|
Hàng loạt những vấn đề đáng ngờ!
Từ đề xuất trên, sau khi thống nhất với gia đình ông Hoàng Đình Long, Nha Văn hóa bắt tay vào nghiên cứu kỹ hơn bộ dật sử thì phát hiện hàng loạt những vấn đề đáng ngờ. Theo Nha Văn hóa thì: “Cô Hoàng Thị Tòng, biệt hiệu Tùng Thoại chưa chắc đã là bạn đồng chí của cụ Phan Bội Châu vì: 1. Chưa có sách nào nói đến cô Hoàng Thị Tòng. 2. Các ông Nguyễn Thị Dực và Nguyễn Văn Bồng có lập danh sách các liệt nữ đã từng hoạt động với cụ Phan Bội Châu nhưng không biết đến cô Hoàng Thị Tòng. 3. Nếu sách “Phan Bội Châu tự phán” có nói đến cô Thiếu Lâm Quảng Đông thì cũng cần phải chứng minh đó là một biệt danh của cô Hoàng Thị Tòng”.
Trước tình hình đó, Phủ Quốc vụ khanh thành lập một Hội đồng thẩm duyệt toàn bộ cuốn dật sử này, với nhiều chuyên gia Hán Nôm giỏi nhất của họ lúc đó, trong đó có ông Nguyễn Đình Diệm. Căn cứ vào ý kiến trên của Hội đồng thẩm xét, tại Phiếu trình số 210-QVK/VH/NVH/PB/AP do ông Tán Văn Hỷ ký, trình Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa Sài Gòn, về việc “duyệt chính bản dịch cuốn “Việt Nam chống xâm lăng sử mà là dật sử của cô Hoàng Thị Tòng” cho biết quá trình duyệt xét cũng như kết luận cuối cùng về cuốn sách như sau: 1. Duyệt tập 1 đến 6, xong vào ngày 25.2.1973. 2. Duyệt tập 7 đến 12, xong vào ngày 4.3.1973. Theo chúng tôi, ông Ngô Văn Minh (PGS-TS. Ngô Văn Minh - BTV)hoàn toàn có lý khi cho rằng “với một người hoạt động chính trị như bà Tòng thì sao lại có thể ghi tất cả những điều cơ yếu của tổ chức mình vào trong nhật ký?”. Đặc biệt, tại sao bộ dật sử cho rằng bà thường xuyên liên lạc với hai cụ Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng (cùng phủ Thăng Bình, sau là phủ Tam Kỳ), riêng cụ Huỳnh lại cùng quê làng Thạnh Bình với chồng của bà Tòng, cùng ngồi tù với bà ở Côn Đảo nhưng trong các trước tác của mình cụ Huỳnh lại không hề nhắc đến tên bà?
“Là sản phẩm của văn sĩ Quảng Nam!”
Sau khi thẩm duyệt một cách cẩn thận bộ dật sử, dịch giả nổi tiếng Tô Nam Nguyễn Đình Diệm - thuyết trình viên của Hội đồng thẩm định, đưa ra các ý kiến của Hội đồng này như sau:
Về sự nghiệp của cô Tòng thì: “Cứ như những lời thuật lại thì cô Tòng là một nhân vật quan trọng nhất trong các phong trào chống Pháp, như vụ chống thuế, Duy tân, Đông du, Đông Kinh Nghĩa thục, và sang Tàu, Nhật sang Đức để vận động, thế mà tại sao những cuốn “Cách mạng sử” không thấy nhắc đến tên tuổi? Trong truyện nói, khi 14 - 15 tuổi, cô còn học chữ Hán của ông đồ nhà quê, mà 18 tuổi đã đỗ bằng Primaire ở Quảng Nam, rồi vừa tham gia cách mạng vừa học chữ Pháp, chữ La Tinh, chữ Anh ở đấy. Thử hỏi, lúc ấy ở tỉnh Quảng Nam làm gì đã có trường dạy ngoại ngữ, để cô vừa đi hoạt động vừa học trong vòng 1 - 2 năm mà thông thạo được nhiều thứ tiếng như vậy? Về điểm này, hình như tác giả dật sử nhận thấy mình đã đề cao cô Tư một cách quá xa thực tế, nên đòi đem thân hình cô cao lớn, cân nặng 65 ký lô, để chứng minh sự thông tuệ tột bậc. Nhưng sự học phải có phương tiện, có thời gian 2 - 3 chục năm để đi du học, chứ 65 ký lô kia có thể bảo đảm cho sự thông thạo 7 thứ chữ trong thời gian tối thiểu”. Ông Diệm cũng hồ nghi: “Quyển 10 nói cô bị tù ở Côn Đảo hơn hai (2) năm, đến ngày 20.2.1910 cô được trả tự do, khi ấy mới 25 tuổi. Về tới nhà, cô lập tức sang Nhật, rồi xin được phép mở trường dạy người Nhật học tiếng Việt, dù cô không biết tiếng Nhật. Tác giả quên rằng: Xin phép mở trường ở nước nhà cũng còn khó khăn, huống chi cho một người con gái vừa mới chân ướt chân ráo bước tới nước ngoài, mà được phép mở ngay như vậy?”.
Về nội dung của cuốn dật sử, theo ông Diệm thì: “Ông Hoàng Đình Long nói: Cuốn chữ Nôm do hai (2) vị tú tài Hán học xưa soạn thuật, rồi ông dịch ra Quốc ngữ. Nhưng cả ba quyển chữ Nôm viết sai quá nhiều, tờ nào cũng bị bôi lọ lem, không thể đọc hết được, thế mà ông ấy phiên dịch được, thì đủ biết cuốn truyện này do nhà tiểu thuyết nào soạn bằng Quốc ngữ, rồi sau mới phiên ra chữ Nôm và bôi lọ lem để ngụy tạo ra như cổ thư. Chỉ thấy ghi đầy những thi ca, với những cuộc hội họp và ghi danh, tỉnh, quê quán các hội viên, còn việc làm của cô Tư thì ít có thực tế. Có thể ngờ rằng: Cô Tư cũng là người có tham gia các phong trào cách mạng hồi đó và cũng có theo các vị cách mạng tiền bối như cụ Phan Sào Nam, cụ Cường Để... sang Tàu, sang Nhật với các cụ, mà tác giả muốn làm nổi bật vai trò của cô nên đã thần thánh hóa các sự việc, và còn soạn ra những văn thơ để ca ngợi cô song văn phong thì quá tầm thường và quê kịch mà lại cho là lời của các cụ khen ngợi cô Tòng. Ví như bài thơ đề ở đầu quyển 1, bảo là của cụ Phan Bội Châu tặng cô Tòng. Câu thứ nhất: “Tư Tùng Đệ nhất nữ anh hùng” thì câu thứ hai: “Sáng trí cao tài giúp cứu dân”, câu thứ tư “Cõi trời Âu”; câu thứ sáu: “Giống Lạc Hồng” cho thấy thơ chẳng ra thơ, mà lại xuất vận như vậy mà bảo là thơ của cụ Phan Bội Châu thì ai tin được?”. Từ những nhận định đó, Hội đồng đi đến kết luận rằng: “Cuốn Dật sử này sẽ làm giảm giá trị sự nghiệp cách mạng các bậc tiền bối, không nên xuất bản” (Bản thuyết trình của ông Tô Nam Nguyễn Đình Diệm - đại diện Hội đồng thẩm xét Dật sử Hoàng Thị Tòng, đề ngày 30 tháng 12 năm 1972, tại Sài Gòn. Tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, TP.Hồ Chí Minh). “Sau khi thảo luận toàn thể, Hội đồng quyết định không nên in tài liệu này” (Phiếu trình số 210-QVK/VH/NVH/PB/AP về Dật sử bà Hoàng Thị Tòng, do ông Tán Văn Hỷ ký. Tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, TP.Hồ Chí Minh).
Qua hồ sơ này, chúng ta có thể thấy rằng, bộ dật sử mà ông Hoàng Đình Long gửi cho Nha Văn hóa không hề là bản gốc chữ Hán; lại không có cơ sở để khẳng định rằng Hoàng Thị Tòng là một trong “hai người phụ nữ tham gia phong trào Duy tân, Đông du và sau này là Việt Nam Quang phục Hội” như ông Tôn Thất Hướng đã nói. Tưởng cũng nói thêm rằng, trong một văn bản trong hồ sơ này, chúng tôi thấy người nào đó đã dùng bút mực, viết thẳng một câu rằng: “Đây là sản phẩm của bọn văn sĩ Quảng Nam!” có lẽ là đúng chăng?
LƯU ANH RÔ