Thời tiết nắng nóng, tình trạng nguồn nước sinh hoạt nhiễm mặn tại các khu vực nuôi tôm trên cát ở vùng đông thêm trầm trọng, nhưng có vẻ không mấy người nuôi tôm ta thán với hệ lụy này. Nhiều năm nay họ phải sống chung với tình trạng mạch nước ngầm dùng cho sinh hoạt bị nhiễm mặn vì hồ tôm thẩm thấu, nhưng đành chấp nhận như kiểu “bụng làm dạ chịu” vậy.
Giá tôm thương phẩm nhún nhảy liên tục, đó là một thực trạng khác mà người tôm nuôi buộc phải chấp nhận. Chỉ có điều phải chấp nhận trong tư thế bị động nên không ít người đôi lúc bất ngờ chịu đòn đau. Nghề nuôi tôm rủi ro cao, chi phí lớn, lại chịu cảnh “làm giá” của các đầu nậu cung cấp từ nguồn tôm giống đến thuốc trị bệnh và thức ăn cho tôm, nhưng đến khi thu hoạch thì nhấp nhổm với giá sản phẩm, và phụ thuộc vào sự nhiệt tình của người mua.
Trong khi đó, hầu hết ao nuôi tôm trên cát ở vùng ven biển được xây dựng trái phép, người dân không danh chính ngôn thuận với sinh kế của mình, nên trong quá trình sản xuất rất khó nhận được sự hỗ trợ hoặc tạo điều kiện thuận lợi. Kể cả nguồn điện ba pha dành cho sản xuất, người nuôi tôm cũng không được sử dụng bởi ao nuôi trái phép, nên phải chạy đôn chạy đáo “mua” công tơ điện sinh hoạt của các hộ dân, vừa không đủ công suất và làm tăng chi phí sản xuất.
Sinh kế của người dân từ nghề nuôi tôm đang nhấp nhổm, nhưng lối ra để tìm thấy hướng sản xuất bền vững vẫn rất xa xôi. Định hướng phát triển nghề nuôi tôm bền vững của tỉnh là khuyến khích đầu tư những mô hình sản xuất có quy mô lớn, khép kín, công nghệ cao... nên nông dân hạn chế về nguồn lực rất khó dự phần. Trong khi đó, đất đai của người dân nhỏ lẻ, manh mún, cằn cỗi..., nếu không phát triển sinh kế từ con tôm thì cũng chẳng biết làm gì để sinh lợi. Con tôm, dù cho người dân cơ hội... bấp bênh nhưng có còn hơn không, nên khi bu bám lặn ngụp với ao hồ, ít ai nghĩ đến chữ phát triển bền vững.
Nông dân bây giờ thực ra đang đứng trước rất nhiều cơ hội trong phát triển sinh kế, nhưng không mấy người tạo được sinh kế bền vững bởi phải xoay xở với phương thức sản xuất và thị trường. Ngay cả loại sản phẩm có thị trường rộng lớn và tương đối ổn định như con tôm thì sinh kế người dân vẫn thiếu bền vững do phương thức sản xuất được chăng hay chớ ngay từ đầu. Đến lúc nguồn tài nguyên sông vịnh, ao hồ, nguồn nước, đất đai... bị hủy hoại và cả thói quen thị trường dễ tính đã được xác lập thì dù muốn quay lại sản xuất bền vững cũng đâu phải chuyện dễ.
Công trình nuôi tôm trên cát ở nhiều khu dân cư bây giờ được ví là phiên bản mới của mô hình nuôi tôm vùng triều đang lây lất và gây nhiều hệ lụy cho môi trường nhưng không thể xử lý dứt điểm vì đó là cơ hội sinh kế của nhiều người dân. Cũng vì lý do đặc biệt này mà ở nhiều nơi chính quyền không thể mạnh tay, dù mười mươi là những công trình trái phép. Đây thực sự là bài toán khó trong quản lý, nhưng không thể giải quyết rề rà được nữa bởi nguồn tài nguyên đang bị xâm hại nghiêm trọng, trong khi người dân thì vẫn “đánh bạc với trời”!