Cơ hội cho xuất khẩu nông sản chủ lực: Đường ra thế giới

DIỄM LỆ 29/10/2023 09:13

Nhiều sản phẩm từ nông sản đặc trưng của nông dân, bằng nhiều con đường đã vượt ra khỏi lãnh thổ, đến với thị trường mới.

Hợp tác xã Quế Trà My - Minh Phúc mời chuyên gia nghiên cứu, giúp nâng chất lượng sản phẩm từ quế Trà My hướng tới xuất khẩu. Ảnh: D.L
Hợp tác xã Quế Trà My - Minh Phúc mời chuyên gia nghiên cứu, giúp nâng chất lượng sản phẩm từ quế Trà My hướng tới xuất khẩu. Ảnh: D.L

Quế Trà My vươn tầm

Những năm qua, thị trường ở nước ngoài có nhiều biến động, nhưng quế Trà My vẫn là mặt hàng được thu mua với giá cao bởi chất lượng vượt trội. Hiện có khoảng 50 sản phẩm từ quế Trà My, trong đó nhiều sản phẩm đã có mặt ở thị trường Singapore, Nhật Bản, Thái Lan. Sản lượng quế xuất khẩu trong những năm gần đây khoảng 100 tấn/năm. 

Công tác thu hút doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư phát triển cây quế luôn được huyện Bắc Trà My quan tâm. Huyện đã làm việc với nhiều công ty như Công ty Quế Trà My tại Đà Nẵng, Công ty CP Công nghệ Aroma 360 về trồng, chế biến tinh dầu quế và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ…

Địa phương cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết với nhân dân, mua nguyên liệu, chế biến và xuất khẩu sản phẩm quế Trà My tại thị trường truyền thống là các nước Đông Âu, Nga, Trung Quốc và phát triển thị trường mới Thái Lan, Singapore, Nhật Bản...

Quế Trà My ngày càng đóng góp rõ nét cho nền kinh tế của địa phương. Hiện tại, với sản lượng xuất khẩu 100 tấn/năm đã mang lại cho địa phương khoản ngoại tệ khoảng 315 nghìn USD (gần 9 tỷ đồng).

Trên địa bàn huyện Bắc Trà My có 4 HTX, 10 cơ sở kinh doanh chuyên sản xuất khoảng 50 sản phẩm từ quế thuộc 5 nhóm sản phẩm. Nhóm sản phẩm thực phẩm gồm quế vỏ cạo, quế chi, quế xô, bột gia vị quế, mật ong hoa quế, trứng gà ăn quế...; nhóm đồ uống có trà quế thảo dược, trà túi lọc hoa đu đủ đực hương quế Trà My...

Là HTX tiên phong trong việc chế biến các sản phẩm từ quế, bà Nguyễn Thị Hồng Lê - Giám đốc HTX Quế Trà My - Minh Phúc cho biết, để đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững, HTX đã liên kết với hai nhóm gồm 26 hộ ở xã Trà Giác và Trà Giáp với tổng diện tích quế hơn 56ha.

HTX phối hợp tập huấn cho các hộ trồng và khai thác quế theo tiêu chuẩn GACP. Đến nay, sản phẩm của HTX đã đến được một số nước qua con đường du khách mua về làm quà biếu, sau đó thấy thị trường ưa chuộng nên đặt hàng để bán lại. Định hướng của HTX là sẽ tập trung xuất khẩu tinh dầu quế trong thời gian tới.

Hợp tác xuất khẩu măng cụt

Diện tích trồng măng cụt đang được mở rộng ở nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tiên Phước. Theo Sở Công Thương, đối với thị trường xuất khẩu, măng cụt là loại cây có tiềm năng ở các thị trường châu Âu và Trung Quốc.

Theo Hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, phần lớn các mặt hàng rau quả đều có thể tiếp cận thị trường EU với thuế suất 0%. Đây là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu trái cây nói chung và đối với trái măng cụt của Quảng Nam nói riêng.

Công ty CP Quế Trà My giới thiệu sản phẩm mặt nạ từ măng cụt được hợp tác với Singapore để xuất khẩu. Ảnh: D.L
Công ty CP Quế Trà My giới thiệu sản phẩm mặt nạ từ măng cụt được hợp tác với Singapore để xuất khẩu. Ảnh: D.L

Tuy nhiên, mặt hàng này phải tuân thủ các biện pháp kiểm dịch thực vật nghiêm ngặt và bị cạnh tranh bởi sản phẩm trái cây từ các nước Nam Mỹ (do quãng đường vận chuyển thuận lợi hơn, sản phẩm tươi hơn).

Một tín hiệu vui là trái măng cụt Quảng Nam đã được Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch, và đã được ký Nghị định thư về mở cửa thị trường (bên cạnh sầu riêng, chanh leo và chuối), do vậy đây là điều kiện thuận lợi để Quảng Nam thúc đẩy xuất khẩu loại trái cây này.

Ông Trần Viết Hùng - Tổng Giám đốc Công ty CP Quế Trà My cho biết, công ty đã hợp tác với Tiên Phước để đưa các sản phẩm từ trái lòn bon, tiêu Tiên Phước (đã chiết xuất thành sản phẩm tinh dầu), sản phẩm chế biến sâu từ măng cụt của Tiên Phước xuất khẩu sang Singapore.

Đối với trái măng cụt, công ty đã hợp tác với Đại học Quốc gia Singapore nghiên cứu, sẽ ra mắt sản phẩm rượu vang từ ruột măng cụt, vỏ còn làm mặt nạ dưỡng da, viên nang giúp giảm cân...

Ông Hùng khẳng định vùng nguyên liệu của Tiên Phước đang trên đà phát triển, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sản lượng lớn. Bởi muốn xuất khẩu thì đơn hàng đã ký kết bắt buộc phải thực hiện, nhưng việc cung ứng trái măng cụt từ vườn của nông dân có năm nhiều năm ít sẽ khiến doanh nghiệp lo lắng. Vì vậy, người dân cần đầu tư cho vườn cây ngay từ đầu. Bên cạnh các cơ chế của Nhà nước thì doanh nghiệp sẽ vào cuộc cùng nông dân đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội cho xuất khẩu nông sản chủ lực: Đường ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO