Đâu chỉ có những tháng ngày với sóng và gió, đâu chỉ có những gian khó và hy sinh, người lính vẫn hát giữa trùng khơi, tay súng chưa bao giờ lơi đi khi đứng giữa bao la giữ từng tấc chủ quyền Tổ quốc.
Người ở lại Phan Vinh
Trước chuyến đi, nhiều lời nhắc từ chỉ huy Vùng 4 Hải quân lẫn anh em thủy thủ, rằng đi biển mùa này sẽ là thử thách. Mà thật, ba ngày đầu, toàn tàu say sóng, trừ anh em thủy thủ tàu vốn đã dày dạn kinh nghiệm. Mọi thứ lắc lư, mọi giờ lắc lư, phần đông anh em bỏ bữa, tổ phục vụ phải nấu nồi cháo lớn để sẵn trong bếp, động viên anh em cố ăn chút để có cái mà… nôn. Chúng tôi đánh vật với nhưng cơn say sóng, không dám nhìn vào điểm nào cố định. Trên tàu sóng đã dữ, xuống dưới xuồng chuyển tải vào đảo Phan Vinh, cứ như đang nằm trên chiếc lá tre mà trôi. Sóng đập vào mạn xuồng tung nước tràn lên, ướt như chuột lột. Sóng trùng trùng nối sóng như lũ thủy quái trở mình chực chờ dưới nước…
“Hai con gái, cháu lớn học lớp 3, cháu nhỏ mới 4 tuổi, cả hai tôi đều không thể có mặt lúc con chào đời. Tổ quốc cần chúng tôi, người lính phải luôn sẵn sàng vì Tổ quốc. Năm này hay tin tôi vẫn còn ở lại với đảo, vợ tôi chia sẻ rằng cũng có một chút buồn, song cô ấy và các con tự hào vì có một người chồng, người cha đang cống hiến ở nơi tuyến đầu. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với công việc của mình, vơi bớt những nhớ thương cứ dằng dặc trở lại sau những ngày phép ngắn ngủi”.
(Thiếu tá Trần Duy Thảo - Chỉ huy trưởng Cụm chiến đấu 1 ở đảo Phan Vinh)
Nghe tôi kể về chuyện say sóng, Thiếu tá Trần Duy Thảo - Chỉ huy trưởng Cụm chiến đấu 1 ở đảo Phan Vinh cười, bảo đợt này sóng chỉ mới cấp 5, chưa… ăn thua. “Ở bờ, nghe tin báo bão thì người người, nhà nhà chạy bão. Ở nơi này, chỉ một phương án là luôn phải vững vàng đương đầu. Không phải là một thói quen, mà đối với chúng tôi, đó là một lời thề của người lính, sẽ luôn bám trụ với biển đảo, với tiền tiêu Tổ quốc” - Thiếu tá Trần Duy Thảo nói.
Anh là người mà trước đó ít phút, tôi bắt gặp ánh nhìn tư lự về phía đồng đội, những chiến sĩ tất tả dọn hành trang, chuẩn bị lên tàu thu quân sau một năm làm nhiệm vụ. Ánh nhìn kỳ lạ ấy níu tôi tìm anh, tranh thủ thời gian ngắn ngủi trên đảo để trò chuyện. Như điều tôi dự cảm, anh tình nguyện ở lại. Từ khi được phân công ra đảo, sống cùng đồng đội, niềm tự hào và ý thức thiêng liêng trong anh cứ lặng lẽ lớn dần. Hết thời gian công tác, anh xung phong xin được tiếp tục gắn bó cùng đảo. Đồng đội của anh sau một năm ở đảo sẽ được về đất liền, riêng anh đã là năm thứ 5 ở lại với Phan Vinh.
“Hai con gái, cháu lớn học lớp 3, cháu nhỏ mới 4 tuổi, cả hai tôi đều không thể có mặt lúc con chào đời. Tổ quốc cần chúng tôi, người lính phải luôn sẵn sàng vì Tổ quốc. Năm này hay tin tôi vẫn còn ở lại với đảo, vợ tôi chia sẻ rằng cũng có chút buồn, song cô ấy và các con tự hào vì có một người chồng, người cha đang cống hiến ở nơi tuyến đầu. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với công việc của mình, vơi bớt những nhớ thương cứ dằng dặc trở lại sau những ngày phép ngắn ngủi” - Thiếu tá Trần Duy Thảo bộc bạch.
Tôi nhìn theo hướng anh chỉ: cầu tàu Phan Vinh. Nơi đó, anh đã đón và tiễn 5 lượt cán bộ chiến sĩ đến và đi. Anh nói, nếu phải rời xa nơi này, đó sẽ là nơi anh nhớ nhất. Anh kể tôi nghe câu chuyện về mùa thay quân năm ngoái, anh đã đứng đó, vẫy tay chào đồng đội. Một chiến sĩ ở đảo nuôi một con chó nhỏ. Đến khi chào tạm biệt, chú chó nhỏ nhảy xuống nước, bơi đến bên xuồng, anh chiến sĩ cũng với tay xoa đầu người bạn đặc biệt. Tàu nổ máy, chú chó bơi ra theo ra cửa luồng mới quay vào bờ. Một tiếng tru thống thiết ở nơi cầu tàu, như lời tiễn đưa của chú chó nhỏ với người chiến sĩ. “Nơi này, thứ gì cũng neo lại tình cảm đặc biệt trong mình như vậy, sao mà không nhớ, không yêu”, anh nói với tôi, mà hình như cũng đang độc thoại với chính mình, dưới màu xanh rợp mát của cây tra già trên đảo.
Gác lại những niềm riêng
Làn da rám nắng, nghiêm trang trong bộ quân phục lễ nghi đón đoàn công tác, rồi lại tất bật với việc đón tiếp, chuyển hàng, quà… Nhưng đó không phải là điều đặc biệt nhất ở những người lính mà tôi đã gặp. Chính những câu chuyện nhỏ của họ, những lời tâm sự mộc mạc mà chân tình của họ lại làm dấy lên những xúc cảm lặng lẽ, khó có thể gọi tên.
Hôm tôi đặt chân lên đảo chìm Đá Lớn C, bắt gặp một chiến sĩ có gương mặt rất thư sinh ẩn trong làn da rám nắng. Đó là Nguyễn Cảnh Đông quê ở Nghệ An, chỉ mới vừa 19 tuổi. Nắng gió đã kịp “chạm khắc” một làn da đen cháy cho Đông, nhưng nụ cười vẫn rất hồn nhiên. Đông kể về cái nắng rát cháy ở đảo chìm, về chuyện tiết kiệm nước ngọt để vừa nuôi người, vừa nuôi… rau một cách nhát gừng, kiểu “hỏi gì đáp nấy”.
Tôi hơi ngạc nhiên, khi những chiến sĩ khác ở đảo Đá Lớn C tíu ta tíu tít với đoàn công tác, Đông lại có chút gì đó lặng lẽ. Tôi kéo Đông ra góc đảo, hỏi thăm về chuyện ăn ở, chuyện gia đình. “Bố em mất rồi! Bố mất trước ngày em đi lính. Anh biết không, lúc trước em học hành cũng làng nhàng, có nhiều điều làm bố buồn. Ông nói, niềm mong mỏi nhất của ông là cho em vào quân đội. Rồi em trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Lo tang cho cha xong, em lên đường đi lính, may mắn được làm lính hải quân, may mắn nữa là được ra Trường Sa. Em nhớ bố. Bố còn sống, chắc hẳn bố sẽ vui lắm, khi biết con trai mình là người lính ra giữ đảo, giữ biển cho đất nước”. Tôi lặng đi sau những câu nói của Đông...
Những người lính nơi đầu sóng. Bao câu chuyện riêng chung, bao nỗi lòng làm sao có thể sẻ chia hết cùng người trong cuộc. Dưới chân là sóng dội. Sóng dội bốn phương tám hướng, cuộn trào bao thao thiết, sóng biển khơi, hay sóng trong lòng. Đông có quyền tự hào, cũng như chúng tôi luôn tự hào về Đông, về đồng đội của Đông đang ngày ngày gác lại những niềm riêng kia mà kiên gan cùng Trường Sa. Rồi sẽ là những an yên ngay trên đỉnh sóng. Sẽ là những bình minh đẹp đến nao lòng ở đây, hay những buổi chiều lặng ngắm mặt trời khuất dần sau mênh mông sóng nước.
Đi cùng tàu với tôi ra Trường Sa, là rất nhiều những gương mặt tân binh. Họ, chắc cũng sẽ như Đông, mỗi người cất giữ một khoảng trời riêng, một câu chuyện riêng mình. Bao nắng gió, bão bùng rồi sẽ tôi rèn cho người lính, để niềm tin không tắt, để Tổ quốc luôn hiện hữu ở đây, vững vàng như cách mà bao thế hệ người lính hải quân đã sống và chiến đấu…
Trong mắt lính, có một trùng dương mang dáng hình Đất Nước!
_______
Bài 4: Sinh Tồn, trong hình hài Tổ quốc
Với từng chút cây trái mọc lên từ nền san hô, từng gương mặt và cái cười con trẻ, khi đặt chân đến Sinh Tồn. Đảo nhỏ, có dáng hình gương mặt mẹ…