Cơ hội cho lao động miền núi

DIỄM LỆ 16/03/2017 08:50

Cơ chế đào tạo nghề may theo Quyết định 3577 của UBND tỉnh gắn với giải quyết việc làm tại doanh nghiệp mở ra cơ hội lớn cho người lao động ở khu vực nông thôn, miền núi, đặc biệt là lao động đồng bào dân tộc thiểu số. Và sự vào cuộc ráo riết, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh khiến các địa phương miền núi không thể lơ là.

Lao động của huyện Nam Giang quyết tâm đi học nghề may để ổn định thu nhập.Ảnh: D.L
Lao động của huyện Nam Giang quyết tâm đi học nghề may để ổn định thu nhập.Ảnh: D.L

Vào cuộc ngay

Huyện Nam Giang đã là địa phương đi đầu trong thực hiện cơ chế ở khu vực miền núi, khi khóa đào tạo nghề đầu tiên với 92 lao động đã được khai giảng vào đầu tháng 3.2017. Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc - miền núi tỉnh, cơ sở đào tạo đóng chân trên địa bàn huyện Nam Giang đã cùng với huyện vào cuộc mạnh mẽ từ khi bắt đầu tuyển sinh. Ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, khi cơ chế ban hành, Nam Giang triển khai đến từng thôn, xã và các hội đoàn thể. Huyện còn giao chỉ tiêu cho từng xã, hội đoàn thể cùng có trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động người lao động đi học nghề may và đi làm tại doanh nghiệp. Chỉ tiêu tỉnh giao cho huyện là 500 lao động trong năm 2017, huyện sẽ cố gắng hết sức để vận động người dân, đặc biệt là thanh niên chưa có vướng bận gia đình tham gia học nghề và đi làm. Sự vào cuộc mạnh mẽ của giáo viên Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc - miền núi tỉnh đã giúp cho huyện rất nhiều trong việc tuyển sinh. Cách làm của huyện là cùng nhau về tận cơ sở, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân đi học. Khóa học nghề đầu tiên đã khai giảng được gần 3 tuần, là kết quả bước đầu. Ông Sơn cho biết thêm, ngay sau khóa đầu tiên được khai giảng, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thôn bản vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để tuyển sinh thêm lao động học nghề.

Ông Nguyễn Quí Quý - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc - miền núi Quảng Nam chia sẻ: “Đối với khóa học nghề may công nghiệp này, ngoài đào tạo cho lao động những kỹ thuật may cơ bản, chúng tôi còn tập cho họ quen dần với nếp sống công nghiệp. Người lao động khi đi học phải đeo bảng tên, ai quên phải về phòng lấy thẻ mới được vào lớp. Giờ ngủ cũng quy định rõ ràng, không được uống bia rượu khi ở nội trú. Giờ ăn, mỗi người tự đi lấy khẩu phần ăn của mình theo kiểu suất ăn công nghiệp, ăn xong tự dọn rửa. Tất cả nhằm tạo cho người lao động thói quen sinh hoạt theo nền nếp, kỷ luật, để khi vào công ty làm việc họ không bị ngỡ ngàng”. Ông Quý còn cho biết, khi làm việc với doanh nghiệp để cung ứng lao động sau đào tạo, nhà trường đã đề cập vấn đề chủ doanh nghiệp không được phân biệt đối xử với lao động đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi họ có tính cộng đồng rất cao, nếu một lao động cho rằng mình bị đối xử thiếu công bằng, họ sẽ kéo cả nhóm người bỏ việc về lại làng. Vì thế, khi vào làm việc, tay nghề có thể không bằng lao động ở đồng bằng, nhưng họ cần được doanh nghiệp hiểu và đào tạo thêm, giúp nâng cao tay nghề để theo kịp lao động khác.

Lao động và doanh nghiệp đều quyết tâm

Đã gần 3 tuần kể từ ngày mở lớp, 92 lao động của huyện Nam Giang đi học nghề may vẫn còn giữ nguyên sĩ số. Đây là điều bất ngờ với cả giáo viên dạy nghề và cán bộ làm công tác đào tạo nghề. Và chính cách làm của Trường Trung cấp Nghề Thanh niên dân tộc - miền núi tỉnh đã thực sự giúp lao động đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm đi học.

Trước khi khai giảng khóa học đầu tiên, nhà trường phối hợp cùng các Công ty May Minh Hoàng 2 (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Điện Bàn), Max Planning Vina (Khu công nghiệp Hòa Cầm, TP.Đà Nẵng) tổ chức chuyến xe đưa lao động đăng ký học nghề, già làng trưởng bản có uy tín và lãnh đạo các hội đoàn thể của huyện Nam Giang cùng đến các công ty để tìm hiểu về điều kiện lao động, chế độ lương thưởng khi vào làm tại công ty. Giám đốc các công ty trên đã trực tiếp có mặt, gặp gỡ người lao động để giới thiệu về chế độ phúc lợi, công việc mà lao động sẽ làm khi vào công ty. Đồng thời người lao động được đưa đi tham quan nhà xưởng sản xuất, dây chuyền công nghệ đang được sử dụng tại công ty, tìm hiểu tác phong công nghiệp trong môi trường làm việc chuyên nghiệp. Từ đó, người lao động có cái nhìn toàn diện hơn để quyết tâm theo đuổi con đường học nghề để đi làm, có thu nhập cho bản thân và gia đình.

Khi tham gia khóa học nghề may, chị A Hó Riếu (SN 1982, xã Đắc Pring) đã để lại 2 đứa con ở nhà cho chồng chăm lo. Chị quyết định ở nội trú để việc học nghề được thuận tiện hơn, cuối tuần mới về nhà thăm con. Chị Riếu nói: “Khi quyết định chọn nghề may đi học, chồng tôi lúc đầu lưỡng lự nhưng hội phụ nữ thôn khuyên nhủ đi học sẽ có thu nhập đỡ khổ hơn, phần tôi cũng cố gắng thuyết phục nên chồng đồng ý ở nhà chăm con để tôi đi học. Tôi cũng đã bàn trước với chồng, giờ đi học nghề sau này ra đi làm sẽ phải xa nhà, nếu chấp nhận điều này nữa tôi mới đi học nghề. Tôi có đi đến nhà máy cùng mọi người rồi, thấy họ làm việc, sợ mình không theo kịp. Nhưng không thể ở nhà làm rẫy làm rừng miết, khổ lắm, không đủ sống. Đi làm thì có thu nhập tốt hơn, ổn định hơn sẽ lo cho con cái ăn học đàng hoàng. Nên vợ chồng tôi rất quyết tâm”. Hay như anh Coor Trà (SN 1998, xã Chơ Chun) đã để lại núi rừng phía sau lưng, tham gia học nghề may. Anh Trà nói, lâu nay ở nhà chỉ đi làm rẫy, chiều về lại uống rượu cùng thanh niên trong bản. Anh Trà cho hay, trong bản còn rất nhiều thanh niên chưa vợ nhưng không chịu đi học nghề, chỉ thích ở nhà đi rẫy, còn anh quyết tâm đi học nghề may để đổi thay cuộc đời. “Ở nhà mình chỉ có làm rẫy làm rừng chứ biết làm gì hơn. Mình còn trẻ, chưa vợ con nên đăng ký đi học nghề và đi làm, quyết tâm không bỏ dở nửa chừng về lại làng đâu. Mình đã đến công ty tham quan nơi làm việc, dù có hơi tù túng, nhưng khỏe hơn đi làm núi làm rừng” - anh Trà tâm sự.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội cho lao động miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO