, nếu có nhu cầu thì đến lạy Phật. Tôi ở đây đến khi về với Phật…”.

Có bữa tôi ghé chơi không báo trước, thấy trong chùa rất nhiều người đang chụp ảnh, thắp hương, tìm thầy thì một ông đang dọn cỏ nói thầy trò đi mô từ hôm qua, có ai ở nhà mô…

Chùa làng là nhà mình, mà đã vậy thì không bao giờ đóng cửa với mình. Có câu “Bế môn vi môn bế” (đóng cửa, cửa đóng mình). Tôi đứng dưới hiên chùa, nhìn mưa xối xả cầm chân khi trời bắt đầu sập tối, mà thực lòng không chút âu lo, vội vã, khi sau lưng vẳng một hồi chuông. Đã đến giờ sư thầy công phu. Nhà tôi cũng sát chùa, bao đêm thức dậy, tiếng chuông sớm như kẽo kẹt tao nôi, lòng dậy nỗi biết ơn sâu thẳm không lời dìu mình đi qua bao phiền trược.

Không biết tự bao giờ, niềm cung kính của chúng sinh với chùa dù chưa từng mất, nhưng khoảng cách đã và đang xuất hiện. Sự gần gũi như người nhà, bất luận giai tầng, thành phần xuất thân đã bị phôi pha quá nhiều. Tôi vẫn nghĩ rằng, vai trò chủ nhà chiếm vị trí hàng đầu tạo ra không gian tương tác. Chủ đúng mực, cẩn nghiêm, gần gũi, công chính, tử tế, thì khách không dám làm càn, nói ẩu, bởi nếu… vượt rào thì không có cơ hội bước vào.

Sự hiện diện của chùa làng trong tâm thức người Việt, khỏi nhắc lại. Nhưng chưa ai làm một thống kê xã hội học để trả lời cho câu hỏi: Thời hiện tại, chùa chọn chúng sinh hay chúng sinh chọn chùa? Xin đừng né tránh.

Dân ta mộ đạo, xem chùa là nơi tỏ bày tâm tư, hướng thượng, mong điều may mắn, an vui giữa bão bùng mệt mỏi của đời sống, thì sư thầy chính là “dây bán dẫn” cho niềm tin đó có chỗ tựa nương, và chánh điện có ông Phật trang nghiêm mà gần gũi, chính là chỗ khối u ẩn trong lòng được hòa tan, thì bậc trung gian là sư thầy và ngôi chùa, không thể là nơi để e hèm nghi hoặc, rằng chùa nớ đại gia ông lớn này nọ…

 Tôi sực nhớ, bèn hỏi: “Còn cho bà con nước sạch không thầy?”. “Còn chứ, không có thì họ lấy chi uống”. Vùng này nước nhiễm phèn, nước sạch không có. Lập chùa, sư làm bể chứa, mỗi ngày cấp miễn phí 3 ngàn lít nước sạch cho bà con.

Một bữa ghé lại, thấy thầy đang phụ thợ xây trai phòng. “Thì anh biết đó, có ai mô, phải phụ anh em xây cho khách tới họ có chỗ nghỉ ngơi” - sư nói. Luận theo ngôn ngữ thiền tông, thì vác gạch xây nhà cũng là thiền.

Từ lúc biết nhau, chưa thấy trong mắt sư sự mệt mỏi, lại có lần nghe sư nói “rồi thân tứ đại cũng về cát bụi”, khiến tôi nhớ trong Kinh Dịch có câu: “Khấp huyết liên như, hà khả trường dã?”. Tri Húc Đại sư trong Chu Dịch Thiền giải luận câu “hà khả trường dã?” này là: “Bát vạn đại kiếp, cứu cánh diệc thị vô thường” (tám vạn đại kiếp, rốt cuộc cũng chỉ là vô thường - Huỳnh Ngọc Chiến dịch), nghe như một lời kệ, tỉnh cả người…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Có gì đâu một hồi chuông...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO