Cơ hội cho hàng Việt

CHIÊU THỤC ANH 06/06/2015 08:34

Qua 5 năm thực hiện của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, dẫu chưa có con số chính xác để đánh giá hiệu quả cuộc vận động nhưng sự chuyển biến nhận thức, tâm lý tiêu dùng của người dân đã có nhiều thay đổi…

Hàng nội địa ngày càng có sức hút lớn với người tiêu dùng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Hàng nội địa ngày càng có sức hút lớn với người tiêu dùng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tạo thói quen

Làm nóng thị trường nông thôn

Không nói đâu xa, sự kiện mang tính thời sự nóng hổi mấy ngày nay trên các diễn đàn mạng, truyền thông là sự ra mắt của sản phẩm điện thoại Bphone của công ty chuyên phát triển các phần mềm bảo mật và dịch vụ quản lý nhà thông minh Bkav. Ngay lập tức, chiếc điện thoại đầu tiên của người Việt, được lắp ráp tại Việt Nam đã nhận được sự ưu ái, ủng hộ của người dùng ở nhiều lứa tuổi. Anh Huỳnh Thành Công (Giám đốc Công ty chuyên tư vấn tiếp thị VietincomMedia.com tại TP.Hồ Chí Minh, người Quảng Nam) chia sẻ, khi một sản phẩm mới ra đời, khen chê là điều tất nhiên nhưng anh sẵn sàng bỏ qua một số lỗi công nghệ của Bphone để “tậu” một chiếc về dùng vì nó là sản phẩm của người Việt. Người Hàn Quốc đã từng sẵn sàng mua sản phẩm công nghệ của nước họ sản xuất ra để ủng hộ nền công nghiệp nước nhà bất chấp những sản phẩm đó chưa hoàn thiện, chưa đạt yêu cầu và nhờ đó mà sau vài chục năm, Hàn Quốc là một trong những nước phát triển công nghệ điện, điện tử, điện lạnh… hàng đầu thế giới. “Tại sao người Việt Nam không dẹp bỏ thói quen ganh tỵ cái nhỏ để đạt cái lớn hơn? Tôi đã đặt hàng trực tiếp một chiếc điện thoại Bphone rồi bạn ạ” - anh Huỳnh Thành Công nói.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm địa phương.Ảnh: THỤC ANH
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm địa phương.Ảnh: THỤC ANH

Câu chuyện mang tính thời sự của chiếc điện thoại Bphone dẫu chưa thể tổng kết và rút ra kết luận cuối cùng rằng đa số người Việt đã có chuyển biến về tâm lý đối với việc ủng hộ, tiêu dùng và sử dụng hàng Việt Nam. Nhưng có thể khẳng định, người Việt Nam đã bắt đầu ưu tiên dùng hàng Việt Nam. “Trên thị trường, hàng Việt ngày càng được ưa chuộng, nhất là người tiêu dùng vùng nông thôn. Qua thời gian, sức tiêu thụ hàng Việt ở các chợ nông thôn trở nên sôi động hơn, tâm lý tiêu dùng hàng nội đã trở thành thói quen của người dân. Người dân nông thôn chủ yếu thu nhập thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn, trong khi đó hàng ngoại chất lượng tốt thì giá quá đắt, một số mặt hàng giá thấp thì chất lượng không đảm bảo nên hàng Việt vẫn là sự lựa chọn của người tiêu dùng”, ông Nguyễn Quang Lâm – Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết. Cùng với đó, sự đa dạng hàng hóa cũng là nguyên nhân chính thu hút người tiêu dùng đến với hàng Việt. “Từ chợ loại 1 đến chợ loại 3, ở thành phố hay nông thôn, sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm của Việt Nam được bày bán rộng rãi, phong phú, không thiếu thứ gì, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân. Hôm nay người tiêu dùng hỏi mà chúng tôi chưa có hàng, hẹn đôi ba ngày quay lại là có đúng thứ mà khách yêu cầu. Hàng Việt đáp ứng đúng, tốt nhu cầu của người tiêu dùng thì không ai có thể từ chối sử dụng cả” - chị Nguyễn Thị Thảo (tiểu thương ki ốt số 43, chợ Tam Kỳ), chia sẻ.

“Made in Viet Nam”

Có thể nói, cuộc vận động đã tạo được bước chuyển biến tích cực và có sự lan tỏa đến mọi người dân. Trong sinh hoạt hàng ngày, người tiêu dùng đã dần có thói quen mua sắm và tiêu dùng các loại hàng hóa, sản phẩm dịch vụ chất lượng do các doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của Việt Nam sản xuất phù hợp với mức sống thực tế hiện nay. “Để làm được đó, các hội đoàn thể, tổ chức thành viên của MTTQ đã tổ chức tuyên truyền nội dung cuộc vận động đến hàng chục nghìn đoàn viên dưới nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng”, ông Nguyễn Phi Hùng – Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh, nói. Những hình thức mà ông Hùng nhắc đến là phong trào thi đua của Hội LHPN gắn thực hiện cuộc vận động với phong trào “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”; là của Hội nông dân phát động thực hiện cuộc vận động gắn với phong trào “Nông dân sản xuất giỏi”; là của Đoàn thanh niên với chương trình “Thanh niên Việt Nam đồng hành với hàng Việt Nam” thu hút một số lượng lớn đoàn viên, thanh niên, hội viên đăng ký cam kết tham gia thực hiện cuộc vận động; là Liên đoàn Lao động hướng dẫn các cấp công đoàn tuyên truyền tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp sử dụng hàng Việt khi tiêu dùng cá nhân, thực hiện mua sắm công và trang bị văn phòng, công sở…

Yếu tố không hề nhỏ góp phần cho sự chuyển biến tích cực chính là ở chất lượng sản phẩm với tem mạc “made in Việt Nam”. “Phải công tâm thừa nhận rằng, chất lượng sản phẩm cùng chiến lược tiếp thị góp phần quyết định hiệu quả của cuộc vận động. Nhìn lại, 5 năm qua, so với một số tỉnh, thành phố khác thì hình thức vận động cho cuộc vận động ở Quảng Nam còn kém hấp dẫn, chưa thực sự sinh động để gây chú ý một cách triệt để đối với người tiêu dùng. Nếu trong kinh doanh, chiến lược tiếp thị như hiện tại được chúng tôi đánh giá là chưa ổn tí nào”, Giám đốc Công ty chuyên tư vấn tiếp thị VietincomMedia.com tại TP.Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Thành Công nhận xét. Dĩ nhiên, Ban chỉ đạo cuộc vận động cũng đã nhìn thấy những hạn chế trong công tác tuyên truyền vận động những năm qua. Trong báo cáo gửi Ủy ban MTTQ Trung ương, Ban chỉ đạo tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra: Đó là tuyên truyền chưa đi vào trọng tâm, trọng điểm, chỉ rộ lên ở những đợt cao điểm rồi lắng xuống nên tác động của công tác thông tin tuyên truyền và sức lan tỏa về cuộc vận động chưa thật sự mạnh mẽ, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Lãnh đạo ở nhiều địa phương còn lúng túng khi triển khai… Đặc biệt, “sản phẩm của một số doanh nghiệp Quảng Nam có thể thắng lớn ngay tại địa phương nếu chú trọng vào xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh. Hoạt động đưa hàng đến người tiêu dùng, hỗ trợ cho doanh nghiệp còn hạn chế… là một trong những nguyên nhân khiến hàng Việt thua ngay tại sân nhà tại Quảng Nam nói riêng, Việt Nam nói chung. Để khắc phục những yếu kém này cần sự quyết tâm lớn hơn nữa”, TS. Đoàn Tranh (Giảng viên Tài chính – Kinh tế, Trường Đại học Duy Tân), chia sẻ.

Sức hút hàng nội địa

Khi cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa khởi động, tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới Grey Group công bố kết quả điều tra rằng “người Việt sính ngoại nhất châu Á” trong số 16 nước được khảo sát. Năm năm sau, người Việt nói chung và Quảng Nam nói riêng đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và tiêu dùng...

Các hội chợ xuân luôn thu hút được cả doanh nghiệp Việt lẫn người tiêu dùng đến tham quan mua sắm. Ảnh: THỤC ANH
Các hội chợ xuân luôn thu hút được cả doanh nghiệp Việt lẫn người tiêu dùng đến tham quan mua sắm. Ảnh: THỤC ANH

Chuộng hàng Việt

Có thể nói không ngoa, sau một thời gian dài vận động, phối hợp nâng cao nhận thức người tiêu dùng thì giờ đây, hàng Việt đã và đang được bày bán khắp phố phường với đầy đủ mẫu mã, chủng loại hàng hóa. Không nói đâu xa, tại các tuyến phố được xem là sôi động và phát triển nhất của TP.Tam Kỳ, đa số các cửa hàng đều bán hàng Việt Nam từ shop quần áo thời trang Khánh Sâm, vải Thùy Trang, xe đạp Thu, đồ gỗ Ngọc Thạch, đồ gỗ Hoàng Anh Gia Lai… “Tất tần tật hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm… đóng mác “made in Viet Nam” góp phần tích cực, duy trì sinh hoạt của người dân Quảng Nam đều bán chạy ở các cửa hàng, ki ốt tại chợ Trung tâm thương mại TP.Tam Kỳ. Thậm chí, khi mua hàng, người tiêu dùng thường hỏi câu đầu tiên: có phải hàng Việt Nam không vậy?, sau đó kiểm tra lại thông tin trên sản phẩm để xác nhận đúng hàng Việt Nam hay không”, ông Lê Đức Duy – Giám đốc Ban quản lý chợ Trung tâm thương mại TP.Tam Kỳ, thông tin thêm.  

Điều này cũng được chứng minh thông qua  kết quả một cuộc điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vào những tháng cuối năm 2014 ở một số tỉnh, thành cho thấy, 92% người tiêu dùng được hỏi “rất quan tâm” và “quan tâm” đến cuộc vận động; 63% số người tiêu dùng “tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 54% người tiêu dùng “khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam”. “Tại Quảng Nam chưa có một nghiên cứu hay điều tra xã hội học riêng để có số liệu cụ thể, chính xác về mức độ tin dùng của người tiêu dùng với hàng Việt. Tuy nhiên, theo điều tra của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội thì ở nhiều địa phương, trong đó có Quảng Nam, các mặt hàng dệt may, da giày có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng lựa chọn. Điều này chứng tỏ người tiêu dùng Quảng Nam có quan tâm tới hàng Việt, có ưa chuộng nó”, ông Lê Thành Lưu – Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết.

Để tăng sức hút

Cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm quản lý thị trường là Sở Công Thương đồng thời là thành viên của Ban vận động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hằng năm đều có hàng loạt chương trình, kế hoạch thúc đẩy hàng Việt phát triển tại chính sân nhà. Mỗi năm, từ nguồn kinh phí quốc gia và của tỉnh, Sở Công Thương đều tiến hành vận động các doanh nghiệp tổ chức các hội chợ, phiên chợ, chuyến hàng Việt với nhiều quy mô khác nhau chỉ với mục đích khuyến khích, cổ vũ người Việt tin dùng hàng Việt. “Từ tháng 7.2009, Sở Công Thương đã tổ chức tiếp nhận, theo dõi 25 hội chợ và 23 phiên chợ trên địa bàn huyện, thành phố trong tỉnh. Theo đó, thu hút gần 524.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm với tổng doanh thu bán hàng trên 33,7 tỷ đồng. Qua những phiên chợ về nông thôn như thế, chúng tôi thấy rất rõ rằng: nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam là khá lớn. Người tiêu dùng dù ở vùng sâu, vùng xa, nơi thông tin chưa được cập nhật liên tục, dân trí còn ở mức tương đối nhưng đã hiểu khá rõ về lợi ích của việc dùng hàng Việt”, ông Nguyễn Văn Cường – Phó phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết.

Với một địa phương có diện tích lớn, dân số đông, địa hình khá phức tạp, so với các địa phương khác thì tổ chức chừng đó hội chợ là cả một sự cố gắng lớn. Thế nhưng, có lẽ vin vào lý do khó khăn và “một số chuyện tế nhị” nên nhiều phiên chợ hàng Việt về nông thôn (do Sở Công Thương quản lý), hội chợ tiêu dùng (Sở Công Thương cấp phép, giao địa phương quản lý) ngày càng có dấu hiệu buông lỏng, không kiểm soát chất lượng hàng hóa được bày bán tại hội chợ. “Giờ chúng tôi chỉ tin dùng và mạnh tay mua sắm đối với chuyến hàng Việt về nông thôn của siêu thị Co.opMart Tam Kỳ. Hàng của Co.opMart dù sao cũng đã qua một tổ chức bán lẻ lớn của cả nước kiểm duyệt nên đạt chất lượng. Trong khi đó, hàng hóa tại hội chợ, thường của từng đơn vị nhỏ lẻ, có gian hàng chất lượng, có gian hàng thì không, cơ quan quản lý, công ty tổ chức sự kiện bảo có kiểm duyệt nhưng chúng tôi không có lòng tin” - bà Nguyễn Thị Sương (xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn), cho biết. Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) vẫn cho rằng các hội chợ do Công ty CP Truyền thông Tây Nguyên Xanh, Công ty CP Bắc Hà đều làm khá tốt khi được cấp phép tổ chức. “Để một chuyến xe chở hàng hóa phục vụ phiên chợ về tới trung tâm huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn… chi phí vận chuyển đã mất trên dưới 10 triệu đồng nên các doanh nghiệp thường gom hàng lại cùng một chuyến để hạn chế chi phí vì vậy chất lượng hàng chỉ ở mức tương đối; phải… thông cảm cho doanh nghiệp” - ông Nguyễn Quang Lâm nói. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Công Thương, ông Nguyễn Quang Thử lại tỏ ra quyết liệt trước thông tin hội chợ kém chất lượng, mất lòng tin ở người tiêu dùng, ảnh hưởng đến cuộc vận động. Ông nói: “Tôi sẽ cho kiểm tra lại thông tin, nếu đúng có tình trạng này thì sẽ xử lý kịp thời, để cuộc vận động thành công trong thời gian tiếp theo”.

Làm gì để hàng Việt được ưu tiên?

Làm thế nào để hàng Việt tiếp tục có “tiếng nói” tại địa phương? Chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của những người liên quan để có cái nhìn rõ hơn về cuộc vận động trong những năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Phi Hùng: Sẽ có nhiều hoạt động bề nổi hơn

Qua 5 năm triển khai, cuộc vận động đã đóng góp tích cực vào phát triển hệ thống tiêu thụ hàng hóa, tạo tâm lý mới cho người Việt Nam, đó là sự quan tâm, đánh giá và trân trọng dùng hàng Việt Nam chất lượng tốt. Bên cạnh đó, qua quá trình thực hiện, ban chỉ đạo cũng rút ra bài học. Thứ nhất: động lực quan trọng nhất của cuộc vận động chính là nỗ lực của doanh nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hướng tới chuẩn mực quốc tế. Thứ hai, sự nỗ lực của chính quyền các cấp, mặt trận và đoàn thể cùng các phương tiện thông tin truyền thông tuyên truyền cho cuộc vận động. Thứ ba, người tiêu dùng nhận thức đầy đủ hơn về chất lượng ngày càng nâng cao của hàng Việt, từ đó ưu tiên lựa chọn hàng Việt. Với những thành công, nỗ lực trong 5 năm qua, sắp tới sẽ tập trung thực hiện đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong giai đoạn 2014 -2020 là tập trung nguồn lực đẩy mạnh nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Đề án với trọng tâm là tổ chức nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” phấn đấu đến 2015 có 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp biết đến cuộc vận động. Đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80% và 100% các tỉnh, thành phố xây dựng chương trình “Điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững”.  

Trong thời gian gần nhất, Ban chỉ đạo Cuộc vận động của tỉnh sẽ họp và đưa ra thảo luận các kế hoạch, phương án thực hiện để cuộc vận động đi vào bề sâu hơn, thực chất hơn, hình thức vận động cũng sẽ phong phú, hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng hơn.
Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc siêu thị Co.opmart Tam Kỳ: Luôn nỗ lực vì người Việt

Co.opMart Tam Kỳ là thành viên thứ 24 của hệ thống 73 siêu thị Co.opMart trên cả nước. Qua gần 8 năm đi vào hoạt động và phát triển, siêu thị Co.opMart Tam Kỳ khẳng định vai trò then chốt trong việc tham gia bình ổn giá thị trường, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của nhân dân tỉnh nhà, luôn đi đầu trong việc bảo vệ lợi ích người tiêu dùng cũng như tích cực tham gia vận động người tiêu dùng hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Co.opMart còn thực hiện chiến lược nội địa hóa các mặt hàng kinh doanh thông qua các chương trình “Hàng Việt chất lượng cao” với tên gọi “Tự hào hàng Việt” được tổ chức vào tháng 9 hằng năm. Với hơn 90% hàng hóa kinh doanh tại Co.opMart là hàng Việt chất lượng cao, với mục đích giới thiệu hàng Việt đến người tiêu dùng, Co.opMart đã tạo mọi điều kiện cho các nhà sản xuất nội địa như: ưu tiên vị trí trưng bày, thực hiện các chương trình khuyến mại, hỗ trợ tuyên truyền quảng bá các doanh nghiệp sản xuất trong nước trên các phương tiện truyền thông của Co.opMart, tổ chức các sự kiện tôn vinh hàng Việt để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng... Qua các năm thực hiện thì doanh số của các nhà cung cấp tham gia tăng hơn 30% so với ngày thường. Người tiêu dùng dần chuyển từ xu hướng “sính ngoại” qua việc xây dựng thói quen ưu tiên lựa chọn và sử dụng các mặt hàng Việt Nam với chất lượng đảm bảo, ổn định, giá cả hợp lý thay vì sử dụng các sản phẩm ngoại.

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo chính quyền tỉnh, Sở Công Thương và cơ quan chủ quản Liên hiệp HTX thương mại TP.Hồ Chí Minh, Co.opMart Tam Kỳ luôn đi đầu trong việc tích cực đưa hàng Việt về nông thôn ngay từ những năm đầu tiên có mặt tại Quảng Nam thông qua các đợt bán hàng lưu động về các huyện miền núi, vùng nông thôn. Riêng từ đầu năm 2010 đến tháng 4.2015, Co.opMart Tam Kỳ đã thực hiện 120 đợt bán hàng lưu động về 18 huyện, thành phố của tỉnh với doanh thu hơn 12 tỷ đồng. Chương trình này thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho bà con ở những nơi xa xôi, không có điều kiện đi lại mua sắm tại siêu thị. Dù việc đưa hàng Việt về bán lưu động tại các chợ xã còn gặp nhiều khó khăn như chi phí vận chuyển, nhân lực, điểm bán hàng... nhưng chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục để tiếp tục đưa hàng về xã, tạo điều kiện cho bà con mua hàng giá rẻ.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương: Giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ thắng tại sân nhà

Qua 5 năm thực hiện cuộc vận động trên địa bàn đã có một số vướng mắc cũng như thành công nhất định. Trong thời gian tới, để cuộc vận động đi vào thực chất cần có chính sách lớn của Bộ Công Thương cũng như kế hoạch cụ thể của mỗi địa phương. Thế nên, phát triển thị trường trong nước là phương án tối ưu nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt thông qua công tác tuyên truyền quảng bá, hỗ trợ đào tạo, tư vấn và tổ chức, quản lý phân phối hàng Việt trong nước có thế mạnh giúp doanh nghiệp và hàng Việt tiếp cận rộng hơn, sâu hơn, bền vững hơn tới người tiêu dùng.

Trong phạm vi của mình, Sở Công Thương sẽ cố gắng xây dựng kết nối nhà sản xuất kinh doanh với nhà phân phối cũng như hỗ trợ để mở rộng độ bao phủ hàng hóa, tăng hiện diện của hàng Việt ở các địa phương. Thường xuyên có các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương. Từ đó, các doanh nghiệp có khả năng chinh phục chính người tiêu dùng địa phương, sau đó tính đến chuyện mở rộng thương hiệu ra bên ngoài. Phương án cụ thể, hợp lý và những bước đi chắc chắn thì không lo gì hàng Việt của doanh nghiệp địa phương không có chỗ đứng.

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội cho hàng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO