Quy hoạch - Đầu tư

Cơ hội cho vùng Tây khi mở rộng hợp tác

TRẦN MINH 23/06/2024 09:37

(Đặc san 21/6) - Vùng Tây Quảng Nam là cửa ngõ để hàng hóa các tỉnh Nam Lào đi ra các nước trong khu vực. Tiềm năng, lợi thế này được kỳ vọng sẽ phát huy, khai thác hiệu quả trong thời gian tới dựa trên chiến lược phát triển và hợp tác của các địa phương trên tuyến hành lang Đông - Tây.

2(1).jpg
Hàng hóa các tỉnh Nam Lào xuất khẩu thông qua cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc về cảng Chu Lai nhanh hơn so với các tuyến đường khác. Ảnh: H.Q

Cửa ngõ thông thương

Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang được đầu tư xây dựng từ năm 2006 với tổng diện tích khoảng 34.160ha. Năm 2021, cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam) - Đắc Tà Oọc (Sê Kông) được khai trương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Lào và kết nối với các nước khu vực kinh tế ASEAN.

Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết khẳng định, một trong các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy vai trò có tính động lực, lợi thế cạnh tranh của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang.

Để thực hiện mục tiêu này, Quảng Nam xác định việc đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các tỉnh Nam Lào và tập trung hợp tác về kinh tế, logistics với khu vực Đông Bắc Thái Lan là nhiệm vụ quan trọng. Đây là tiền đề phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang thành khu kinh tế logistics, trong đó đẩy mạnh các hoạt động kho bãi, phân loại, đóng gói, trung chuyển...

Theo Bí thư - Tỉnh trưởng tỉnh Sê Kông Lếch-lây Sỉ-vi-lay, từ cảng nước sâu Đà Nẵng, cảng Chu Lai (Quảng Nam) đến cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc có chiều dài 260km, thời gian thông thương là 5 tiếng đồng hồ.

Trong khi đó, từ Sê Kông đi Cửa khẩu quốc tế Văng-tàu, Xoòng-mếc và kết thúc tại cảng nước sâu Lẻm-xạ-băng (Thái Lan) có chiều dài 877km, mất đến 16 tiếng đồng hồ. Như vậy, lưu thông hàng hóa qua cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí hơn nhiều.

Chính quyền TP.Đà Nẵng cũng rất quan tâm đến việc phát triển cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc.

Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng khẳng định, tuyến đường bộ hành lang quốc tế Đông – Tây qua cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc sẽ rút ngắn quãng đường trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh Nam Lào và Đông Thái Lan ra cảng Đà Nẵng để xuất khẩu ra các nước trong khu vực.

TP.Đà Nẵng đang tăng cường các hoạt động xúc tiến phát triển lĩnh vực logistics, kết nối đầu tư sang các tỉnh Nam Trung Lào, Thái Lan.

Quảng Nam quyết tâm đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, như đầu tư xây dựng nhà công vụ; bến, bãi đậu đỗ kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu; trang thiết bị kỹ thuật hiện đại...

Đến năm 2029 hoàn thành đầu tư, nâng cấp mở rộng toàn tuyến quốc lộ 14D theo tiêu chí, tiêu chuẩn quy định. Cùng với cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc, Quảng Nam sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lừm. Đến trước năm 2050, Cửa khẩu Tây Giang và tuyến ĐT606 sẽ đảm bảo theo tiêu chí, tiêu chuẩn quy định để nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế.

Tín hiệu khả quan

Nam Lào được xác định là khu vực có đất đai phì nhiêu, môi trường sinh thái chưa bị phá vỡ, phù hợp phát triển các mô hình kinh tế nông - lâm nghiệp sạch và bền vững.

Chi phí chuyển nhượng đất đai, thuê nhân công ở khu vực này còn tương đối thấp. Tiềm năng này đã được nhiều doanh nghiệp Quảng Nam khảo sát, đầu tư, phát triển trong những năm qua. Đầu tàu trong lĩnh vực này phải kể đến THACO.

Công ty CP Nông nghiệp Trường Hải (thuộc THACO) đang điều hành lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thực hiện chiến lược đầu tư phát triển nông - lâm nghiệp với quy mô lớn trên diện tích hơn 27.000ha tại 2 tỉnh tại Attapeu và Sê Kông (Lào). Trong đó có khu chuyên canh cây ăn trái 10.000ha, trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò 14.000ha; có khu công nghiệp sản xuất - chế biến rộng 200ha…

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị THACO cho biết, tập đoàn đã hoàn thiện quy trình sản xuất, trồng các loại cây ăn quả nhiệt đới như xoài, bưởi, sầu riêng và đặc biệt là chuyên canh chuối, dứa.

Đến cuối năm nay, THACO sẽ có 1.000 tấn trái cây tươi mỗi ngày để xuất khẩu. Và năm 2025 sẽ đạt mục tiêu 2.000 tấn/ngày; trong đó phần lớn nguồn hàng nông sản, trái cây đến từ Nam Lào.

Đây cũng sẽ là nguồn nguyên liệu phục vụ quy trình chế biến sâu tại trung tâm công nghiệp nông nghiệp ở Chu Lai trong tương lai. Với chiến lược ưu tiên những tuyến đường thuận tiện từ Nam Lào về Chu Lai của doanh nghiệp này, chắc chắn cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc sẽ phát huy hiệu quả.

Cùng với nông - lâm sản, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang sẽ là cửa ngõ xuất khẩu khoáng sản, điện năng của Lào. Bí thư - Tỉnh trưởng tỉnh Sê Kông Lếch-lây Sỉ-vi-lay cho biết, tỉnh đang triển khai các dự án khai thác quặng, than đá, bô-xít, sắt; 3 dự án thủy điện và 1 dự án điện gió 600MW quy mô lớn nhất châu Á.

Thời gian qua, cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc đi vào hoạt động đã giúp Sê Kông nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu thi công, sửa chữa công trình thủy điện; đồng thời quá cảnh tinh bột sắn, quặng nhôm bô-xít để đi ra cảng Đà Nẵng, Chân Mây và cảng Chu Lai xuất sang Trung Quốc.

Với tỉnh Chămpasak, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu đạt 468,29 triệu USD; hàng hóa xuất khẩu chính là sắn, cà phê, cao su... Bí thư - Tỉnh trưởng tỉnh Chămpasak Vi-lay-vông Bút-đa-khăm mong muốn Quảng Nam đầu tư hạ tầng giao thông nối từ cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc về cảng Chu Lai để hàng hóa Chămpasak có thể xuất khẩu nhanh chóng, hiệu quả. Đây cũng là cơ hội để Chămpasak thu hút nhiều hơn doanh nghiệp lớn đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội cho vùng Tây khi mở rộng hợp tác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO