Hợp tác quốc tế, đối ngoại văn hóa để cùng hướng đến một nỗ lực chung trong việc gìn giữ những di sản quý báu của địa phương, là cách mà Quảng Nam đang đi để xác lập vị trí và tương lai của di sản…
Các chuyên gia người Ý tham gia công tác bảo tồn di sản Mỹ Sơn. Ảnh: L.Q |
Toàn cầu hóa chuyện di sản
Gần 20 năm sau ngày tái lập tỉnh, ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL nhìn nhận, điều thành công của ngành văn hóa, ngoài việc xác lập giá trị của di sản văn hóa trong công cuộc phát triển kinh tế, thì sự quan tâm, đầu tư và những cơ hội hợp tác quốc tế chính là dấu son trong hành trình này. Bảo tồn di sản không còn là vấn đề của riêng một địa phương hay cá nhân nào, mà đã thành vấn đề toàn cầu. “Trong bảo tồn di sản, di tích ở Quảng Nam, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, việc kêu gọi hợp tác quốc tế, vận động các tổ chức, cá nhân trong nước tài trợ bảo tồn di tích rất quan trọng. Đối với các Di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn, những công trình trùng tu quan trọng đều tham khảo ý kiến của chuyên gia quốc tế. Trong đó, tổ chức JICA của Nhật Bản đã hỗ trợ chúng ta nhiều về công tác trùng tu nhà cổ, hay đang tiếp tục hỗ trợ việc xử lý nước thải ở khu vực Chùa Cầu… UNESCO cũng đã đứng ra vận động các quốc gia ủng hộ Quảng Nam trong việc trùng tu, bảo tồn di tích” - ông Hài nói.
Không chỉ riêng Quảng Nam, hướng đi chung của những người làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc là đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm thu hút sự giúp đỡ về nhân lực, kinh nghiệm chuyên môn và tài chính. PGS-TS. Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, chính sách hợp tác quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, tổ chức nước ngoài nghiên cứu và tham gia bảo tồn di sản của Việt Nam. Riêng với Quảng Nam, may mắn sở hữu 2 di sản văn hóa thế giới, và cũng rất may mắn khi nhận được sự quan tâm hợp tác của nhiều tổ chức nước ngoài. Nói về tổ chức JICA, ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa Hội An chia sẻ rằng, nguyên tắc trùng tu của những người bạn Nhật rất phù hợp với bối cảnh cũng như điều kiện di sản ở Hội An, với những phương pháp hoàn toàn mới lạ nhưng tuyệt đối tôn trọng yếu tố gốc. Điều đó giúp Hội An gìn giữ tốt hơn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Hơn 10 di tích nhà cổ, cùng các chiến lược đầu tư, đào tạo cán bộ văn hóa chuyên về trùng tu do JICA trợ lực cho Hội An đã giúp không gian di sản này giữ được nguyên vẹn những vết dấu cổ kính.
Hội thảo quốc tế về trùng tu di tích chùa Cầu được tổ chức hồi tháng 8.2016 tại Hội An. |
Nếu Hội An mạnh trong câu chuyện đối ngoại và tranh thủ cơ hội giúp đỡ từ nhiều tổ chức nước ngoài, thì với di sản Mỹ Sơn, từ năm 1999 đến nay hàng loạt dự án hợp tác trực tiếp đã được nối kết để di sản này lúc nào cũng có “chuyên gia”. Từ dự án hợp tác Việt Nam - Ba Lan trong việc gia cố tôn tạo, trùng tu các nhóm tháp B, C, D… đến dự án hợp tác với tổ chức MAG trong câu chuyện rà phá bom mìn. Các dự án hợp tác ba bên Việt Nam - UNESCO - Ý về trùng tu nhóm tháp G, hay xây dựng đề án tổ chức trưng bày tại Nhà trưng bày Mỹ Sơn, giáo dục di sản trong trường học, thanh niên tình nguyện tại cộng đồng di sản… đều đã có những thành tựu nhất định.
Đào tạo người bảo tồn chuyên nghiệp
Trong câu chuyện hợp tác văn hóa quốc tế, mục tiêu cuối cùng chính là sẽ có một thế hệ kế cận đủ sức thay các chuyên gia trong công cuộc bảo tồn di tích, di sản văn hóa. GS. Hoàng Đạo Kính cho rằng, khi công tác bảo quản cấp thiết đã dần lui vào dĩ vãng và khi đã xuất hiện những khả năng lớn gấp bội về tiền của dành cho di sản thì việc cần làm là phải dần dẹp bỏ những non yếu trong công tác tu bổ dẫn tới sự tổn thất cho di tích, gây sự bức xúc trong dư luận xã hội. Nhu cầu về những nhà bảo tồn chuyên nghiệp, những tổ chức bảo tồn chuyên nghiệp cần phải được ưu tiên đáp ứng. Chính sự hợp tác quốc tế là cơ hội vàng để cải thiện trình độ tay nghề lẫn những tri thức trùng tu mà một nhà bảo tồn chuyên nghiệp cần phải có. Trùng tu, bảo tồn là ngành đặc thù, đòi hỏi từ người quản lý cho đến thợ trực tiếp phải có sự hiểu biết sâu rộng về giá trị lịch sử, văn hóa của di tích và kỹ năng làm nghề tốt. Thế nhưng, chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác bảo tồn di tích nói riêng, quản lý di sản nói chung vẫn chưa được để tâm.
Ông Đinh Hài cho rằng, ngoài việc giữ lại vóc hình của di tích cũng như sử dụng các kỹ thuật, công nghệ cao, thì chính những tổ chức nước ngoài với các chuyên gia giàu kinh nghiệm sẽ là “người thầy” giúp cho hoạt động nghề nghiệp này mang tính chuyên nghiệp hơn. Như ở Hội An, thông qua các tổ chức ở trong và ngoài nước, những nghệ nhân hành nghề trùng tu nhà cổ được bồi dưỡng kiến thức, hiểu được sự cần thiết về mặt kỹ thuật trong công tác tu bổ di tích. Đội ngũ thợ này đã dần trưởng thành. Từ kiến thức tu bổ truyền thống, bây giờ họ còn biết áp dụng các công nghệ kỹ thuật mới để giúp cho việc tu bổ di tích ngày càng đạt hiệu quả, mang tính khoa học hơn nhưng vẫn bảo đảm được yếu tố kỹ thuật tính năng truyền thống. Theo ông Nguyễn Chí Trung, quốc tế hóa công tác đào tạo chuyên gia bảo tồn sẽ là đích đến dài lâu trong câu chuyện hợp tác bảo tồn di tích.
LÊ QUÂN