Cô giáo trẻ dạy tiếng Ca Dong

NGUYỄN DƯƠNG 26/04/2017 08:17

Nỗ lực dạy tiếng Ca Dong cho cán bộ trên địa bàn huyện Nam Trà My của cô giáo Hồ Thị Loan Thảo đã tạo điều kiện để nguyện vọng, tâm tư của đồng bào được tiếp nhận một cách thuận lợi, nhanh chóng.

Nỗ lực theo đuổi ước mơ

Đứng lớp là cô giáo trẻ Hồ Thị Loan Thảo (24 tuổi, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) say sưa với những bài giảng bằng tiếng đồng bào Ca Dong. Nhắc đến Thảo là nhắc đến một tấm gương vượt khó đáng khâm phục. Ở cái thời cái ăn còn khó khăn, con chữ chưa trọn vẹn nhưng Thảo vẫn nuôi ước mơ phải thoát ra được cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo, làm được một điều gì đó khác đi. Và cái “khác đi” của Thảo chính là học. “Trước kia em từng ước trở thành luật sư hay bác sĩ… nhưng từ khi được tiếp xúc với môn tiếng Anh lại đam mê lúc nào không hay. Rồi lại ấp ủ giấc mơ trở thành cô giáo dạy tiếng Anh và giờ em đã làm được” - Thảo chia sẻ.

Cô giáo Hồ Thị Loan Thảo đang giúp các em học sinh bổ sung kiến thức ngoài giờ. Ảnh: N.D
Cô giáo Hồ Thị Loan Thảo đang giúp các em học sinh bổ sung kiến thức ngoài giờ. Ảnh: N.D

Ở cái nơi mà cái ăn còn thiếu, điều kiện học chưa đầy đủ nhưng cô học trò lại theo đuổi một môn học được xem là “xa xỉ” khiến ai cũng khâm phục. Và như Thảo chia sẻ, đó cũng chính là động lực giúp cô càng quyết tâm hơn nữa.  Những tháng ngày cơ cực cô trò cùng ăn cơm độn sắn, chong đèn học bài, hay ngủ trên tấm bạt đơn sơ trong cái rét cắt da cắt thịt ở vùng cao lại chính là sức mạnh để Thảo vượt qua tất cả. Tốt nghiệp cử nhân Sư phạm tiếng Anh Trường Đại học Ngoại ngữ Huế vào tháng 8.2015, Thảo nộp đơn xin dạy hợp đồng theo tiết tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My. Đây cũng chính là ngôi trường nuôi dưỡng ước mơ của cô trò nhỏ năm nào. “Cảm giác trở về trường cũ, gặp lại thầy cô và được trở thành đồng nghiệp thật hạnh phúc. Ở môi trường mới này, tôi mong muốn góp sức nhỏ bé của mình để các em khóa sau thuận lợi hơn trong học tập, nhất là môn Tiếng Anh”- Thảo chia sẻ.

Với cương vị mới, Thảo luôn cố gắng tìm tòi học hỏi và áp dụng phương pháp dạy mới, sinh động cho bài giảng của mình như lồng ghép các hình ảnh, câu chuyện, tình huống gần gũi giúp các em tiếp thu bài một cách hiệu quả. Sau mỗi kỳ học, Thảo phát phiếu thăm dò để các em học sinh đánh giá hiệu quả bài giảng, từ đó có sự tương tác và điều chỉnh trong những tiết dạy tiếp theo. Cách dạy mới của cô giáo trẻ khiến lớp học trở nên hào hứng hơn. Năm học vừa rồi, Thảo được giao bồi dưỡng học sinh giỏi môn Tiếng Anh, kết quả 1 học sinh trong nhóm đoạt giải Ba Olimpic Tiếng Anh cấp tỉnh. Loan Thảo chia sẻ: “Tiếng Anh là môn học mới nên rất khó cho các em, nhưng nếu biết cách truyền đạt sinh động, gần gũi sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Đây là kinh nghiệm từ chính bản thân tôi trong những ngày chập chững với môn học mới lạ này”.

Cầu nối của người Ca Dong

Trong một lần vô tình nghe được những tâm sự của những cán bộ đang công tác ở đây rằng gặp khó khăn trong giao tiếp với người dân bản địa. Thảo chợt nghĩ, tại sao không giúp họ có thể hiểu hơn đồng bào mình. Vậy là xin ý kiến, nhờ kết nối... và lớp học tiếng Ca Dong cho các cán bộ vào mỗi tối ra đời từ đó. Sau giờ làm việc, các học viên lại có mặt tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên hướng nghiệp và dạy nghề Nam Trà My (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) để tham gia lớp học tiếng Ca Dong. Học viên là những cán bộ đang công tác tại huyện, trong đó phần lớn là các anh chị lớn tuổi. Mỗi lớp học thường từ 40 đến 60 học viên nhưng hiếm khi đông đủ bởi những nhiệm vụ đột xuất, tuy vậy ai cũng cố gắng sắp xếp công việc để tham gia. Buổi học trở nên thú vị khi luyện phát âm, cởi mở với cuộc trò chuyện bằng tiếng Ca Dong. Cứ thế, các khóa học ngày càng thu hút đông các học viên đăng ký. Với Thảo, đây không chỉ là công việc mà còn là niềm tự hào khi làm cầu nối giúp các cán bộ hiểu hơn về đồng bào mình.

Nhận công tác tại Công an huyện Nam Trà My, anh Lê Minh Tú - cán bộ xây dựng phong trào Công an huyện rất muốn tìm hiểu về đời sống, phong tục tập quán và con người nơi mình đang công tác. Anh Tú cho biết: “Muốn hiểu về con người và phong tục, tập quán của họ thì đầu tiên phải biết về ngôn ngữ của họ, hiểu họ đang nói gì và chia sẻ điều mình mong muốn. Nhờ lớp học, tôi đã vượt qua rào cản về ngôn ngữ để có thể trò chuyện, gần gũi với người dân nơi đây”. Ông Đinh Việt Trung - Trưởng Công an huyện Nam Trà My cho hay, đơn vị có 40 học viên từng tham gia lớp học tiếng Ca Dong do cô giáo Hồ Thị Loan Thảo đứng lớp. “Các cán bộ ở đây phần lớn là ở dưới xuôi lên, nghiệp vụ vững nhưng không hiểu ngôn ngữ của người bản địa nên khó khăn trong việc tiếp xúc, gần gũi với bà con. Lớp học đã gỡ bỏ được rào cản đó” - ông Trung nói.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cô giáo trẻ dạy tiếng Ca Dong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO