Cả 9 kiến nghị của Quảng Nam tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ ngày 27.3.2022 đã được chấp thuận. Theo kế hoạch làm việc, hôm nay 9.5, UBND tỉnh mở phiên họp, triển khai các kết luận của Văn phòng Chính phủ ngày 6.5.2022, mở đường cho địa phương phát triển.
Những lực cản cần được gỡ bỏ
Khu Kinh tế mở (KTM) Chu Lai đã từng rất được kỳ vọng về một không gian kinh tế riêng biệt, có thể áp dụng những cơ chế, chính sách đặc thù, tạo bước đột phá cho Quảng Nam và miền Trung.
Tuy nhiên, sau gần 20 năm, khu kinh tế này chưa bao giờ thực sự được trao quyền thử nghiệm các chính sách nên sự phát triển cũng chỉ dừng ở vai trò như một khu công nghiệp mở rộng. Sân bay Chu Lai hy vọng sẽ trở thành một sân bay cấp vùng... cũng chỉ là dự phóng.
Không phải là kết luận chung chung, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu địa phương và các bộ ngành phải hoàn tất các dự án hay giải quyết kiến nghị, hướng dẫn địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn... đều phải hoàn tất ngay trong quý 2 & 3 năm nay, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Cảng biển Quảng Nam đã được phê duyệt thành cảng biển loại 1 (ngày 22.9.2021), vẫn phải “bất lực” mượn cảng Dung Quất để xuất Sơ mi Rơ móc (SMRM) sang Mỹ (chuyến 870 SMRM ngày 15.12.2021 và mới đây ngày 7.1 với 1.050 SMRM) khi không thể đón được tàu 5 vạn tấn cập cảng làm hàng.
Thaco đã xây dựng thành công một trung tâm cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, mở cửa ngõ ra Biển Đông và vùng Đông Bắc Á, nhưng chưa thể đưa cảng Chu Lai trở thành một trung tâm giao nhận (logistic) vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu quốc tế với sản lượng lớn đúng nghĩa khi các tuyến giao thông 14D, 14E vẫn còn là những điểm nghẽn, không dễ tháo gỡ trong ngày một ngày hai. Quy hoạch, chủ trương đầu tư đã có nhưng chỉ trên văn bản, không biết bao giờ triển khai...
Quy hoạch chung xây dựng Khu KTM Chu Lai được điều chỉnh hồi tháng 12.2018 chưa thực sự phát huy tác dụng khi các đề xuất quy hoạch của các nhà đầu tư đều không thể thực hiện được vì không phù hợp quy hoạch hiện hành...
Gần như trong vòng 5 năm qua, số lượng lớn dự án đầu tư đăng ký vào khu vực này đều chịu chung số phận: Đứng bánh! Các dự án đầu tư công lẫn tư tại khu vực này không vướng về quy hoạch, thủ tục thì cũng gặp khó những chuyện liên quan đến thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất rừng hây trồng rừng thay thế.
Các dự án bảo tồn di sản Hội An, Mỹ Sơn đã được trình, nhưng Chính phủ mới chỉ bố trí kinh phí thực hiện dự án phòng cháy chữa cháy khu vực phố cổ để thực hiện từ năm 2023 (khoảng 180 tỷ đồng). Nguồn thu phí tham quan Hội An, Mỹ Sơn phải nộp ngân sách.
Chính phủ vẫn chưa cho phép Quảng Nam được để lại và sử dụng toàn bộ nguồn thu phí tham quan di sản để trực tiếp chi quản lý và trùng tu tôn tạo 2 di tích. Làng đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc 20 năm qua cũng chỉ là vùng hoang hóa, da beo nhà ở, công trình... vì thiếu vốn.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, vì những vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy định pháp lý nên các hạ tầng chiến lược (cảng hàng không, cảng biển, giao thông kết nối...) để tạo lực cho địa phương phát triển theo các kết luận của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các buổi làm việc trước đây... chưa có cơ hội để thực hiện đúng chủ trương.
Cơ hội mở
Các kiến nghị của chính quyền Quảng Nam với Thủ tướng Chính phủ mới đây không có gì mới. Cả 9 kiến nghị vừa được Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ là sự tiếp nối, bổ sung thêm từ những vấn đề đã được trình, được Chính phủ giao cho các bộ, ngành xem xét, quyết định nhưng mấy năm qua vẫn không có gì thay đổi.
Điểm khác biệt lớn nhất của kết luận lần này là Chính phủ giao Quảng Nam chủ động. Địa phương xây dựng các đề án để bảo tồn, phát huy các giá trị của Đô thị cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn theo hình thức xã hội hóa; phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ silica; nghiên cứu nhu cầu đào tạo của vùng và địa phương, khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục đại học hiện có, trên cơ sở đó đề xuất phương án cụ thể, đảm bảo tính khả thi.
UBND tỉnh được trao thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất triển khai đầu tư tuyến đường mới từ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang đến cảng biển Quảng Nam theo hình thức PPP; xây dựng đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm công nghiệp ngành phụ trợ và công nghiệp cơ khí tại Chu Lai; xã hội hóa đầu tư luồng cửa Lở cho tàu 5 vạn tấn DWT, quy hoạch trung tâm logistic container... Tất cả những dự án này đều do địa phương đủ thẩm quyền, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trong việc đề xuất, nghiên cứu, lập đề án, dự án trình Chính phủ quyết định.
Mệnh lệnh được ban hành từ Thủ tướng Chính phủ là sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt do các Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường dẫn đầu để trực tiếp nghiên cứu, xử lý các kiến nghị của tỉnh và xây dựng các đề án, từ trồng rừng, phát triển dược liệu, khu dự trữ khoáng sán, mở rộng dự án giao thông, làng đại học, xã hội hóa đầu tư khai thác Cảng hàng không Chu Lai gắn khu phi thuế quan Tam Quang hay sử dụng kinh phí tham quan di tích và lập quỹ bảo tồn di sản văn hóa...
Khối lượng đề án, dự án hay các chương trình kế hoạch sẽ được tiến hành thực sự “khổng lồ”. Thời hạn ấn định cho địa phương và bộ ngành quá gấp, phần lớn phải hoàn tất ngay trong năm 2022, liệu có dễ dàng thực hiện. Phía Quảng Nam, theo kế hoạch làm việc, hôm nay 9.5 UBND tỉnh mở phiên họp để bàn cụ thể về việc triển khai các kết luận này.