Cơ hội cho sản vật xứ Quảng

XUÂN HIỀN 08/04/2022 11:56

Dự kiến có khoảng 250 đơn vị, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống tại Quảng Nam và các tỉnh thành trên cả nước tham gia, Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất (tổ chức vào ngày 30.4 - 4.5) là cơ hội để tăng cường liên kết, xúc tiến đầu tư cũng như quảng bá sản vật, sản phẩm làng nghề xứ Quảng.

Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất được xem là cơ hội quảng bá cho các sản phẩm truyền thống. Ảnh: X.H
Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất được xem là cơ hội quảng bá cho các sản phẩm truyền thống. Ảnh: X.H

Di sản độc đáo miền Trung

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022 sẽ tái hiện sinh động các giai đoạn phát triển nghề truyền thống của Quảng Nam nói riêng và các tỉnh thành khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên nói chung.

“Chúng tôi muốn giới thiệu, quảng bá văn hóa, lịch sử, thành tựu, tiềm năng, thế mạnh của vùng đất và con người Quảng Nam trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội đến với du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và khu vực sau đại dịch Covid-19” - Phó Chủ tịch UBND Hồ Quang Bửu chia sẻ.

Với chủ đề “Sản phẩm nghề truyền thống hướng tới du lịch xanh”, festival nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa, lịch sử, thành tựu, tiềm năng, thế mạnh của vùng đất và con người Quảng Nam trên các lĩnh vực; tôn vinh các nghệ nhân Quảng Nam và các tỉnh thành có đóng góp cho việc gìn giữ, phát triển làng nghề Việt Nam.

Xuyên suốt 5 ngày diễn ra festival, một con đường nghệ thuật mang tên “Nghề truyền thống - Di sản độc đáo miền Trung” quy tụ các nghệ nhân của 17 tỉnh, thành phố ở các lĩnh vực sản xuất ngành nghề truyền thống.

Theo đó, Hiệp hội Làng nghề sẽ huy động người làm nghề dựng các gian nhà cổ nhằm tái hiện lịch sử phát triển làng nghề truyền thống, biểu diễn, trình nghề cũng như giao lưu và mua bán trực tiếp các sản phẩm được chế tác tại chỗ có sẵn và theo đơn đặt hàng của khách tham quan.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam cho biết, đây sẽ là dịp để tôn vinh các nghệ nhân cũng như gắn kết làng nghề giữa các vùng miền. “Điều quan trọng là những người làm nghề truyền thống sẽ có dịp cùng tìm ra các giải pháp để bảo tồn, truyền nghề và phát triển nghề Quảng Nam nói riêng, khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên nói chung” - ông Tiếp nói.

Cùng với các hoạt động trình nghề, triển lãm, trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất sẽ tổ chức tọa đàm về thực trạng phát triển ngành nghề truyền thống cũng như phương hướng sắp tới giữa các nhà quản lý, đơn vị tham gia cũng như nghệ nhân của 17 tỉnh, thành phố...

Chú trọng xúc tiến thương mại

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, ngoài tạo không gian để nghệ nhân các làng nghề có cơ hội trình nghề, quảng bá sản phẩm, festival cũng là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân gặp gỡ trao đổi.

Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất được xem là cơ hội quảng bá cho các sản phẩm truyền thống. Ảnh: X.H
Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất được xem là cơ hội quảng bá cho các sản phẩm truyền thống. Ảnh: X.H

Ngoài ra, tìm kiếm và thúc đẩy cho các sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trở thành hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đại diện Hội Nông dân Quảng Nam cho biết, hội sẽ huy động nông dân sản xuất giỏi cùng mở gian hàng trưng bày tại festival.

Tính đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đang gấp rút triển khai để festival được tổ chức chỉn chu nhất. Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết, ban tổ chức sẽ tính cả hoạt động trên sông, bên cạnh hoạt động ở Quảng trường Sông Hoài (nơi tổ chức festival), để làm phong phú hơn sự kiện.

Cùng với các làng nghề, ngành nghề truyền thống ở miền Trung - Tây Nguyên, TP.Hội An sẽ mời thêm một số thành phố kết nghĩa với Hội An như Thanh Hóa, Cao Lãnh để mở gian hàng nghề truyền thống, nhằm tạo sự đa dạng sản phẩm làng nghề tại festival.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, chủ trương của tỉnh tại festival lần này, ngoài công tác quảng bá cho các làng nghề truyền thống, cần chú trọng công tác xúc tiến thương mại. Hiện nay chủ trương của Chính phủ là vực dậy các làng nghề để mang lại kinh tế cho người dân.

Chính vì vậy, việc thu hút đông đảo các làng nghề, chủ thể, đơn vị có sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo, sản phẩm chủ lực tỉnh Quảng Nam kết nối với các công ty, trung tâm thương mại, siêu thị, thu mua và các nhà kết nối, phân phối sản phẩm trên toàn quốc... là điều được mong đợi tại festival lần này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội cho sản vật xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO