Cơ hội mới cho làng chiếu cói Thạch Tân

TƯỜNG QUÂN 07/04/2015 09:38

Việc sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch như mũ, bình hoa, túi xách, hộp quà… tại làng nghề dệt chiếu cói Thạch Tân (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) đang mở ra hướng phát triển mới cho người dân nơi đây…
Làng nghề dệt chiếu cói Thạch Tân hiện có 140 hộ tham gia hoạt động sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động. Tuy nhiên, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thời vụ, sản lượng không ổn định. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất trong nhân dân còn nhiều hạn chế. Người dân thiếu sự đầu tư sản xuất, không chủ động trong việc phát huy tiềm năng làng nghề. Vì thế, các sản phẩm ngày càng kém chất lượng, mẫu mã thiếu sự đa dạng, chưa quảng bá được hình ảnh… Từ thực tế đó, UBND TP.Tam Kỳ đã định hướng phát triển làng nghề chiếu cói Thạch Tân gắn với phát triển du lịch lịch sử địa đạo Kỳ Anh, Bãi Sậy Sông Đầm cùng với chuỗi địa điểm du lịch như Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Văn thánh Khổng miếu, bãi biển Tam Thanh, hồ Phú Ninh… Vì vậy, việc khôi phục làng nghề sẽ tập trung vào đa dạng hóa sản phẩm, chủ yếu là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ nhu cầu hàng lưu niệm du lịch.

Ông Nguyễn Văn Hoàng giới thiệu các sản phẩm mỹ nghệ do ông và các thành viên tổ hợp tác vừa làm ra.  Ảnh: T.QUÂN
Ông Nguyễn Văn Hoàng giới thiệu các sản phẩm mỹ nghệ do ông và các thành viên tổ hợp tác vừa làm ra. Ảnh: T.QUÂN

Đầu năm 2015, Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ đã vận động một số người dệt cói có tay nghề cao tại làng chiếu cói Thạch Tân thành lập một tổ hợp tác với 12 thành viên để chuyên dệt các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như mũ, bình hoa, đệm ngồi, túi xách, hộp quà…. và mời một nghệ nhân dệt cói ở huyện Duy Xuyên về đào tạo cho các thành viên trong tổ. Đến nay, hầu hết đã có thể làm ra được các sản phẩm mỹ nghệ để phục vụ nhu cầu khách du lịch. Bà Trần Thị Tài (54 tuổi), một người làm nghề chiếu cói ở làng Thạch Tân từ nhiều năm nay, nhưng vì nhiều lý do, cơ sở sản xuất chiếu cói của bà kém phát triển. Có giai đoạn bà đã tính đến chuyện bỏ nghề chiếu để chuyển sang làm một công việc khác vì hàng hóa làm ra không bán được. Tuy nhiên, được TP.Tam Kỳ cho tham gia khóa học làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ cói, bà đã sản xuất được nhiều mặt hàng mới có giá trị, vừa giúp bà có thể gắn bó với nghề truyền thống, vừa tạo cơ hội phát triển kinh tế gia đình. Bà Tài cho biết: “Lâu ni làm chiếu ế quá nên nghĩ miết. Nay được thành phố tạo điều kiện để chuyển sang sản xuất các mặt hàng mới phục vụ du lịch, bản thân tôi rất vui. Ban đầu thành phố bao tiêu sản phẩm nên các mặt hàng làm ra đều đem lại cho tôi thu nhập cao. Trong tương lai, tôi mong thành phố tiếp tục có cơ chế hỗ trợ để chúng tôi tiếp tục phát triển sản xuất”. Còn đối với ông Nguyễn Văn Hoàng - Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất hàng mỹ nghệ do TP.Tam Kỳ thành lập, là một người làm nghề chiếu cói lâu năm, ông có thể làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị, nhưng vì không biết tiêu thụ sản phẩm ở đâu, lại không có điều kiện để có thể tổ chức sản xuất với số lượng lớn nên lâu nay vẫn dệt chiếu cói với thu nhập bấp bênh. Nay được thành phố tổ chức sản xuất các mặt hàng mỹ nghệ với số lượng lớn, ông vui mừng vì ước mơ tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị từ nguyên liệu cói của ông đã thành hiện thực. Ông Hoàng cho biết: “Đây là cơ hội mới cho người dân làng chiếu cói Thạch Tân chúng tôi. Nếu có thể mở rộng quy mô với các mặt hàng chất lượng, bán được trên thị trường, chúng tôi sẽ có điều kiện sản xuất lâu dài để phát triển kinh tế cũng như giải quyết được lực lượng lao động địa phương”.

Nhằm từng bước tạo điều kiện để làng chiếu cói Thạch Tân ổn định sản xuất, Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ đã thực hiện bao tiêu sản phẩm do tổ hợp tác làm ra trong giai đoạn đầu xây dựng và phát triển nghề với thời gian 6 tháng, đảm bảo mức thu nhập cho một lao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Văn Hùng - chuyên viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thuộc Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho biết: “Trong tương lai, thành phố sẽ hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra để tổ hợp tác phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức tham quan học tập ở các làng nghề cho bà con học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ làm nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã, quảng bá sản phẩm. Đồng thời tăng cường đào tạo kỹ năng quản lý sản xuất nhóm, kỹ năng tự tìm kiếm thị trường và hỗ trợ lãi suất vay theo quy định để bà con có điều kiện sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm”.

TƯỜNG QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội mới cho làng chiếu cói Thạch Tân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO