Cơ hội giảm nghèo từ xuất khẩu lao động

DIỄM LỆ 16/06/2017 08:42

Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều lao động trẻ trên địa bàn tỉnh đã tìm kiếm cơ hội việc làm từ xuất khẩu lao động (XKLĐ), góp phần mở lối giảm nghèo hiệu quả.

Căn nhà ông Ngô Văn Đồng khang trang được xây dựng trên nền ngôi nhà cũ.Ảnh: D.L
Căn nhà ông Ngô Văn Đồng khang trang được xây dựng trên nền ngôi nhà cũ.Ảnh: D.L

1. Chị Ngô Thị Đoan Thuyền (SN 1989) là con gái lớn của ông Ngô Văn Đồng (thôn Lãnh Thượng 1, thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Sau khi học hết lớp 12, chị Thuyền đăng ký thi vào đại học nhưng không đỗ. Nhớ lại quãng thời gian ấy, ông Đồng không khỏi thương con: “Lúc nhận tin con không đỗ đại học, tôi buồn vì sợ con làm nông cực khổ như cha mẹ. May mắn có người giới thiệu về XKLĐ, sau đó hai cha con đến cơ sở 2 của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh ở Hương An để tìm hiểu. Lúc đó có chương trình EPS đi Hàn Quốc không tốn chi phí nhiều, chỉ tốn ít tiền lo vé máy bay thôi. Tôi thấy hợp với hoàn cảnh của mình nên đăng ký cho con bé dự tuyển. Về nhà, tôi quyết bán con bò để có tiền cho cháu tàu xe đi học, đi làm”.

Thuyền đi học tiếng Hàn, sơ tuyển đậu và công ty bên Hàn Quốc có đơn hàng, phỏng vấn. Chờ đợi cả năm ròng, nhưng Thuyền không nản lòng. Đến giữa năm 2011, Thuyền chính thức đi XKLĐ ở Hàn Quốc, làm công nhân sản xuất linh kiện xe ô tô. Cuối năm 2011, Thuyền đã gửi tiền về cho cha mẹ làm lại căn nhà đã đến hồi đổ nát. Hơn 4 năm chăm chỉ nơi xứ người, Thuyền về lại quê hương với vốn liếng hơn 1 tỷ đồng. Sau khi lập gia đình, chị cùng chồng mở dịch vụ âm thanh ánh sáng, đầu tư mua dàn âm thanh, mua xe tải để chuyên chở, sắm thêm ô tô con để chạy dịch vụ. Gia đình nhỏ của Thuyền vừa hạnh phúc chào đón thêm thành viên mới. Đặc biệt, khi chị về lại quê hương cũng là lúc người em gái của mình là Ngô Thị Đoan Trang (SN 1994) lên đường đi XKLĐ sang Nhật Bản vào tháng 5.2015. Còn lại 2 người con nhỏ, ông Đồng tâm sự nếu các con thích, ông cũng sẽ để các con đi XKLĐ, bởi đi làm ở nước ngoài, không chỉ tích tụ được đồng vốn mà còn học tác phong làm việc chuyên nghiệp sau này.

Tính từ năm 2011 đến tháng 5.2017, toàn tỉnh có 961 người đi XKLĐ, đến các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Nga. Những năm gần đây, người lao động chủ yếu chọn thị trường chất lượng cao là Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, số lao động đến thời hạn về nước nhưng không về, trốn ở lại để tiếp tục làm việc bất hợp pháp của tỉnh chiếm tỷ lệ dưới 25%. Dù có lao động trốn ở lại khi hết thời hạn hợp đồng làm việc, nhưng Quảng Nam vẫn là tỉnh có tỷ lệ này thấp hơn các tỉnh phía Bắc, nên vẫn tiếp tục được phía nước bạn cho phép tiếp nhận lao động sang làm việc. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh khuyến cáo đến gia đình có con em đi XKLĐ và bản thân người lao động nên tuân thủ nghiêm quy định, đến thời hạn phải về nước, sau đó sẽ tiếp tục được đăng ký đi XKLĐ tiếp nếu có nhu cầu.

2. Quán cà phê nhỏ mang tên Thủy Trúc (xã Bình Phục, Thăng Bình) chất chứa câu chuyện tình xa xứ khi tham gia XKLĐ. Người vợ là Lê Thị Thu Thủy (SN 1983), chồng tên Hoàng Ánh Trúc. Quán nhỏ cũng là nơi hai vợ chồng chị Thủy nuôi dưỡng ước mơ làm giàu sau khi kết thúc hợp đồng lao động tại Hàn Quốc. Chị Thủy chia sẻ, năm 2006, chị học xong cao đẳng marketing ở TP.Hồ Chí Minh, sau đó xin việc làm chứ không về quê. Dù chăm chỉ làm việc nhưng mức lương mới chỉ đủ sống. Lúc này, tại TP.Hồ Chí Minh, thị trường XKLĐ đã sôi động với các công ty tổ chức đưa người đi làm ở nước ngoài một cách bài bản, chuyên nghiệp. Tình cờ đọc được thông tin ở quê nhà cũng bắt đầu có người đi XKLĐ qua trung tâm của Nhà nước quản lý, chị quyết định nghỉ việc về quê đăng ký. Ban đầu gia đình chị Thủy ngăn cản vì XKLĐ ở tỉnh chưa thành phong trào, thế nhưng chị kiên trì thuyết phục cha mẹ yên tâm. Đăng ký học từ năm 2006 nhưng phải đến năm 2008 chị Thủy mới được sang Hàn Quốc, làm công nhân ngành sản xuất linh kiện điện tử. Chị Thủy nói: “Lúc đầu qua bên Hàn Quốc, làm việc theo tác phong công nghiệp, kỷ luật nghiêm ngặt, ai cũng lo lắng. Nhưng rồi ông chủ công ty đối xử với chúng tôi khá thân thiện, quan tâm đến người lao động nên tâm lý chúng tôi dần ổn định và làm việc chăm chỉ. Ở Hàn Quốc, người lao động có thể làm thêm nếu đủ sức khỏe nên tôi đăng ký để tăng thu nhập, với mức trung bình khoảng 20 triệu đồng/tháng”.

Qua Hàn Quốc, những người Việt Nam đi XKLĐ gặp nhau, nơi xứ người, tình đồng hương khắng khít như những người thân. Chị Thủy đã gặp và kết duyên với anh Trúc khi hai người cùng làm việc trong công ty. Sau đám cưới ở Hàn Quốc, vợ chồng chị Thủy chọn về quê mở quán cà phê, anh Trúc đi học lái xe, xin vào dạy lái xe ở một ngôi trường gần nhà rồi đầu tư mua hai chiếc ô tô để cho thuê tập lái, chạy dịch vụ. Chị Thủy tâm sự: “Nếu không đi XKLĐ, chắc cuộc sống của tôi bây giờ vẫn ì ạch với công việc văn phòng lương tháng vài triệu đồng. XKLĐ giúp tôi có vốn liếng, học được tinh thần, thái độ làm việc khoa học, cầu thị, quan trọng nhất tạo mối lương duyên để tôi có được gia đình như hôm nay”.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội giảm nghèo từ xuất khẩu lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO