Thêm sản phẩm mới từ cây đẳng sâm

HOÀNG LIÊN 04/12/2019 12:20

Các cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu ở Tây Giang đang chú trọng nghiên cứu các dòng sản phẩm mới từ cây đẳng sâm để nâng giá trị đặc sản bản địa trên thị trường.

Sản phẩm cao đẳng sâm Tây Giang. Ảnh: H.L
Sản phẩm cao đẳng sâm Tây Giang. Ảnh: H.L

Tạo sản phẩm đặc trưng

Đẳng sâm (đảng sâm, sâm nam, sâm dây, sâm khu 7) là cây thân thảo, leo bằng thân quấn, sống nhiều năm, phần trên mặt đất (thân mang lá) lụi tàn vào mùa đông, phần dưới mặt đất (rễ củ) vẫn sống và lớn dần. Sau mùa quả chín, từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau, các bộ phận trên mặt đất bắt đầu vàng úa, lụi tàn. Từ tháng 3 đến tháng 4, phần đầu rễ củ sẽ phát sinh chồi mới và sinh trưởng phát triển mạnh vào mùa khô. Đến tháng 7, tháng 8 cây ra hoa, kết quả. Mùa quả chín từ tháng 9 đến tháng 12. Theo nghiên cứu y dược hiện đại, đẳng sâm chứa nhiều saponin, acid amin, glycosid scutellarin, đường..., rất tốt cho cơ thể, giúp phục hồi sinh lực, giải tỏa stress, chống lão hóa, tăng cường miễn dịch. Cây sinh trưởng, phát triển tốt ở vùng có độ cao 1.000m so với mực nước biển trở lên.

Các xã A Xan, Tr’Hy, Gari, Ch’ơm (Tây Giang) là “thủ phủ” của cây đẳng sâm, song diện tích trồng trong dân phân tán, rải rác, nhỏ lẻ, việc thâm canh chăm sóc cây trồng còn hạn chế, sản lượng còn thấp. Do chưa tạo được các chuỗi giá trị nên đẳng sâm vẫn bị tư thương ép giá, chủ yếu bán củ tươi cho thương lái, hoặc bán nhỏ lẻ để ngâm rượu là chính. Tây Giang có 2 điểm thu mua đẳng sâm ngâm rượu là Cơ sở sản xuất kinh doanh rượu Chính Châu và Cơ sở sản xuất kinh doanh rượu Đức Huy. Mấy năm trở lại đây, Tây Giang đã hình thành 3 HTX chuyên về cây dược liệu gồm HTX Nông nghiệp Ch’ơm, HTX Nông nghiệp Dược liệu Tây Giang, HTX Dược liệu Đức Huy Tây Giang. Đây là cơ sở, nền tảng để phát triển chuỗi giá trị sản xuất lẫn tiêu thụ cây đẳng sâm và các loài dược liệu đặc hữu của vùng.

Giai đoạn 2019 - 2020 Quảng Nam quyết tâm xây dựng 3 sản phẩm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Trong đó có mô hình liên kết chuỗi sản xuất, gắn với chế biến từ củ đẳng sâm huyện Tây Giang, đây là lợi thế của địa phương. Tham gia OCOP, Tây Giang xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực giảm nghèo. Huyện chú trọng phát triển 2 cây dược liệu chủ lực là ba kích và đẳng sâm. Trong 5 sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2019, có tới 3 sản phẩm từ cây đẳng sâm là trà túi lọc đẳng sâm (HTX Nông nghiệp Dược liệu Tây Giang), rượu đẳng sâm (Cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu Đức Huy) và cao đẳng sâm (HTX Dược liệu Đức Huy Tây Giang) và cả 3 sản phẩm cơ bản đã đạt chuẩn 3 sao và tham gia xếp hạng “sao” cấp tỉnh.

Cao đẳng sâm

Cao đẳng sâm của HTX Dược liệu Đức Huy Tây Giang là dòng sản phẩm mới của Tây Giang. Theo HTX Dược liệu Đức Huy Tây Giang, nguyên liệu chế biến cao là loại đẳng sâm củ lâu năm và HTX đã sơ chế, chiết xuất bằng nước tinh khiết để chiết ra những hoạt chất quý từ củ, cô đặc bằng kỹ thuật hiện đại để tạo ra cao. Cao có thể dùng cho cả nam lẫn nữ; người suy nhược, mệt mỏi, người làm việc căng thẳng, người lao động nặng, người cần phục hồi sức khỏe sau bệnh. Cao được làm từ 100% củ đẳng sâm Tây Giang, an toàn, không có chất bảo quản hay hóa chất độc hại. Sản phẩm được đóng trong lọ 80g, 100g, 150g, 200g, đựng hộp giấy. Cách dùng: 1 - 2 lần/ngày, mỗi lần 2 - 4gam pha vào nước ấm, có thể pha trực tiếp với rượu trắng để uống. Để tạo cao, củ đẳng sâm được sơ chế, xử lý, cho vào nấu cô đặc, tiếp tục chiết sang lọ thủy tinh cao 70ml, đường kính 30ml, có khối lượng tịnh 83(+-5)gam. Sản phẩm đã được công bố các thành phần hợp chuẩn hợp quy.

Bà Phạm Thị Diệu Hiền - đại diện HTX Dược liệu Đức Huy Tây Giang cho biết, từ một sản phẩm tươi thô, giá trị kinh tế thấp, mục đích sử dụng không nhiều, thị trường tiêu thụ ít, HTX Dược liệu Đức Huy Tây Giang đã đưa củ đẳng sâm sơ chế, chế biến thành một loại thực phẩm cô đặc được sử dụng cho nhiều tầng lớp xã hội, nhiều loại khách hàng khác nhau dùng để bồi bổ cơ thể, tăng cường sinh lực, làm đẹp, chống lão hóa, tăng cường miễn dịch. Hiện, cao đẳng sâm của HTX đã được huyện Tây Giang chấm chọn, đạt 3 sao và tiếp tục dự thi ở cấp tỉnh. HTX giải quyết việc làm thường xuyên và thời vụ cho 11 lao động trên địa bàn từ thu mua, sơ chế, chế biến, đóng gói sản phẩm, đưa đi thị trường tiêu thụ. HTX đã và đang xây dựng, hoàn thiện thương hiệu, nhãn mác, logo, mã vạch và đăng ký sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu hàng hóa, đưa sản phẩm vươn ra các cửa hàng xanh, sạch tại Đà Nẵng, Quảng Nam. Để đảm bảo nguyên liệu ổn định, HTX tích cực phối hợp với HTX Nông nghiệp Ch’Ơm và HTX Nông nghiệp Dược liệu Tây Giang đã và đang quy hoạch vùng trồng cây đẳng sâm, từng bước xây dựng chuỗi giá trị, tạo các sản phẩm mới, không chỉ dừng lại ở sản phẩm rượu ngâm.

Theo bà Hiền, HTX tiếp tục đăng ký giấy phép sản xuất kinh doanh về sản phẩm, đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ sản xuất như dây chuyền sản xuất hơn 500 triệu, nhà xưởng 500 triệu đồng, thiết lập mã truy xuất nguồn gốc QR code; máy tính và máy in đặc chủng để in tem, giấy in, phần mềm... Dự kiến, tổng kinh phí đầu tư theo nhu cầu của HTX hơn 1,5 tỷ đồng, rất cần sự hỗ trợ, tiếp sức từ tỉnh, huyện và các tổ chức giúp HTX hoàn thiện các quy trình, thủ tục, nâng chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu cây đẳng sâm Tây Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thêm sản phẩm mới từ cây đẳng sâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO