Cơ hội cho nền tảng OTT Việt chuyển mình

AN TRƯƠNG 19/10/2022 16:55

(QNO) - Sự ra đời của Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sẽ tạo giúp các doanh nghiệp tự tin hơn trong việc đầu tư vào các gói nội dung mới, các nội dung bản địa thuần Việt và nâng cao được sức cạnh tranh, mang lại nhiều lợi ích cho người dùng.

Trong khi 22 doanh nghiệp trong nước chấp hành cơ bản các nội dung nêu tại Nghị định 71 thì nhiều nền tảng ngoại vẫn chưa thực hiện nghiêm chỉnh. Ảnh: The Economic Times
Trong khi 22 doanh nghiệp trong nước chấp hành cơ bản các nội dung nêu tại Nghị định 71 thì nhiều nền tảng ngoại vẫn chưa thực hiện nghiêm chỉnh. Ảnh: The Economic Times

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 01/10/2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

“Nghị định số 71 là nghị định rất quan trọng, tạo mặt bằng pháp lý giữa doanh nghiệp Việt Nam cung cấp các dịch vụ trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam” - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định trong buổi họp báo triển khai Nghị định.

Nghị định này được đánh giá sẽ giúp mang lại công bằng, đưa tất cả các doanh nghiệp cung cấp cùng dịch vụ về một mặt bằng như nhau, tránh bảo hộ ngược, tránh “thả nổi” việc quản lý các dịch vụ xuyên biên giới, chỉ quản lý doanh nghiệp trong nước.

Nội dung căn bản nhất của Nghị định số 71 là khẳng định quan điểm quản lý dịch vụ OTT TV VOD, gồm cả doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tới người sử dụng tại Việt Nam dù là thông qua website hay ứng dụng di động. Nội dung phải được kiểm duyệt bao gồm cả các nội dung quảng cáo tương tự như các dịch vụ truyền hình trả tiền.

Doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu tham gia thị trường cũng phải thực hiện thủ tục như doanh nghiệp trong nước, phải đăng ký cấp phép hoạt động kinh doanh, tuân thủ các nghĩa vụ tài chính và quy định hành chính tại Việt Nam.

Nghị định 71 đã bổ sung mới điều 20a qua đó điều chỉnh căn bản về việc biên tập, phân loại nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu và có phần nới lỏng hơn so với Nghị định số 06/2016/NĐ-CP. Doanh nghiệp được chủ động biên tập, phân loại đối với các loại nội dung VOD là phim, chương trình thể thao, giải trí khi đáp ứng các điều kiện, tiêu chí theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Nghị định cũng không bắt buộc biên dịch đối với các phim, chương trình nước ngoài. Trong trường hợp thực hiện biên dịch, phải bảo đảm tôn trọng, bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam.

Trong khi 22 doanh nghiệp trong nước đều đã có giấy phép kinh doanh hợp lệ và chấp hành cơ bản các nội dung nêu tại Nghị định 71 thì nhiều nền tảng ngoại vẫn chưa thực hiện nghiêm chỉnh.

Nghị định 71 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước, có những điều kiện về kỹ thuật tương đương như doanh nghiệp nước ngoài, được tham gia cung cấp dịch vụ. Nghị định cũng tạo môi trường cạnh tranh kinh doanh bình đẳng, tất cả doanh nghiệp dù nội địa hay xuyên biên giới đều có nghĩa vụ với pháp luật, với thuế của ngân sách nhà nước.

Nghị định số 71 chính thức có hiệu lực thi thành từ ngày 1/1/2023. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn chỉnh văn bản hợp nhất Nghị định số 71 và Nghị định 06 để tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khẳng định rõ về việc Việt Nam tạo một môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng với mọi doanh nghiệp.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội cho nền tảng OTT Việt chuyển mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO