Không chỉ tâm huyết với nghiệp gieo chữ, cô giáo Đặng Thị Thanh Thảo (SN 1967, giáo viên dạy Toán, Trường THCS Dũng Sĩ Điện Ngọc, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) còn mang yêu thương đến những mảnh đời bất hạnh.
Cô Thảo dạy kèm miễn phí môn Toán cho em Nguyễn Quốc Lộc. Ảnh: N.T |
1. Hàng ngày đứng trên bục giảng, dạy cho rất nhiều thế hệ học trò và cô Thảo vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến những em có hoàn cảnh khó khăn. Yêu thương vì thế cũng nhân lên gấp bội khi chứng kiến các em ôm bụng đói đến lớp, mang chiếc áo trắng đã sờn màu hay chiếc quần tây chắp vá. Trường hợp em Nguyễn Quốc Lộc (15 tuổi, trú tại khối phố Ngân Hà, phường Điện Ngọc) có lẽ để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng cô giáo Thảo. Cha qua đời khi Lộc mới 2 tuổi, không lâu sau mẹ của em cũng dứt áo ra đi tìm hạnh phúc mới. Từ đó, Lộc tá túc hết nhà người cô bà con bên nội rồi đến nhà cậu ruột bên ngoại. Cảm thương cậu học trò nhỏ mồ côi, cô Thảo ra sức tìm nguồn học bổng giúp Lộc. Mấy năm ròng, cô Thảo kèm miễn phí môn Toán cho Lộc, tạo cho em động lực và sự tự tin tham gia các giải Toán ở cấp trường, cấp huyện. Nhờ thế, Lộc xuất sắc đỗ vào lớp 10 chuyên Toán (Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông) trong đợt thi tuyển sinh năm 2017 vừa qua.
Cô Thảo chia sẻ: “Không quá khó để tôi tìm hiểu thực hư hoàn cảnh nghèo của học trò. Tranh thủ giờ giải lao, tôi đến nghe các em thủ thỉ. Cũng có vài em sợ sệt hoặc ngại ngùng không kể, liền sau đó tôi phải chạy xe máy theo sau xe đạp của em ấy tìm về đến tận nhà”. Hình ảnh cô Thảo dạy xong tiết thứ 5 vội lấy xe máy theo sau học trò nghèo dường như đã trở nên quen thuộc. Với hai chị em Cẩm Nhung và Cẩm Bằng (trú khối phố Tứ Câu, phường Điện Ngọc), tự bao giờ cô Thảo trở thành “cô tiên” cứu giúp cuộc sống cơ cực của các em. Hỏi về cơ duyên được cô Thảo tìm đến giúp, Cẩm Bằng kể: “Em may mắn khi lên lớp 9 được học cô Thảo. Biết hoàn cảnh hai chị em không có cha, chị Nhung lại bị suy thận nặng không có tiền chữa, cô Thảo tìm đến giúp đỡ. Không chỉ vận động kêu gọi các nhà hảo tâm, tháng nào cô cũng chở gạo, mỳ tôm, mắm, muối đến nhà, nhờ thế em không còn ôm bụng đói đi học!”.
2. Với tâm niệm cho đi là hạnh phúc, cô Thảo không chỉ dành yêu thương cho học trò bất hạnh, nghèo khó, mà còn giúp những cụ già neo đơn không nơi nương tựa. Những dịp hè rảnh rỗi, cô lại theo chân sinh viên tham gia các chuyến từ thiện tại huyện Phước Sơn, Đông Giang. Tại quê hương Điện Ngọc (Điện Bàn), cô thành lập Câu lạc bộ Tình quê. Vừa dạy học, cô vừa tận dụng thời gian rảnh kêu gọi các nhà hảo tâm đồng hành trên mọi chương trình từ thiện như “Trung thu yêu thương”, “Hướng đến các cụ già neo đơn”. Và để có kinh phí thực hiện những chương trình ý nghĩa đó, cô Thảo đứng ra tổ chức các đêm nhạc từ thiện, bán hoa tươi vào dịp lễ... Chia sẻ về điều này, cô nói: “Khi biết những chương trình tôi tổ chức nhằm gây quỹ từ thiện, nhiều người đã ủng hộ nhiệt tình, góp phần tạo nguồn kinh phí để san sẻ với bà con vùng cao”.
Chứng kiến những cô cậu học trò đua đòi, quậy phá ở trường, nay lại bước trên những chặng đường thiện nguyện, ai nấy đều bất ngờ. Võ An và Nguyễn Mạnh Đô đã hoàn toàn thay đổi nhờ bài học hướng thiện của cô Thảo. Dịp cuối tuần, Nguyễn Mạnh Đô lại cùng cô giáo của mình tìm đến nhà một số cụ già neo đơn để dọn dẹp, nấu bữa cơm nhân ái cho các cụ. Vừa nhóm bếp nấu cơm cho cụ Nguyễn Thị Nhỏ (85 tuổi, trú tại khối phố Hà Dừa, Điện Ngọc), Đô kể: “Không có cô Thảo, chắc em sẽ chẳng được như ngày hôm nay. Bài học cô dạy không chỉ thể hiện qua lời nói, mà đó còn là hành động giúp các cụ già có cơm ăn, áo mặc, giúp các bạn học sinh nghèo có điều kiện đến trường. Em hứa sẽ nỗ lực từng ngày để sống và học tập tốt hơn”.
NHƯ TRANG