Cơ hội của nước mắm truyền thống

CHIÊU THỤC ANH - KIỀU LY 27/10/2016 08:12

Việc Bộ Y tế nhanh chóng công bố kết quả kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nước mắm đã giúp nước mắm truyền thống sớm ổn định thị trường tiêu thụ và càng có cơ hội mở rộng thị trường.

Cơ hội

Chị Nguyễn Thị Minh - Chủ cơ sở Thu Minh, thành viên Tổ hợp tác sản xuất nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương, Thăng Bình) cho biết: “Mấy ngày nay không chỉ cơ sở của tôi mà mấy cơ sở sản xuất nước mắm lân cận trong thôn được nhiều người đến mua khá nhiều. Đây là đợt thứ 2 trong năm người tiêu dùng mua nước mắm truyền thống tăng đột biến so với bình thường”. Đợt đầu tiên mà chị Minh nhắc đến là khi xảy ra sự cố cá chết hàng loạt ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, người tiêu dùng ở nhiều nơi tìm về các cơ sở ở Cửa Khe đặt mua nước mắm và gửi cho người thân ở khắp nơi trên cả nước. Theo tìm hiểu và khảo sát của chúng tôi, thông tin truyền thông đưa ra trong những ngày đầu “nước mắm truyền thống có nồng độ asen vượt quá mức cho phép” thực sự không tác động mấy đến tâm lý của của người tiêu dùng quen sử dụng nước mắm truyền thống. “Tôi thấy rằng từ bao đời nay ông cha ta đã dùng nước mắm họ tự sản xuất, chiết lọc mà không có vấn đề gì. Thậm chí người đi biển còn uống cả nước mắm nguyên chất mà có sao đâu. Kinh nghiệm của ông bà con cháu cứ thế mà theo thôi” - chị Nguyễn Thị Cẩm Hồng (nhân viên Công ty Phát hành phim Quảng Nam), nói.

Giới thiệu thương hiệu nước mắm Cửa Khe tại hội chợ Xuân Quảng Nam - 2016. Ảnh: C.T.A
Giới thiệu thương hiệu nước mắm Cửa Khe tại hội chợ Xuân Quảng Nam - 2016. Ảnh: C.T.A

Chị Nguyễn Thụy Phiên (chủ cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống, xã Tam Tiến) cho biết cơ sở của chị thường bỏ mối sỉ cho các cửa hàng tại TP.Tam Kỳ. Bình thường nước mắm Tam Tiến bán rất chạy, một ngày chị bỏ sỉ từ 50 - 60 lít. “Khi có thông tin nước mắm gây ảnh hưởng sức khỏe con người. Chưa biết thực hư như thế nào, nhưng những bạn hàng của tôi rất lo lắng. Có ngày họ không nhập hàng thêm. Tuy nhiên, do chúng tôi sản xuất theo phương pháp truyền thống, uy tín từ trước đến nay nên vẫn có nhiều người tìm đến mua lẻ. Đến nay việc mua bán của tôi đã trở lại bình thường. Vui hơn hết là sau đợt này, không chỉ có khách quen bỏ sỉ mà tôi còn có nhiều khách hàng tìm đến tận nhà để mua lẻ” - chị Phiên nói.

Theo lời một tiểu thương tại chợ Thương mại (TP. Tam Kỳ), những ngày qua, nhiều người đi chợ cứ bàn tán về chất lượng nước mắm, có người tỏ ra e ngại không mua, hàng bán chậm lại. Những tiểu thương ở chợ, ngoài việc tư vấn cho người mua những sản phẩm uy tín, có nguồn gốc rõ ràng thì chỉ biết ngóng tin từ báo đài, mong sớm có kết luận chính xác từ các cơ quan chức năng. Tuy nhiên trong hai ngày gần đây, khi kết luận an toàn chất lượng được đưa ra thì những bà nội trợ đã quay lại mua và sử dụng các sản phẩm nước mắm quen thuộc.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất nước mắm Cửa Khe chia sẻ: “Từ khi nước mắm Cửa Khe được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận và cấp thương hiệu nước mắm Cửa Khe vào năm 2011, làng nghề ngày một phát triển. Bởi người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua sản phẩm có tên, nguồn gốc rõ ràng, được công nhận cả nước. Bên cạnh đó, hệ thống đường vào thôn cũng tốt hơn. Câu chuyện về nước mắm nhiễm độc như một số phương tiện thông tin đưa ra vừa qua là kinh nghiệm cho người tiêu dùng. Phải thật tỉnh táo trước môi trường thông tin đa chiều như hiện nay. Quan trọng hơn, cơ quan chức năng đã vào cuộc kịp thời, nhất là Bộ Y tế nhanh chóng có kết luận 100% nước mắm không nhiễm asen vô cơ”.

Thay đổi quan niệm

Theo tìm hiểu, hiện nay cả tỉnh có 56 làng nghề truyền thống, trong đó 14 làng nghề nhận được sự hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng giai đoạn 2011 - 2015 với tổng kinh phí trên 29 tỷ đồng. Và nước mắm Cửa Khe là một trong 14 làng nghề được nhận hỗ trợ và đang phát triển ổn định. Thế nhưng hiện nay, số ượng các làng nghề cần được đầu tư, hỗ trợ chưa nhiều. Ngay tại xã đảo Tam Hải vốn sống bằng nghề biển nhưng nhiều người từ lâu nay chuyển hẳn sang dùng nước mắm công nghiệp. Những nhà vốn trước đây chuyên làm nước mắm để ăn và bán cũng đã gác đồ nghề sang bên. Nếu như các làng nghề được định danh, hỗ trợ xây dựng thương hiệu như nước mắm Cửa Khe thì chắc chắn cả người sản xuất, tiêu dùng và cả kinh tế địa phương đều được hưởng lợi một cách tích cực nhất.

Tại làng nước mắm Thượng Thanh, xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), tình hình kinh doanh nước mắm cũng có nhiều khởi sắc hơn trước. Từ đầu năm đến nay, khách du lịch và người tiêu dùng có người quen ở Tam Kỳ đến tìm mua nước mắm tăng hơn trước. Bà Đỗ Thị Hiền (thôn Thượng Thanh) cho hay: “Năm nay nước mắm có giá cao hơn những năm trước do đầu vào tăng nhưng vẫn có nhiều người đến tìm mua với số lượng lớn. Có người thu gom, mua giúp bạn bè vài chục lít là chuyện thường. Hiện chúng tôi vẫn còn nhiều nguyên liệu, không lo thiếu mắm năm 2016”. Thực tế, cơ sở nước mắm ở các làng nghề có đăng ký thương hiệu như Cửa Khe có lượng hàng bán chạy hơn nước mắm ở làng nghề chưa đăng ký như Tam Thanh, Tam Tiến (huyện Núi Thành)...

Có thể nói, cuộc chiến truyền thông về nước mắm đã giúp nhiều người có những thay đổi nhất định trong hành vi tiêu dùng. Chị Ông Thị Thái Hà (đại lý bia Lộc Lan, Tiên Phước), cho hay: “Trước đây mẹ hay mua mắm về lọc nước mắm để ăn. Sau đó yếu tố tiện lợi của nước mắm công nghiệp khiến cả nhà dùng nước mắm đó hơn 10 năm nay. Sự chia sẻ thông tin về các loại nước mắm trong tháng nay đã giúp tôi suy nghĩ và chắc chắn sẽ có những quyết định tốt cho hành vi tiêu dùng, thói quen ăn uống hằng ngày đối với nước mắm”. Nhiều bà nội trợ nhân dịp này cũng đã nhìn nhận và xem xét kỹ lại sản phẩm mình sử dụng lâu nay. “Nước mắm công nghiệp mấy ngày nay bán không còn nhiều như tháng trước, mai mốt thế nào thì chưa biết” - bà Nguyễn Thị Lễ (cửa hàng tạp hóa đường Phan Bội Châu, TP.Tam Kỳ), nói.

CHIÊU THỤC ANH - KIỀU LY

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội của nước mắm truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO