Cơ hội đột phá của huyện nghèo

TRẦN HỮU 25/10/2013 10:29

Ba năm qua, hơn 82km đường mở thẳng lên tận rẻo cao, 1.000 tỷ đồng đầu tư cho kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, ổn định dân sinh… đã tạo “đòn bẩy” cho huyện Phước Sơn phát triển vững chắc.

Những năm gần đây Phước Sơn đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông. TRONG ẢNH: Mở đường giao thông tại xã Phước Đức. Ảnh: T.H
Những năm gần đây Phước Sơn đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông. TRONG ẢNH: Mở đường giao thông tại xã Phước Đức. Ảnh: T.H

Ưu tiên hạ tầng “huyết mạch”

Vài năm trước, khi lên kế hoạch công tác ở các xã vùng cao Phước Thành, Phước Lộc, Phước Chánh (Phước Sơn), các đoàn công tác của tỉnh gần như không chọn lựa vào mùa mưa. Lý do đơn giản là khi mưa nguồn trút xuống, nước các ngầm suối dâng cao, việc lưu thông rất nguy hiểm. Cán bộ cơ sở thì rất “sợ” về huyện công tác, ngoài việc đường sá đi lại khó khăn còn vì chuyện tế nhị là mất cả hơn triệu đồng cho chi phí xe ôm. Trong tháng, nếu dự vài ba cuộc họp trên huyện, cán bộ xã đi đứt cả một tháng lương.

Ba năm qua, Phước Sơn huy động đầu tư toàn xã hội hơn 1.000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh. 93% số hộ sử dụng lưới điện quốc gia, 45/85km đường liên thôn đã bê tông hóa, 82km đường liên xã thâm nhập nhựa. Tỷ lệ hộ nghèo hiện chiếm hơn 59%...

Thế nhưng, mùa mưa năm nay, tuyến đường liên xã Phước Chánh – Phước Kim – Phước Thành được thảm nhựa dài hơn 82km đưa vào sử dụng đã mang đến niềm vui cho đồng bào vùng cao. Con đường xuyên rừng, lượn lờ trên những đồi núi lô nhô, chạy thẳng đến các nóc, làng xa xôi của đồng bào Xê Đăng. Chủ tịch UBND xã Phước Thành – ông Hồ Văn Phen nói: “Đường tuy chưa hoàn thiện, nhiều đoạn thi công dang dở nhưng xe máy chạy bon bon là quá hạnh phúc với người dân vùng cao rồi. Có đường, mai này đời sống của đồng bào sẽ thay đổi”. Con đường độc đạo mở lên tận các rẻo xa xôi nhất của “xứ vàng” này còn giúp cho nhiều doanh nghiệp khai khoáng, xây dựng công trình hưởng lợi, giảm chi phí đầu tư trong sản xuất.

Thực tế, những giải pháp đột phá giảm nghèo của Phước Sơn luôn gặp trở lực chính là sự yếu kém của hạ tầng. Khoảng cách xa vời với thế giới bên ngoài càng khiến người dân khó thoát nghèo. Từ thực tiễn đó, Phước Sơn đã dành vốn đầu tư cho hạ tầng cơ bản. Tính riêng vốn Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP đã bố trí 110 tỷ đồng xây dựng 63 công trình điện, đường, trường, trạm… thực sự bức thiết. Ở các khu vực trung tâm thị trấn Khâm Đức, các xã có điều kiện phát triển sản xuất công nghiệp, địa phương định hướng hình thành vệt quy hoạch ngành cơ khí, sửa chữa xe máy, mộc dân dụng, xây lắp, chế biến nông lâm sản, xây dựng… Hầu hết các xã, thị trấn đến nay đã hoàn thành đề án quy hoạch nông thôn mới. Hai xã điểm nông thôn mới là Phước Chánh và Phước Năng đang tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện giao thông nông thôn, nâng cấp công trình thủy lợi, chỉnh trang khu dân cư… Theo Phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn, hơn 9,5 tỷ đồng ưu tiên cho kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất cho các xã điểm xây dựng nông thôn mới là nỗ lực lớn của địa phương, trong điều kiện vốn Trung ương phân bổ về nhỏ giọt.

Phát triển kinh tế đa dạng

Trước đây tình trạng nghèo rồi tái nghèo đã trở thành cái vòng luẩn quẩn ở các xã vùng cao Phước Sơn, mà nguyên nhân chính được xác định là kinh tế phát triển thiếu bền vững. Do vậy, nửa nhiệm kỳ qua, Phước Sơn chủ trương phát triển đa dạng kinh tế bản địa, mạnh dạn đưa các mô hình sản xuất mới như mở rộng diện tích cây sắn, bời lời, cao su, chuối tiêu… Đáng nói, từ chỗ lèo tèo vài ao cá nước ngọt nuôi thử tại địa bàn thì nay đã mở rộng quy mô lên 18ha, và đang thử nghiệm nuôi cá trong lòng hồ thủy điện Đắc Mi 4, nuôi heo đen, gà đồi, nhím…

Tại vùng thấp của huyện như xã Phước Hòa, Phước Hiệp, doanh nghiệp trồng cao su đang chủ động phối hợp với người dân phát triển cây cao su đại điền lẫn cao su tiểu điền, theo quy hoạch phủ xanh 2.000ha. Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn – ông Phạm Thế Quyền cho biết, với đặc thù vùng cao, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn nên bước đầu địa phương hình thành rõ nét vùng nuôi - trồng hợp lý, từng bước giúp đồng bào lấy rừng nuôi rừng, phát triển mô hình nông - lâm kết hợp. Thêm nữa, huyện thường xuyên tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho nông dân. Phước Sơn cũng đang tổng rà soát, kiểm tra công tác giao đất giao rừng cho người dân. Theo thống kê, gần 3 năm qua đã có 624ha rừng được giao cho hộ gia đình, 25.552ha đất lâm nghiệp đã giao cho cộng đồng dân cư nơi đây. Bình quân mỗi năm nhân dân được hưởng lợi 3 tỷ đồng từ tiền nhận giao khoán bảo vệ rừng.

Đánh giá về kết quả nửa nhiệm kỳ qua, chính quyền Phước Sơn cũng thừa nhận những mặt yếu kém như kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, còn 3 xã chưa có dòng điện 3 pha phục vụ sản xuất công nghiệp, nhiều “khoảng trống” chưa lấp về đầu tư ở cụm công nghiệp… Do đó, nền kinh tế khó phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đề ra.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội đột phá của huyện nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO