Cơ hội cho miền núi

ĐĂNG NGUYÊN 20/06/2016 10:48

Đồng loạt các dự án lớn được đầu tư theo chiến lược phát triển vùng tây Quảng Nam trong giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 được kỳ vọng sẽ là cơ hội để các địa phương miền núi vực dậy, xóa dần “tàn tích” nghèo… bền vững.

Nhiều dự án động lực được đầu tư cho vùng tây sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi.  Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Nhiều dự án động lực được đầu tư cho vùng tây sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Nhiều cơ hội

Ông  Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNTcho hay, trong đề án chiến lược phát triển vùng tây Quảng Nam có 3 nhóm dự án lớn với tổng kinh phí đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, sẽ được triển khai tại các huyện miền núi, bao gồm: sắp xếp, bố trí dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, khai thác sản phẩm dưới tán rừng; phát triển du lịch cộng đồng trên nền tảng khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, các sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn và các sản phẩm đặc trưng về nông - lâm nghiệp miền núi. Các nhóm dự án trên được đánh giá có sức ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, đảm bảo theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã đề ra. Trên cơ sở thực hiện chủ trương chung của tỉnh, cũng như các kết quả phân tích hiện trạng, tình hình thực tế tại địa phương và đánh giá việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách cho vùng dân tộc miền núi trong những năm qua, các nhóm dự án được đề xuất hoàn toàn phù hợp với quá trình phát triển chung tại các vùng miền núi hiện nay của tỉnh.

Cụ thể, trong nhóm dự án bố trí dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới, việc quy hoạch sắp xếp, bố trí dân cư để xây dựng xã nông thôn mới; xây dựng các điểm định canh, định cư tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện vùng cao, cũng như bố trí việc làm, xây dựng các điểm dân cư tập trung tại các vùng biên giới,… sẽ tiếp tục được triển khai đồng bộ và có hiệu quả, giúp hàng nghìn đồng bào cùng hưởng lợi, ổn định sản xuất. Trong khi đó, phát triển bền vững sản xuất và kinh doanh từ rừng trở thành nhu cầu cấp bách để giải quyết sinh kế cho người dân miền núi, phù hợp theo nhóm dự án nâng cao hiệu quả kinh tế rừng và khai thác sản phẩm dưới tán rừng. Việc khai thác, bảo vệ các loại lâm sản, sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu khác cần được ưu tiên tạo thị trường và liên kết với các hoạt động du lịch. Đồng thời gắn chuyển đổi rừng keo giống nuôi cấy mô, cây giống ngoại giúp nâng cao năng suất, sản lượng, góp phần gia tăng giá trị kinh tế rừng sản xuất với phát triển trồng rừng gỗ lớn, thâm canh rừng và các dự án phát triển đường lâm sinh, hình thành các khu công nghiệp chế biến gỗ theo từng khu vực, liên vùng. Bên cạnh dự án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, việc tập trung đẩy mạnh các dự án phát triển một số cây dược liệu bản địa với hàng trăm héc ta tại địa bàn các huyện Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My,… cũng là “bài toán” giảm nghèo cho miền núi đầy triển vọng. “Song song với các dự án đó, định hướng phát triển vùng tây cũng đặt mục tiêu cho phát triển chăn nuôi gia súc, trên cơ sở quy hoạch tập trung nhằm chuyển dần từ phương thức chăn nuôi thả rông sang chăn nuôi chuồng trại, từ chăn nuôi tự cấp sang chăn nuôi hàng hóa với quy mô hơn 28 khu vực, trên tổng diện tích gần 1.000ha” - ông Muộn cho biết thêm.

Mũi tên trúng… nhiều đích

Nói về công tác dân tộc và miền núi, bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, vẫn còn nhiều hạn chế trong cơ chế chính sách đầu tư cho phát triển miền núi. Nhiều chính sách, dù rất đúng với chủ trương nhưng khi triển khai thực hiện tại các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số lại không phù hợp với thực tế, gây lãng phí ngân sách đầu tư của Nhà nước. Để các cơ chế đặc thù thực sự đi vào đời sống, theo bà Thanh tỉnh cần tìm hướng mở đầu ra cho các vùng dược liệu, xây dựng và phát triển mạnh vùng dược liệu dưới tán rừng, tạo cơ hội để đồng bào hưởng lợi từ chính giá trị của dược liệu để góp phần giảm nghèo bền vững. “Cùng với đầu tư cho phát triển vùng, từng bước hoàn thiện các công trình trọng điểm về mạng lưới giao thông, cơ sở hạ tầng, nước sinh hoạt,… việc chú trọng đầu tư xây dựng cho phát triển toàn diện về ngành y tế, giáo dục cũng là vấn đề đáng được quan tâm cho miền núi. Bởi khi người dân được chăm sóc sức khỏe tốt, dân trí ngày được nâng cao, công tác tuyên truyền đưa chủ trương, cũng như tiếp nhận chính sách của Đảng, Nhà nước mới thực sự “thấm” trong từng cách nghĩ của đồng bào. Và khi đó, một mũi tên mới trúng được nhiều đích” - bà Thanh chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng, bên cạnh những lợi thế và cơ hội phát triển của vùng tây, một số địa phương miền núi vẫn còn bộc lộ nhiều điểm yếu, tạo nên trở lực khi triển khai các dự án động lực. Đó là điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp, độ dốc cao, dòng chảy mạnh, gây khó khăn cho việc bố trí, sắp xếp dân cư tập trung, cũng như các hoạt động phát triển sản xuất, vận chuyển nông - lâm sản. Trong khi đó, năng lực điều hành, trình độ dân trí của phần lớn đồng bào vùng cao còn nhiều hạn chế; lại ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố tác động do tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tập quán sản xuất còn lạc hậu, năng suất lao động thấp, thiếu  thông tin,… Do vậy, cùng với việc rà soát đẩy mạnh công tác điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch trên tất cả lĩnh vực của vùng, cần phải tổ chức tốt chính sách, chương trình dự án đã được triển khai tại miền núi trong thời gian qua. Trong đó, chú trọng đến việc nâng cao năng lực quản lý của cán bộ cơ sở; lồng ghép, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đẩy mạnh hơn nữa cơ chế chính sách đặc thù về ưu đãi, thu hút nhà đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi. Các chủ trương về quy hoạch và quản lý đất đai theo quy hoạch, ưu tiên giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để kêu gọi, thu hút đầu tư; đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề và xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý đáp ứng với nhu cầu phục vụ sản xuất của các dự án trọng điểm,… cũng là các giải pháp căn cơ trong định hướng phát triển vùng tây Quảng Nam trong thời gian đến.

ĐĂNG NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội cho miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO