Dù sở hữu tiềm năng du lịch dồi dào nhưng khu vực miền Trung vẫn chưa có bước phát triển đột phá nên giới khởi nghiệp (start-up) trong lĩnh vực này cần sớm cải thiện trí tuệ, công nghệ để tận dụng cơ hội. Đây là chia sẻ của nhiều đại biểu tại diễn đàn khởi nghiệp du lịch tổ chức tại Đà Nẵng hôm qua 6.1.
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Q.T |
Bàn chuyện du lịch thông minh
Diễn đàn khởi nghiệp du lịch đổi mới sáng tạo Đà Nẵng 2019 được Songhan Incubator (Vườn ươm Sông Hàn) tổ chức, đã kết nối những ý tưởng, câu chuyện và kinh nghiệm khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Theo ông Lý Đình Quân - CEO Songhan Incubator: “Sau sự kiện Techfest 2018 tổ chức tại Đà Nẵng, xuất hiện khá nhiều nhà đầu tư từ nước ngoài quan tâm đến các dự án, ý tưởng khởi nghiệp Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Rõ ràng đây là cơ hội tốt mà các start-up cần nắm bắt để kết nối, phát triển dự án của mình”. Chia sẻ thêm về hoạt động hỗ trợ của Songhan Incubator thời gian qua, đặc biệt là sự quan tâm đến phát triển các dự án start-up trong lĩnh vực du lịch, ông Quân cho rằng, tiềm năng du lịch trong khu vực miền Trung còn quá lớn và chúng ta mới chỉ khai thác theo cách truyền thống, chưa tạo ra nhiều lợi nhuận và sự mới mẻ.
Sau khoảng 2 năm hoạt động, Songhan Incubator đã tư vấn cho 8 tỉnh, thành trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đào tạo 30 giảng viên nguồn cho các địa phương, tập huấn về đổi mới sáng tạo cho 1.800 cán bộ các sở, ngành và giúp 15 dự án du lịch trở thành doanh nghiệp. |
Tiếp cận công nghệ, gia tăng tri thức để giảm chi phí tăng tính tương tác đến khách hàng chính là câu chuyện mà những chuyên gia, nhà cố vấn khởi nghiệp du lịch tại diễn đàn khởi nghiệp du lịch đổi mới sáng tạo Đà Nẵng 2019 muốn các start-up nhận thức được. Ông Nguyễn Tiến Trung - Cố vấn cao cấp chương trình khởi nghiệp quốc gia của VCCI cho rằng: “Bây giờ không còn là thời điểm để các start-up “giấu bài”, các start-up cần phải liên tục kết nối, chia sẻ về dự án của mình mới mong hoàn thiện để cạnh tranh được”. Với du lịch thông minh, các start-up cần kết nối tối đa các nguồn lực từ công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng, nguồn lực xã hội đồng hành… để tạo ra các sản phẩm ấn tượng trong mắt khách hàng. “Chúng tôi từng tư vấn, thiết kế để bánh ít lá gai Bình Định thay đổi tư duy truyền thống bằng việc bán cả câu chuyện về văn hóa, con người của người Bình Định trong chiếc bánh nhằm tạo ra sự hứng thú với du khách” - ông Lý Đình Quân chia sẻ.
Nhận diện thách thức
Ra mắt Câu lạc bộ Khởi nghiệp sáng tạo Duy Xuyên Huyện Duy Xuyên vừa tổ chức ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, Ban chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp sáng tạo Duy Xuyên là thành viên Tổ công tác hỗ trợ hoạt động KN sáng tạo tỉnh, có 11 thành viên, do ông Phan Ngọc Minh làm Chủ nhiệm. CLB thực hiện các nhiệm vụ như: tổ chức triển khai liên kết thực hiện các hoạt động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn huyện Duy Xuyên; phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND huyện trong thực hiện kế hoạch xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn huyện... Tại buổi ra mắt, CLB Khởi nghiệp sáng tạo Duy Xuyên được nhận 200 triệu đồng, được trích từ 50 tỷ đồng thuộc chương trình triển khai hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Quảng Nam, do Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hỗ trợ.H.Q (tổng hợp) |
Tham dự diễn đàn, chị Hoàng Phương Trà - CEO Tourzy Media (dự án khởi nghiệp công nghệ thực tế ảo) thông tin: “Hành vi của khách du lịch hiện nay đang có sự thay đổi lớn và có xu hướng đầu tư kinh phí vào việc trải nghiệm văn hóa của người bản địa. Việt Nam hiện nằm trong nhóm đầu khu vực Đông Nam Á về số ngày lưu trú của du khách quốc tế, tuy nhiên lại thất thế trong số lượng chi tiêu của du khách (trung bình chỉ khoảng 96USD/người/chuyến)”. Từ thực trạng này mà hiện tại 30 dự án start-up du lịch của Songhan Incubator đều phát triển với những ý tưởng khác nhau để hy vọng tạo ra sự tăng trưởng nhanh cho các dự án. Chị Dương Diễm My (quê Duy Xuyên) - CEO Adei House (dự án Ẩm thực Chăm) bộc bạch: “Hiện tại mình cố gắng tiếp cận, học hỏi từ nhiều chuyên gia, cố vấn để tìm các công nghệ phù hợp ứng dụng mới mong tạo được sức bật cho dự án trong thời gian tới”.
Trăn trở về thách thức của các start-up, ông Nguyễn Tiến Trung cho hay: “Hiện nay các start-up rất chật vật khi không có thị trường để thử nghiệm các sản phẩm mới của mình. Bên cạnh đó, dự án khởi nghiệp thường chứa đựng nhiều rủi ro nên có rất ít doanh nghiệp trong nước quan tâm để các start-up ở giai đoạn khởi đầu”. Các chuyên gia cùng chung nhận định rằng hệ sinh thái khởi nghiệp của các địa phương ở miền Trung đang khá rời rạc và có sự kết nối chặt chẽ hơn giữa nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp trong việc đồng hành với start-up.
QUỐC TUẤN