(QNO) - Với nhu cầu tuyển dụng hàng nghìn lao động phổ thông làm việc cho Tập đoàn Thaco, nhiều thanh niên ở các địa bàn miền núi Quảng Nam có cơ hội lựa chọn công việc phù hợp.
Giúp thoát nghèo bền vững
Hiện nay, các huyện miền núi Quảng Nam số lao động chưa có việc làm chiếm khá lớn, là một trong những yếu tố gây cản trở mục tiêu giảm nghèo bền vững. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang Đỗ Hữu Tùng cho biết, thanh niên địa phương phần lớn là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, họ chủ yếu làm keo, làm rẫy, ở quanh quẩn tại địa phương, không muốn xa quê. Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều chương trình tư vấn giới thiệu việc làm được kết nối lên vùng cao nhưng số lượng lao động được tuyển dụng còn hạn chế.
Tại huyện Phước Sơn, theo thống kê lao động qua đào tạo chiếm khoảng 25%, còn lại là lao động phổ thông không có việc làm ổn định và thất nghiệp. Với tỷ lệ hộ nghèo hơn 42%, địa phương xác định chỉ có con đường giải quyết được nguồn lao động có việc làm ổn định thì mới thoát nghèo hiệu quả.
2.546 vị trí việc làm tại Thaco như sau:
- Thaco Chu Lai tuyển dụng 803 lao động ở các vị trí: 257 công nhân hàn, 119 công nhân sơn, 209 lắp ráp, 181 vận hành máy, 37 công nhân may.
- Thagrico tuyển dụng 1.743 lao động: 489 công nhân trồng trọt, 1.254 công nhân chăn nuôi; trong đó công nhân chăn nuôi làm việc tại Việt Nam (77 người), Campuchia (728) và Lào (578).
Tại cuộc làm việc với Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam về triển khai công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động các địa phương trong tỉnh mới đây, Tập đoàn Thaco đã mang đến nhiều cơ hội cho lao động miền núi.
Ông Bùi Trần Nhân Trí - Giám đốc nhân sự Thaco Chu Lai cho biết, nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc tại Thaco rất lớn. Để tạo điều kiện hỗ trợ, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn Quảng Nam, đặc biệt là lao động đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2022 này, Tập đoàn Thaco tuyển dụng 2.546 vị trí việc làm ở các ngành hàn, sơn, cơ khí ô tô, may, nông - lâm nghiệp, chăn nuôi.
Trong đó, nhu cầu làm việc tại Thaco Chu Lai hơn 800 nhân sự, tập trung ở các lĩnh vực sản xuất ô tô, cơ khí. Và hơn 1.700 vị trí làm nông nghiệp tại khu vực Tây Nguyên và các nông trường tại Lào, Campuchia, ưu tiên người lao động khu vực miền núi, chưa được đào tạo nghề.
“Thaco sẽ ưu tiên tuyển dụng các đối tượng bộ đội xuất ngũ, lao động có trình độ, sinh viên cử tuyển và những lao động có khát khao làm việc để thoát nghèo. Khi được tuyển dụng, lao động sẽ được đào tạo từ đầu với những chính sách hỗ trợ cụ thể như có xe đưa đón, bố trí chỗ ở, mức thu nhập hợp lý, giúp lao động an tâm tư tưởng, gắn bó lâu dài.
Tuy nhiên, Thaco cũng đặt ra yêu cầu đối với lao động phải có tính kỷ luật, có tinh thần làm việc tập thể, đam mê, chịu khó trong công việc, thái độ tích cực, siêng năng, sức khỏe đảm bảo để đáp ứng công việc” - ông Trí cho biết.
Doanh nghiệp và chính quyền cùng hỗ trợ
Tổng Công ty CP Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) được thành lập vào năm 2019, là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp đa ngành Thaco, phát triển lĩnh vực trồng trọt cây ăn trái, cây công - lâm nghiệp và chế biến trái cây, chăn nuôi heo, bò, thức ăn gia súc, sản xuất vật tư nông nghiệp. Với quỹ đất hơn 84.000ha tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Thagrico đầu tư lớn để hình thành và khép kín hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ với tầm nhìn trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang Đỗ Hữu Tùng, bên cạnh công nghiệp thì lĩnh vực nông nghiệp rất phù hợp với thanh niên đồng bào Cơ Tu tại địa phương. Với những chính sách hỗ trợ thiết thực thì việc xuất khẩu lao động sang Lào, Campuchia và làm nông nghiệp rất phù hợp với thanh niên miền núi. Địa phương quyết tâm kết nối, giới thiệu những cơ hội việc làm đến với thanh niên Đông Giang.
Trong khi đó, ông Hồ Công Điểm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động tiếp cận được cơ hội tìm kiếm việc làm từ nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
“Địa phương sẽ rà soát, lựa chọn lao động đáp ứng được các tiêu chí để tham gia tuyển dụng. Mong muốn công ty có những cơ chế chính sách hỗ trợ để giúp lao động địa phương gắn bó lâu dài. Chính quyền sẽ hy vọng có nhiều người thay đổi được tư duy, chấp nhận ly nông, ly hương để tìm kiếm việc làm, phát triển kinh tế” - ông Điểm nói.
Theo ông Bùi Trần Nhân Trí, để lao động tin tưởng, gắn bó lâu dài với công việc, Thaco sẽ cam kết hỗ trợ tốt nhất cho người lao động. Ngoài ra, sự quan tâm về cơ chế chính sách của tỉnh, sự động viên hỗ trợ của các địa phương sẽ tiếp thêm động lực để lao động, nhất là lao động đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi được nhận thức, nỗ lực làm việc, vươn lên thoát nghèo.
Hiện nay, Tây Giang là địa phương đi đầu trong kết nối với Tập đoàn Thaco giải quyết việc làm cho lao động. Trong tháng 2.2022, Tây Giang đã đưa hơn 50 lao động phổ thông đi học nghề và làm việc tại Tập đoàn Thaco. Đến nay, số lao động này đều an tâm tư tưởng học tập và làm việc; nhiều xã của địa phương này tiếp tục đăng ký danh sách.