Cơ hội nào cho kinh tế đêm Hội An?

QUỐC TUẤN 21/05/2023 11:20

Kinh tế đêm còn đơn điệu và trầm lắng là điểm yếu của Hội An. Cải thiện được kinh tế đêm sẽ góp phần giảm áp lực đáng kể cho Khu phố cổ Hội An.

Các hoạt động kinh tế đêm ở Hội An hiện nay còn khá đơn điệu và chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Ảnh: Q.T
Các hoạt động kinh tế đêm ở Hội An hiện nay còn khá đơn điệu và chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Ảnh: Q.T

Sẽ có kinh tế đêm sâu lắng ở phố cổ Hội An

Đồng hồ chưa điểm quá 12 giờ khuya, những vị khách quốc tế cuối cùng lục tục rời khỏi dãy hàng quán trên đường Nguyễn Phúc Chu (ven bờ sông Hoài) để ra về. Ắt hẳn nhiều du khách trong số đó còn muốn đắm chìm trong không gian về khuya của khu phố di sản, nhưng theo quy định chung không còn điểm đến nào trên địa bàn Hội An có thể phục vụ họ.

Đề án phát triển du lịch Hội An thời kỳ mới xác định 6 không gian phát triển du lịch, trong đó có 2 không gian ưu tiên phát triển là du lịch đường thủy và kinh tế đêm. Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, thực ra lâu nay Hội An cũng có làm kinh tế đêm nhưng chưa hiệu quả. Thời gian tới, thành phố sẽ thúc đẩy kinh tế đêm một cách cẩn trọng nhưng không chậm chạp với việc hình thành các khu vực kinh tế đêm theo từng chủ đề, phù hợp với sắc thái của Hội An.

 Theo đó, ở Khu phố cổ Hội An đã có những hoạch định cho kinh tế đêm. Ở đây sẽ phát triển kinh tế đêm theo chiều hướng sâu lắng, dành cho người nghe nhạc nhẹ, nhạc cổ truyền, uống trà tâm giao, bằng hữu, trà uyên ương và một số loại hình ẩm thực đặc biệt chỉ Hội An mới có. Dự kiến không gian phát triển sẽ từ đường Lê Lợi xuống chợ Hội An. “Để phục vụ phát triển kinh tế đêm Hội An sẽ sắp xếp lại không gian khu phố cổ, dịch chuyển chợ đêm ở đường Công Nữ Ngọc Hoa lên đường Đào Duy Từ (khu vực tọa lạc nhiều khách sạn lớn), địa điểm mới sẽ phù hợp hơn với kinh tế đêm dành cho khách bộ hành. Bên cạnh đó, việc nạo vét sông Hoài sẽ gắn liền với tính toán phát triển kinh tế đêm. Trọng điểm là làm cầu mới từ đường Lê Lợi qua khu vực bãi bồi bên kia sông. Việc này vừa giải tỏa áp lực đi lại cho du khách vừa tạo ra không gian kinh tế đêm mới với loại hình xiếc tre, có không gian làm văn hóa ẩm thực - âm nhạc” - ông Lanh thông tin.

Các hoạt động kinh tế đêm ở Hội An hiện nay còn khá đơn điệu và chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Ảnh: Q.T
Các hoạt động kinh tế đêm ở Hội An hiện nay còn khá đơn điệu và chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Ảnh: Q.T

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, một số nơi như ở Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) người làm du lịch đã triển khai kinh tế đêm khá hiệu quả với sản phẩm đặc sắc, giá trị thu được từ sản phẩm đêm gấp cả chục lần so với nguồn thu ban ngày. Nếu tiếp cận hợp lý thì Hội An có rất nhiều không gian để thúc đẩy kinh tế đêm gắn với nghệ thuật ánh sáng, câu chuyện… chứ kinh tế đêm không đơn thuần chỉ là ồn ào, náo nhiệt.

Vẫn phải chờ quy hoạch

Ngoài những tính toán về kinh tế đêm ở Khu phố cổ Hội An, chính quyền thành phố đã giao các cơ quan tham mưu chuẩn bị trình đề án phát triển kinh tế đêm ở khu vực biển Tân Thành (Cẩm An). Đây là không gian kinh tế đêm đa chức năng dành cho các dịch vụ thương mại - giải trí sôi động, náo nhiệt. Ngoài ra, Hội An cũng có định hướng phát triển kinh tế đêm dọc theo sông Đế Võng - nơi có hệ thống công viên công cộng từ cầu An Bàng xuống Cửa Đại. Khu vực này có sự giao thoa sông - biển, ít ảnh hưởng đến đời sống dân cư nhưng hiện vẫn còn bỏ ngỏ.

Nhận thức khoảng trống về kinh tế đêm, thời gian qua một số doanh nghiệp cũng tích cực kết nối với địa phương để khai phá lĩnh vực này như Tập đoàn Hoàng Gia đầu tư đô thị thương mại, kinh tế đêm ở phường Thanh Hà hay Công ty Đạt Phương Hội An với dự án Khu đô thị Casamia Balanca Cồn Tiến… Dù vậy theo đại diện của dự án Khu đô thị Casamia Balanca Cồn Tiến (xã Cẩm Thanh), phát triển kinh tế đêm là một phần quan trọng trong kế hoạch kinh doanh của dự án nhưng mới nằm ở thì tương lai bởi hiện nay dự án vẫn phải chờ khâu xác định giá đất rồi mới có thể triển khai các bước tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Lanh nhìn nhận, hiện nay quy định về đầu tư, nhất là quy định về đầu tư công rất chặt chẽ. Việc thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, cụ thể là từ doanh nghiệp có nhiều lý do trở ngại. Có doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính nhưng vì những lý do khách quan, chủ quan khiến họ chưa mặn mà đầu tư. Có những dự án đã được thành phố thống nhất thông qua nhưng tiến độ rất chậm. “Khó khăn lớn nhất vẫn là quy hoạch, hiện nay quy hoạch chung TP.Hội An chưa được thông qua. Quy hoạch là lõi của mọi vấn đề, tất cả đều có tính hệ thống nên không thể triển khai ngẫu hứng dù nhận thức được có thể nó rất tốt và cần làm ngay” - ông Lanh nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội nào cho kinh tế đêm Hội An?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO