Cơ hội mới cho Chu Lai

TRỊNH DŨNG 08/08/2017 08:34

Chính phủ đã thống nhất điều chỉnh quy hoạch, không gian phát triển Chu Lai và sẽ định hình một khu phi thuế quan. Sự mở cửa này có thể mang đến cho Chu Lai một cơ hội mới.

Những chuyến hàng cập cảng Chu Lai - Trường Hải.Ảnh: T.DŨNG
Những chuyến hàng cập cảng Chu Lai - Trường Hải.Ảnh: T.DŨNG

Động lực phát triển

Một cầu cảng 171m tiếp nối, mở rộng thêm về phía thượng lưu để đạt tổng chiều dài gần 500m, có đủ khả năng tiếp nhận cùng lúc 3 tàu tải trọng 20.000 tấn đã được Thaco chính thức đưa vào hoạt động tại cảng Chu Lai - Trường Hải ngay trong những ngày đầu tháng 8.2017. Từ khi chuyến tàu SITC từ cảng Incheon (Hàn Quốc) trọng tải 20.000 tấn cập bến cảng số 1 Tam Hiệp an toàn ngày 5.8.2016, cảng quốc tế này đã trở nên nhộn nhịp. Hàng hóa đã đi thẳng từ Chu Lai tới Incheon, Osaka (Nhật Bản) hay các thị trường trong nước và quốc tế khác, rút ngắn thời gian nhập, xuất hàng, tiết kiệm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho nhiều doanh nghiệp vận chuyển hàng qua Chu Lai. Thaco cho biết, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, cảng Chu Lai - Trường Hải đã tiếp nhận 150 lượt tàu cập cảng, lai dắt gần 200 lượt tàu biển, xếp dỡ 23.000 TEU container và 140.000 tấn hàng rời. Sản lượng hàng hóa của 50 doanh nghiệp bên ngoài Chu Lai chiếm đến 15% lượng hàng qua cảng. Chủ yếu là lương thực, nông sản, hóa chất, bình điện…

Khu kinh tế mở Chu Lai đã chứng minh là động lực phát triển của Quảng Nam. Những sản phẩm của Chu Lai đã bước chân vào thị trường khu vực. Linh kiện ngành công nghiệp ô tô, điện tử, may mặc, kính... đã được xuất khẩu đi nhiều nước, tạo tiền đề cho sản phẩm Quảng Nam tham gia thị trường và chuỗi giá trị toàn cầu. Theo thống kê của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, trong 7 tháng qua, ngoài một số doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ cát, thủy tinh gặp khó khăn về nguyên liệu, các doanh nghiệp còn lại đều ổn định, đóng góp vào ngân sách hơn 7.000 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 7.2017, có khoảng 86 dự án tại khu vực này hoạt động với tổng vốn thực hiện hơn 1.140 triệu USD, đạt gần 90% so với tổng vốn đầu tư đăng ký; giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 57% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, đóng góp 75% ngân sách... Ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho hay khu vực này đã trở thành động lực gắn liền với sự phát triển của nhiều doanh nghiệp lớn, trở thành bản lề để Quảng Nam vạch ra 6 nhóm dự án chiến lược vùng đông nam, quyết định cho sự phát triển của địa phương.

Theo dự báo của Khu kinh tế mở Chu Lai, đến năm 2020, sẽ lấp đầy Khu công nghiệp (KCN) Bắc Chu Lai và KCN Tam Thăng (giai đoạn 1), 70% KCN và hậu cần cảng Tam Hiệp, một phần KCN Tam Anh - Hàn Quốc. Thaco sẽ đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất ô tô Mazda, Hyundai và các dự án công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Đến năm 2025 sẽ lấp đầy và phát triển các KCN hiện có, một phần KCN Tam Thăng mở rộng, KCN Chu Lai - Trường Hải mở rộng, KCN Tam Anh, hình thành trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô, trung tâm khí điện miền Trung, khu công nghệ cao. Sự phát triển của khu vực này sẽ chiếm khoảng 65% tỷ trọng công nghiệp, chiếm 30% tỷ trọng xuất khẩu toàn tỉnh, sản lượng qua cảng Kỳ Hà đạt 3 triệu tấn, số lượng hành khách đi sân bay Chu Lai đạt 2 triệu lượt khách… vào năm 2020 và thu ngân sách giai đoạn 2016 - 2025 chiếm tỷ trọng bình quân khoảng 75% toàn tỉnh.

Cơ hội mới

Những con số hiện thực tại Chu Lai đã chứng minh động lực phát triển, làm thay đổi bộ mặt phía nam và dọn đường cho các dự án động lực đầu tư vào Quảng Nam cho dù phải tự mò mẫm cách làm, tự xin cơ chế, không có chính sách gì đột phá. Tuy nhiên, ngoài viễn tượng một ngày sẽ có những chiếc ô tô nhãn hiệu Việt Nam sản xuất tại Chu Lai xuất khẩu sang khu vực AFTA thì vẫn chưa có sự mới mẻ nào sau 14 năm đầu tư khu kinh tế mở Chu Lai. “Mưu sự” xây dựng một khu kinh tế thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thí điểm các chính sách kinh tế mới… bất thành. Một bản “điều trần” về cơ chế tài chính không ổn định, thể chế, chính sách đầu tư vẫn chỉ ở mức “thêm chất xúc tác” cho khu vực này được gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành trung ương sau nhiều cuộc hội thảo vẫn chưa đủ thời gian để Chu Lai tạo ra sự thay đổi lớn và khác biệt. Nhiều cuộc hội thảo về Chu Lai đã xác nhận sự thành công của Chu Lai hiện vẫn ở mức một KCN “bậc cao” hơn là thành công trong vai trò một khu kinh tế mở trên bình diện quốc gia như mong đợi. Kế hoạch xây dựng một khu kinh tế mở với “hạt nhân” khu thương mại tự do – mô hình mới, động lực mới, đã không thể thực hiện được. Địa vị pháp lý và dự phóng tương lai cũng mất khi Chính phủ công bố chọn xây dựng mỗi miền một đặc khu kinh tế. Cơ chế chính sách gần như tương đồng nên Chu Lai đã mất dần lợi thế so sánh.

Trong khi Chu Lai đang tìm đường phát triển thì Quyết định số 32/2017/QĐ-TTg ngày 20.7.2017 quyết định điều chỉnh, mở rộng quy hoạch và không gian phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai đã khiến nhiều người nghĩ tới một ngày mới của Chu Lai. Theo quyết định này, Khu kinh tế mở Chu Lai bao gồm thị trấn Núi Thành và các xã Tam Quang, Tam Hiệp, Tam Hòa, Tam Anh Bắc, Tam Anh Nam, Tam Tiến, một phần xã Tam Nghĩa (Núi Thành), các xã Tam Thanh, Tam Phú, một phần xã Tam Thăng và phường An Phú (Tam Kỳ), các xã Bình Hải, Bình Sa, một phần xã Bình Nam, Bình Trung, Bình Tú, Bình Triều, Bình Minh, Bình Đào (Thăng Bình). Điều quan trọng được chờ đợi nhiều năm là việc định danh cho một khu phi thuế quan thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai được bố trí tại xã Tam Quang và một phần xã Tam Nghĩa, có quy mô 1.012ha gắn với sân bay Chu Lai. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 5.9.2017. Liệu đây có phải là điều mà Quảng Nam đã chờ đợi từ lâu để đột phá các chính sách phát triển Chu Lai đúng như tầm vóc của một khu kinh tế mở đầu tiên trên cả nước, hay vẫn là câu chuyện cũ. Ông Đỗ Xuân Diện cho rằng để hiện thực hóa cần một quá trình. Có thể Chu Lai sẽ được nhìn nhận như một khu vực có tầm vóc gắn kết, thúc đẩy cả vùng duyên hải miền Trung, tạo nên những cú hích mạnh mẽ, khơi dậy tiềm lực kinh tế vùng đất này.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội mới cho Chu Lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO