Ngày 29.5.2015, Việt Nam chính thức ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á-Âu. Đây là hiệp định được kỳ vọng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân hai bên.
Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEC) được thành lập vào ngày 1.1.2010 với tên gọi khi đó là Liên minh Hải quan. EAEC là một thị trường rộng lớn có diện tích tự nhiên 20 triệu km2 với khoảng 176 triệu dân, bao gồm 5 nước thành viên là Armenia, Belarus, Kazakhstan, Nga và Kyrgyzstan. Đây được xem là thị trường khu vực tiềm năng với Tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 2.500 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam với hơn 90 triệu dân sẽ là một điểm đến mới cho hàng hóa các nước thành viên EAEC. Quan trọng không kém khi Việt Nam hiện là một thành viên năng động của Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Do đó, Việt Nam sẽ nỗ lực để EAEC mở rộng quan hệ với Cộng đồng ASEAN, theo kế hoạch sẽ ra đời vào cuối năm 2015 - một thị trường thống nhất, phát triển năng động có 600 triệu dân.
Nga - một trong những thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam trong EAEC. |
Nếu như Việt Nam có tiềm năng to lớn trong ngành công nghiệp nhẹ, ngành đánh bắt cá, trong lĩnh vực nông nghiệp thì tại các quốc gia EAEC, các ngành phát triển nhất là công nghiệp nặng và công nghệ cao. Đáng chú ý bởi Việt Nam là quốc gia châu Á đầu tiên ký kết FTA với EAEC. Ông Viktor B. Khristenko, Chủ tịch Ban thường trực EAEC nói, việc liên minh chọn Việt Nam là đối tác ngoài khối đầu tiên để đàm phán và ký kết FTA thể hiện sự đánh giá cao vị thế cũng như tiềm năng phát triển của Việt Nam, đồng thời mong muốn Việt Nam đóng vai trò cầu nối tích cực giữa liên minh với khối ASEAN. Ngoài ra, FTA giữa Việt Nam và EAEC thể hiện tầm nhìn chiến lược của liên minh về phát triển hợp tác với khu vực châu Á - Thái Bình Dương năng động, một động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Khi FTA Việt Nam - EAEC đi vào hiệu lực, với cơ cấu kinh tế, hàng hóa bổ sung cho nhau giữa Việt Nam và các nước thành viên liên minh, FTA này sẽ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, tăng trưởng trao đổi thương mại, dịch vụ, đầu tư song phương và mở rộng quan hệ hợp tác trong khu vực. Các nước trong EAEC có thể mở rộng đáng kể hỗ trợ cho Việt Nam trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong lĩnh vực năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Ngay sau khi FTA giữa Việt Nam và EAEC có hiệu lực trong thời gian sắp tới, các nước thành viên sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Ngoài ra, hai bên sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa lên tới khoảng 90% số dòng thuế, tương đương trên 90% kim ngạch thương mại song phương. Dự báo về triển vọng hợp tác Việt Nam - EAEC, theo các chuyên gia kinh tế, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên sẽ đạt con số 10 - 12 tỷ USD vào năm 2020, tức là có thể tăng gấp 5 lần so với năm 2014. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang liên minh này hàng năm cũng sẽ tăng khoảng 18 - 20%.
NAM VIỆT