Việc ra đời Hợp tác xã Nông nghiệp làng Triêm Tây (HTX Triêm Tây) như một cú hích, hứa hẹn đem lại hướng đi mới đầy triển vọng cho người dân ở đây trong xu hướng phát triển du lịch cộng đồng.
Bà Biên giữ lại khung dệt để phục vụ khách du lịch. Ảnh: XUÂN KHÁNH |
Cách đây khoảng 5 năm, thôn Triêm Tây (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) dường như được biết đến chủ yếu là “nhờ” các lần sạt lở, thiên tai… Tuy nhiên, từ khoảng đầu năm ngoái, nhất là từ thời điểm tháng 6.2014, thì cái tên Triêm Tây được nhắc nhiều ở khía cạnh du lịch. Đó là khi 2 tổ chức quốc tế là UNESCO và ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) triển khai các dự án nhằm xây dựng môi trường du lịch cộng đồng ở Triêm Tây. Nhận thấy cơ hội từ các dự án này, một số hộ dân ở Triêm Tây đã bắt tay vào HTX. Mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Yên, Giám đốc (kiêm Chủ tịch HĐQT) HTX Triêm Tây, cho biết trước đây người dân Triêm Tây chủ yếu là làm nông nghiệp, cụ thể là trồng rau và hoa màu. “Tuy nhiên, do ở vùng thấp, sát bờ sông, lại hay sạt lở nên việc trồng trọt của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Từ đó, kéo theo những rào cản trong phát triển kinh tế. Khi có các dự án du lịch, bờ kè được xây, tình trạng sạt lở không còn. Dù vậy, việc phát triển kinh tế của người dân địa phương vẫn còn loay hoay. Nhận thấy tiềm năng từ du lịch cộng đồng, rồi được các tổ chức và chính quyền hướng dẫn, chúng tôi đã mạnh dạn làm HTX như một số mô hình ở Hội An. Hy vọng rằng, đây sẽ là hướng đi đúng trong ổn định và phát triển kinh tế của chúng tôi” - ông Yên cho hay.
Ngày 10.6.2015, HTX Triêm Tây ra đời, có 26 thành viên. Theo ông Yên, các hoạt động chính trong tương lai gần của HTX là sản xuất rau, củ quả sạch để cung ứng cho các quán ăn, nhà hàng; nếu kết quả khả quan thì sẽ mở rộng thị trường cung ứng. Bên cạnh đó, HTX còn trồng các loại cây thuốc nam để cung cấp cho các tiệm thuốc trong vùng hay các Spa phục vụ du khách. Để tạo thêm động lực cho HTX, UBND xã Điện Phương đã quyết định cho HTX thuê 5.000m2 đất, nhưng được miễn phí 3 năm đầu. “Đây có thể xem là một cơ hội mới cho người dân ở đây. Bà còn rất hăng hái, nên về phía chính quyền, việc không lấy tiền thuê đất trong 3 năm đầu là cách mà chúng tôi hỗ trợ thêm cho bà con. Tất nhiên, cả trong một hành trình dài, chúng tôi sẽ còn kết hợp với các tổ chức để kịp thời hỗ trợ HTX thêm về thông tin, kỹ thuật…” - ông Dương Văn Ca, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phương, cho biết.
Bên cạnh trồng rau, củ quả sạch, một hướng đi không kém phần chủ lực của HTX là làm du lịch cộng đồng. Điều này được chắp cánh từ 2 tổ chức UNESCO và ILO. Cụ thể, 2 tổ chức này đã và đang mở các lớp đào tạo các kỹ năng phục vụ du lịch cho người dân Triêm Tây nói chung, mà đặc biệt là các thành viên trong HTX nói riêng. Hiện tại, có các lớp như tiếng Anh, dạy đàn hát dân ca, dạy pha chế đồ uống, chế biến thức ăn… Song song quá trình đó, nghề truyền thống ở Triêm Tây đang trong cơn ngoắc ngoải cũng được “đánh thức” kịp thời, đó là nghề dệt chiếu.
Ông Yên cho biết, trước đây nghề dệt chiếu ở Triêm Tây rất thịnh, nhiều gia đình có của ăn của để. Tuy nhiên, nghề này ở Triêm Tây bắt đầu “chết” dần. Nguyên nhân là các nơi khác áp dụng máy dệt, lại sản xuất số lượng lớn nên chiếu Triêm Tây không cạnh tranh nổi, nhiều gia đình đã vứt đi khung củi. Khi có dự án làm du lịch cộng đồng, nghề dệt chiếu ở đây như được “sống” lại. Theo đó, một số hộ dân trong HTX sẽ dệt chiếu theo lối thủ công để phục vụ du khách tham quan. Bà Nguyễn Thị Biên, 61 tuổi, cho biết mình đã suýt vứt khung dệt đi, nhưng khi nghe có làm du lịch nên đã giữ lại.
“Chú nghĩ mà xem, ngồi dệt chiếu khom lưng cả ngày mới kiếm được vài chục nghìn đồng, thì ai theo nghề cho nổi? Nay có làm du lịch, tôi mới giữ lại, chứ không là vứt lâu rồi. Hy vọng mọi chuyện sẽ tốt” - bà Biên tâm sự. Trong khi đó, ông Yên cho biết trong tháng 9 này sẽ trình làng “mẻ” sản phẩm du lịch đầu tiên. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng hy vọng sự ra đời của HTX Triêm Tây trong bối cảnh địa phương này đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, sẽ là hướng đi mới với nhiều cơ hội mới trong ổn định và phát triển kinh tế.
XUÂN KHÁNH