Cơ hội cho thời trang Việt

PHAN AN 02/08/2014 14:02

Thời gian gần đây, người tiêu dùng có xu hướng chuộng thời trang của các công ty, nhà sản xuất trong nước mà chủ yếu là hàng  xuất xứ TP.Hồ Chí Minh…

Chủ cửa hàng quần áo Tuấn Bình trên đường Phan Châu Trinh (TP.Tam Kỳ) cho biết: “Thời gian gần đây, khách đến mua quần áo đều hỏi rất kỹ về xuất xứ, nguồn gốc của sản phẩm rồi mới lựa chọn, quyết định mua hàng hay không. Có nhiều người, sau khi chọn được mẫu mã yêu thích nhưng nghi ngờ sản phẩm của Trung Quốc là hủy mua ngay, dù nhân viên có giải thích thế nào đi chăng nữa”. Với thực tế trên, cửa hàng Tuấn Bình hạn chế nhập sản phẩm xuất xứ Trung Quốc, thay vào đó là săn hàng Việt chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu khách hàng. “Nhiều loại quần áo trong nước đắt hơn so với quần áo nhập từ Trung Quốc nhưng vẫn được khách hàng ưa chuộng” - anh Bình nói. Không riêng anh Tuấn Bình mà rất nhiều cửa hàng thời trang ở TP.Tam Kỳ, thị trấn Núi Thành, Vĩnh Điện… đều hạn chế lấy hàng Trung Quốc, chuyển sang tìm các đầu mối bỏ sỉ quần áo xuất xứ Sài Gòn.

Người tiêu dùng mua sắm quần áo tại hội chợ xuân Quảng Nam.Ảnh:PHAN AN
Người tiêu dùng mua sắm quần áo tại hội chợ xuân Quảng Nam.Ảnh:PHAN AN

Việc người tiêu dùng ưu tiên hàng Việt góp phần mở ra cơ hội cho doanh nghiệp may mặc nội địa. Thế nhưng, về mẫu mã có thể thấy sản phẩm trong nước khó có thể cạnh tranh với hàng Thái Lan, Hàn Quốc… Chủ cửa hàng quần áo AB trên đường Phan Châu Trinh (TP.Tam Kỳ), cho biết: “Hàng tôi lấy thường từ Thái Lan hoặc những nhà may trong nước. Riêng hàng trong nước chủ yếu từ đầu mối chuyên may hàng nhái theo trang phục các ca sĩ, người nổi tiếng ở lứa tuổi mới lớn để bắt kịp xu thế thời trang chung”. Hầu hết chủ cửa hàng quần áo dành cho lứa tuổi mới lớn đều có chung nhận định, nếu quần áo dành cho tuổi mới lớn được các nhà sản xuất trong nước chú trọng mẫu mã sẽ thu hút các bạn trẻ, thay vì họ chấp nhận mua hàng Trung Quốc, Thái Lan như lâu nay.

Theo thông tin từ siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, thương hiệu thời trang Blue Exchange dù thuê hẳn vị trí đắc địa, rộng rãi trong siêu thị nhưng trong thời gian sắp tới vẫn tiếp tục mở rộng diện tích thuê mặt bằng để mở thêm cửa hàng nhằm phục vụ khách hàng ở TP.Tam Kỳ và các vùng phụ cận. Bạn Huỳnh Thị Gia Hân (thôn 7B, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) nói: “Những năm trước, thương hiệu quần áo Blue có giá khá cao nên em không được ba mẹ cho mua sắm ở đây mà phải ra chợ mua hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thời gian gần đây, giá cả của thương hiệu này tương đối phù hợp, mẫu mã đa dạng nên em và bạn đều mua sắm quần áo ở đây”. Điều này cho thấy, với người tiêu dùng Quảng Nam, mẫu mã phong phú và hợp túi tiền thì sẵn sàng ưu tiên dùng hàng Việt. Có thể thấy, những ồn ào về chất lượng và độ nguy hiểm của nhiều loại sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc thời gian qua khiến người Việt quay về hàng nội địa. Nếu các doanh nghiệp may mặc trong nước nắm bắt tốt thì đây chính là cơ hội để phát triển và chiếm lĩnh thị trường.

PHAN AN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội cho thời trang Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO