Cơ hội cho xuất khẩu nông sản chủ lực: Minh bạch thông tin sản phẩm

XUÂN HIỀN 29/10/2023 10:04

Truy xuất nguồn gốc để biết rõ về quy trình sản xuất, nguồn gốc sản phẩm. Đây là yêu cầu bắt buộc trước khi các sản phẩm tung ra thị trường.

Nông sản và các sản phẩm chế biến sâu có gắn truy xuất nguồn gốc sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Ảnh: X.H
Nông sản và các sản phẩm chế biến sâu có gắn truy xuất nguồn gốc sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Ảnh: X.H

Cơ sở bột ngũ cốc Hồng An (Đại Hồng, Đại Lộc) chọn chế biến sâu nông sản thành các sản phẩm tốt cho sức khỏe nên luôn phải tuân thủ các nguyên tắc về đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây là sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Theo quy định, sản phẩm OCOP phải đảm bảo quy định về tính pháp lý như các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc (TXNG).

Anh Huỳnh Tấn Nguyên - chủ cơ sở sản xuất Hồng An chia sẻ, minh bạch là tiêu chí đầu tiên để người tiêu dùng tìm đến sản phẩm. Chính vì vậy, bất cứ sản phẩm nào của Hồng An cũng đều gắn mã QR để người tiêu dùng TXNG.

Minh bạch thông tin sản phẩm thông qua hệ thống TXNG là cách tốt nhất để sản phẩm gắn bó lâu dài với khách hàng. Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, theo đại diện Sở Công Thương, đơn vị thường xuyên tập huấn, hướng dẫn tra cứu quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do và hướng dẫn thiết lập, cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. 

Theo thống kê của Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia, hiện nay Quảng Nam có 452 doanh nghiệp đăng ký sử dụng mã số, mã vạch. Trong số này có 75% chủ thể có sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao đăng ký sử dụng mã số, mã vạch; 84 sản phẩm “sâm Ngọc Linh” được kê khai thông tin trên hệ thống quản lý mã số, mã vạch.

Tuy nhiên, cả tỉnh mới duy trì 9 mã số vùng trồng đối với sản phẩm dưa hấu để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trong năm 2023, Quảng Nam dự kiến triển khai cấp 3 mã số vùng trồng với diện tích 38ha, gồm các loại sản phẩm như ớt, măng cụt, nếp hương bầu...

Mã số vùng trồng được xem là tấm vé thông hành về tính minh bạch của sản phẩm. Sau khi có mã số vùng trồng, các cá nhân, doanh nghiệp phải tuân thủ chặt chẽ quy định, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số đối với công tác quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ TXNG sản phẩm...

Trong khi đó, ở góc độ quản lý nhà nước, theo Luật An toàn thực phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có trách nhiệm thực hiện TXNG, cụ thể phải có tem nhận diện thương hiệu. Việc gắn tem điện tử này phải được thiết lập theo hệ thống, gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm và có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

Bà Lê Thị Hồng Cẩm - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, Quảng Nam đã liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành với hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các địa phương về bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời đã xử lý hành chính nhiều vụ.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng mua bán, sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục cho phép sử dụng. Cùng với đó là câu chuyện chấp hành các quy định về thời gian cách ly trong sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trước khi thu hái sản phẩm...

TXNG để biết rõ về quy trình sản xuất, nguồn gốc sản phẩm và được xem là biện pháp hữu hiệu để kiểm soát chất lượng hàng hóa. Và đây cũng là cách để hàng hóa đứng vững trên thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội cho xuất khẩu nông sản chủ lực: Minh bạch thông tin sản phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO