Có hay không chuyện chính quyền "chèn ép" một gia đình ở Hiệp Hòa?

PHAN VINH - THANH THẮNG 04/12/2018 03:32

(QNO) - Vừa qua, trên mạng xã hội Facebook, một tài khoản có tên Trâm Tran (tên thật là Trần Thị Mỹ Trâm, SN 1995, xã Hiệp Hòa, Hiệp Đức) có đăng một bài viết với nội dung: gia đình chị có người bị khuyết tật nhưng không được hưởng chế độ chính sách; mảnh đất của gia đình chị bị chính quyền thu hồi làm quy hoạch mà không bố trí đất ở. Báo Quảng Nam đã vào cuộc xác minh vụ việc.

Ông Trần Ngọc Tâm bên mảnh đất mà ông khẳng định là của mình. Ảnh: VINH THẮNG
Ông Trần Ngọc Tâm bên mảnh đất mà ông khẳng định là của mình. Ảnh: VINH THẮNG

Thắc mắc của gia đình

Theo nội dung bài viết, chú của chị Trâm là ông Trần Ngọc Thuận (SN 1967, thôn Linh Kiều, xã Hiệp Hòa) bị câm điếc bẩm sinh, nhưng lâu nay vẫn chưa được hưởng chế độ chính sách của nhà nước dành cho người khuyết tật.

Ngoài ra, gia đình ông Thuận còn có một mảnh đất khai hoang từ năm 1975. Mảnh đất này được để lại cho anh của ông Thuận là ông Trần Ngọc Tâm (SN 1954, cha của chị Trâm). Nhưng khi gia đình đến UBND xã Hiệp Hòa xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì chính quyền địa phương thông báo đất đã nằm trong quy hoạch không thể cấp.

Gia đình ông Tâm bằng lòng giao đất lại cho địa phương nhưng có nguyện vọng xin cấp một nền đất. Tuy nhiên, đến nay UBND xã Hiệp Hòa không cấp mà lại đem đất của gia đình ông Tâm cấp cho người khác. Ngoài ra còn có 2 ngôi mộ của gia đình bị múc đất sát bên gây hư hỏng…

Gia đình lo lắng cho ông Thuận khi tuổi già sức yếu mà không có bảo hiểm chính sách. Ảnh: VINH THẮNG
Gia đình mong muốn ông Thuận được cấp bảo hiểm y tế phục vụ khám chữa bệnh. Ảnh: VINH THẮNG

Ngày 3.12, phóng viên Báo Quảng Nam đã trao đổi vụ việc với gia đình ông Trần Ngọc Tâm. Ông Tâm khẳng định, em mình là ông Thuận lâu nay bị câm điếc bẩm sinh nhưng không được hưởng chế độ chính sách dành cho người khuyết tật.

“Năm 2009, trong một đợt bão, Thuận bị tai nạn khi đang chặt cây. Khi đến bệnh viện, nhiều y, bác sĩ thắc mắc tại sao người bị câm điếc mà không có bảo hiểm xã hội dành cho người khuyết tật. Lúc đó chúng tôi cũng hay vậy và thanh toán viện phí đầy đủ. Bây giờ mong muốn nhà nước quan tâm giúp đỡ cho em Thuận hơn” - ông Tâm nói.

Ông Tâm cũng chia sẻ, năm 1975, ba mẹ ông khai hoang diện tích khoảng 2ha đất tại khu vực hố Cây Lội (thôn Linh Kiều) để trồng cây. Năm 2005, ông xin làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần đất này thì UBND xã Hiệp Hòa từ chối vì đất đã nằm trong quy hoạch đất công của địa phương. Thời điểm này, ông bằng lòng với quyết định của chính quyền địa phương và xin cấp một nền đất để ở. Đến nay, nguyện vọng của ông vẫn chưa được giải quyết.

Ông Tâm khẳng định, từ trước năm 2017, ông vẫn trồng cây trên phần đất này. Tuy nhiên, ông không có bất kỳ giấy tờ liên quan nào chứng minh mảnh đất này của gia đình mình.

Đã giải quyết hợp tình, hợp lý

Trao đổi với chúng tôi về những vấn đề trên, ông Lương Phước Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa cho biết, nhiều năm trước, địa phương đã tổ chức lấy thông tin và xét mức độ của những người khuyết tật trên địa bàn. Căn cứ Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật, trong đó có 3 mức độ: đặc biệt nặng, nặng và nhẹ.

“Trường hợp của ông Trần Ngọc Thuận được Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xã Hiệp Hòa xác định là khuyết tật nhẹ vì ông Thuận bị câm điếc nhưng vẫn sinh hoạt và lao động bình thường. Đối với mức độ khuyết tật nhẹ thì không nằm trong nhóm đối tượng được hỗ trợ theo diện chính sách” - ông Nghĩa nói.

Phiếu đánh giá khuyết tật của trường hợp ông Trần Ngọc Thuận, kết quả ông thuộc diện khuyết tật nhẹ. Ảnh: VINH THẮNG
Theo phiếu đánh giá khuyết tật của trường hợp ông Trần Ngọc Thuận thì ông thuộc diện khuyết tật nhẹ. Ảnh: VINH THẮNG

Còn phần đất mà ông Tâm cho rằng do gia đình khai hoang từ năm 1975 nhưng bị UBND xã Hiệp Hòa đưa vào đất công, ông Nghĩa khẳng định, không có cơ sở nào nói rằng gia đình ông Tâm khai hoang từ năm 1975 vì thời gian đó gia đình ông chưa ở tại địa phương.

Trước năm 1996, UBND xã Hiệp Hòa đã vận động nhân dân kê khai đất đai theo Nghị định 64/CP của Chính phủ, nhưng địa phương không thấy gia đình ông Tâm kê khai phần đất ở khu vực hố Cây Lội mà kê khai một phần đất khác. Đến năm 2003, khi UBND xã công bố quy hoạch đất đai, thì diện tích đất ở hố Cây Lội đã được đưa vào đất công vì không có chủ sở hữu.

Ông Phạm Văn Luân - Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Hòa, nguyên cán bộ địa chính xã giai đoạn 2001 - 2004 khẳng định, thời điểm địa phương đưa phần đất này vào quy hoạch đất công thì gia đình ông Tâm cũng không có ý kiến gì hay khiếu nại gì.

Biên bản làm việc giữa ông Tâm và đại diện hợp tác xã cho thấy ông thống nhất với quyết định bàn giao đất cho hợp tác xã của chính quyền địa phương. Ảnh: VINH THẮNG
Biên bản làm việc giữa ông Tâm và đại diện hợp tác xã cho thấy ông thống nhất với quyết định bàn giao đất cho hợp tác xã. Ảnh: VINH THẮNG

Từ năm 2003 đến nay, địa phương vẫn cho ông Tâm canh tác trên phần đất mà ông cho là của ông, nhưng phần đất này chỉ rộng khoảng 6.000m2 chứ không phải là 2ha như ông khẳng định. Cuối năm 2017, UBND xã Hiệp Hòa có chủ trương cấp đất cho hợp tác xã xây dựng trụ sở và chọn vị trí tại khu vực đất ông Tâm đang sản xuất để làm. Đầu năm 2018, địa phương mời ông Tâm và đại diện hợp tác xã lên làm việc. Tại đây, ông Tâm đã thống nhất nhận 35 triệu đồng tiền đền bù cây giống và giao đất lại cho hợp tác xã mà không khiếu nại hay thắc mắc gì khác.

“Thậm chí đến nay, UBND xã cũng chưa từng nhận được đơn thư nào từ phía gia đình ông Tâm về những vấn đề nói trên. Chỉ có con của ông Tâm là chị Trâm đăng lên mạng xã hội nói những điều vô căn cứ chứ chính quyền đã làm việc với gia đình ông Tâm hợp tình, hợp lý rồi. Sắp tới, địa phương sẽ mời chị Trâm và ông Tâm lên làm việc lại và giải thích cho gia đình rõ hơn để tránh dư luận tiêu cực ảnh hưởng đến địa phương” - ông Nghĩa nói.

PHAN VINH - THANH THẮNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Có hay không chuyện chính quyền "chèn ép" một gia đình ở Hiệp Hòa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO