Sau nhiều năm ra trường, cả trăm sinh viên cử tuyển là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My,… rơi vào tình trạng thất nghiệp. Không có việc làm ổn định, một số chọn ở nhà làm nông, số khác đã bắt đầu xuống phố làm thuê kiếm sống. Bao giờ số sinh viên cử tuyển này mới được bố trí việc làm? Xem ra câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp.
Mòn mỏi chờ việc làm, vợ chồng Zơrâm Chưng quay sang làm kinh tế với mô hình chăn nuôi heo. Ảnh: Đ.N |
MỎI MÒN CHỜ VIỆC
Bao nhiêu niềm vui, cảm xúc khi mới tốt nghiệp ra trường bỗng chốc tan biến sau nhiều năm thất nghiệp khiến nhiều cử nhân theo diện cử tuyển trở nên hụt hẫng. Ai cũng mỏi mòn, chờ đợi hy vọng đến thời điểm được bố trí, tiếp nhận công việc. Họ hy vọng là vậy, nhưng chẳng biết đến khi nào.
Vợ chồng cùng thất nghiệp
Sau gần 3 năm tốt nghiệp đại học, vợ chồng Zơrâm Chưng (dân tộc Ve, ở thôn 58, xã Đắc Pre, huyện Nam Giang) vẫn chưa xin được việc làm phù hợp tại quê nhà. Thất nghiệp kéo dài, càng khiến gánh nặng cuộc sống gia đình đè nặng lên đôi vai của vợ chồng trẻ. Vì thế, bên cạnh công việc mưu sinh nương rẫy, cả hai chỉ còn biết động viên nhau cố gắng tìm kiếm và chờ cơ hội được bố trí việc làm cho đối tượng sinh viên cử tuyển của địa phương.
Năm 2011, Zơrâm Chưng được cử tuyển đi học ngành Quản lý Tài nguyên môi trường (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng). Năm 2016 Chưng tốt nghiệp ra trường trong niềm vui của gia đình, bạn bè, xóm làng. Zơrâm Chưng kể, tốt nghiệp cầm tấm bằng đại học trên tay mình háo hức nộp hồ sơ xin việc với hy vọng được cống hiến sức trẻ cho quê hương miền núi. Nhưng chờ đợi mãi cũng không nhận được hồi âm, nên đâm ra chán nản. Rồi Chưng lấy vợ, sinh con và tự lập cuộc sống riêng cho mình. “Thời gian đầu thất nghiệp, mình làm đủ thứ công việc lao động để kiếm sống, để lo cho gia đình. Từ làm rẫy thuê, bốc vác, chăn nuôi gia súc, cho đến làm thợ hồ. Hễ ai cần công việc gì mình cũng nhận hết, miễn sao có tiền lo cho cuộc sống gia đình” - Chưng tâm sự. Dù ra trường trước chồng một năm, nhưng Riáh Hiên (vợ Chưng) vẫn phải ở nhà phụ công việc gia đình, vì không xin được việc làm. Hiên là cử nhân cao đẳng ngành Kế toán tổng hợp (Trường Cao đẳng Kinh tế - kế hoạch Đà Nẵng) theo diện tự thi tuyển, tốt nghiệp năm 2015.
Chưa có việc làm, Chưng nói cũng buồn lắm. Vì trước đây khi đi học, ngoài số tiền hỗ trợ của Nhà nước, gia đình cũng phải chạy vạy để lo thêm. Những tưởng lúc ra trường sẽ có công việc ổn định để giúp gia đình trả dần nợ nần, ai ngờ hồ sơ nộp xong không nhận được phản hồi. Thế là vợ chồng Chưng thất nghiệp từ khi ra trường đến nay. Không thể ngồi chờ việc mãi được, cũng không thể cứ đi làm thuê kiếm sống, Chưng tìm hướng mưu sinh. Từ số vốn vay ít ỏi, Chưng cùng vợ quyết định triển khai mô hình nuôi heo để phát triển kinh tế. Nhưng khó khăn về nguồn vốn khiến vợ chồng cử nhân trẻ không thể mở rộng hướng đi của mình. Chưng nói, năm 2017 vợ chồng anh cũng đã mạnh dạn đăng ký thoát nghèo, vì muốn làm gương cho cộng đồng làng, góp sức xóa dần tư tưởng trông chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong một bộ phận người dân miền núi. “Chỉ cần có thêm nguồn vốn mình sẽ mở rộng chăn nuôi, kết hợp trồng rừng để phát triển kinh tế. Công việc, chừ địa phương nói không có suất để bố trí, mình cũng không biết làm thế nào. Dù biết khó khăn, nhưng vợ chồng mình cũng hy vọng và mong muốn sớm có việc làm ổn định để cùng góp công sức phục vụ cho quê hương, dân bản” - Chưng bày tỏ.
Tìm cơ hội mưu sinh
Cũng như vợ chồng Zơrâm Chưng, trong lúc chờ đợi địa phương bố trí công việc, Bríu Thân (dân tộc Cơ Tu, ở thôn Atu 2, xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang) vay mượn nguồn vốn để mở quán tạp hóa tìm cơ hội mưu sinh. Bríu Thân nói, những lúc buồn khi nghĩ về công việc chưa thành, anh giãi bày niềm riêng tư bằng cách đi rừng hoặc kèm dạy những đứa trẻ trong làng. Gần 3 năm kể từ ngày ra trường, Thân lặng lẽ với công việc của mình và nuôi hy vọng đến ngày được nhận quyết định đi làm để phát huy khả năng chuyên môn của mình.
Hồi đó, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm tự nhiên tại Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, cũng như nhiều sinh viên cử tuyển khác ở Tây Giang, Bríu Thân nộp hồ sơ tại địa phương để mong sớm được đi dạy. Nhưng rồi chờ đợi mãi không thấy hồi âm nên đành chấp nhận ở nhà mở quầy tạp hóa nhỏ phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con dân bản. Năm ngoái, Thân mạnh dạn vay thêm hơn 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để “nâng cấp” quầy tạp hóa của mình, vì không muốn dựa vào kinh tế của gia đình vốn rất khó khăn. Hôm chúng tôi ghé thăm nhà, Thân cười hiền, nói mai mốt nếu địa phương không bố trí được việc làm anh sẽ tiếp tục vay mượn vốn để mở rộng quầy tạp hóa thành cửa hàng, coi đó là cách khởi nghiệp của bản thân. “Nói thì nói thế thôi. Trước đây, mình được cho đi ăn học đàng hoàng, tốt nghiệp đại học loại khá nên cũng muốn được đứng trên bục giảng để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Ở nhà miết như thế này cũng thấy buồn, tủi thân lắm!” - Thân chia sẻ.
Hay như trường hợp Arất Thưng ở thôn A Dinh, xã Chà Vàl (huyện Nam Giang) cũng đã tự tìm kiếm cơ hội mưu sinh bằng cách nghiên cứu ươm cây giống và trồng rừng. Arất Thưng ươm hàng nghìn cây con giống các loại lát hoa, gáo vàng, giổi xanh, sơn mộc,… cung ứng cho thị trường các xã vùng cao. Thưng cho hay, trước đây anh học chuyên ngành Tin học (Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) theo diện cử tuyển. Sau khi ra trường, do không xin được việc làm, anh đã nảy ra ý tưởng ươm giống cây lâm nghiệp để phục vụ nhu cầu trồng rừng cho đồng bào vùng cao nơi anh sinh sống. Công việc này hoàn toàn trái với chuyên môn anh được học ở trường nên lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ tính cần cù và chăm chỉ học hỏi từ sách báo, vườn ươm của anh bây giờ đã bắt đầu ổn định, phát triển tốt. Thưng chia sẻ, dù bận rộn với việc chăm sóc vườn cây giống, nhưng anh vẫn nuôi hy vọng được làm việc tại địa phương theo đúng chuyên môn đã học ở trường để đóng góp chút công sức cho quê hương miền núi của mình.
CÁC BÊN TỰ LÀM KHÓ
Trong các cuộc họp bàn về việc bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển sau ra trường, lãnh đạo các sở, ban ngành và địa phương miền núi đều trăn trở, khi bài toán này quá khó tìm ra lời giải.
Không xin được việc, nhiều năm qua Arất Thưng chọn ươm giống cây để bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. TRONG ẢNH: Arất Thưng tranh thủ thời gian vào rừng kiếm củi phụ giúp gia đình. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Theo ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, nhiều năm qua mặc dù địa phương luôn quan tâm đến công tác cử tuyển và chủ động bố trí, tiếp nhận việc làm cho sinh viên khi ra trường. Tuy nhiên, do nhu cầu việc làm chưa phù hợp, cũng như số lượng biên chế công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị của huyện còn nhiều hạn chế nên việc bố trí việc làm cho số sinh viên cử tuyển ra trường gặp rất nhiều khó khăn. Ông Sơn cho biết, giai đoạn 2007-2017 toàn huyện có 132 sinh viên cử tuyển tốt nghiệp; trong đó 50 trường hợp tốt nghiệp đại học, 29 cao đẳng và 53 trung cấp. Đến nay, địa phương đã bố trí việc làm cho 51 trường hợp (19 đại học, 10 cao đẳng và 22 trung cấp); hiện vẫn còn 79 trường hợp chưa bố trí được việc làm, trong đó có 31 đại học. Trước những khó khăn về công tác bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển, ông Sơn kiến nghị trung ương, tỉnh cần có chủ trương tiếp nhận sinh viên cử tuyển đã tốt nghiệp, nhất là đối với sinh viên ra trường ngành sư phạm và y tế, vì 2 ngành này rất cần thiết đối với địa phương.
Tại các buổi làm việc với đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội mới đây, nhiều địa phương miền núi cũng bày tỏ băn khoăn trong việc tìm hướng bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển ra trường. Bên cạnh áp lực do tinh giản biên chế, nhiều địa phương cũng nêu lên khó khăn trước tình trạng một số ngành học trước đây của sinh viên nay không còn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của địa phương. Đây cũng là bất cập trong việc thiếu tính chủ động khi xây dựng kế hoạch đào tạo của các địa phương miền núi trong thời gian qua. Đó là chưa kể, nhiều sinh viên trong quá trình đi học đã tự ý chuyển đổi ngành học khiến nhu cầu kế hoạch ban đầu của các địa phương cũng bị “hoán đổi” theo.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc cho rằng, thiếu sót trong công tác cử tuyển thời gian qua còn thể hiện ở chỗ, các địa phương đề xuất đào tạo cử tuyển một cách khá “ồ ạt” nhưng lại không cam kết với tỉnh về việc bố trí việc làm khi sinh viên ra trường. Hơn nữa, trước khi đưa đi đào tạo, tỉnh và các địa phương cũng không đưa ra cam kết với học sinh trong việc đảm bảo học đúng chuyên ngành, không tự ý chuyển đổi ngành học gây khó khăn trong vấn đề bố trí việc làm sau này.
Và thực tế hiện nay những bất cập, thiếu sót đó cũng đã được thấy rõ. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, thiết nghĩ tỉnh cũng cần có hướng giải quyết bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển, để nguồn nhân lực cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số không bị lãng phí, thui chột.
NGUY CƠ THUI CHỘT CHUYÊN MÔN
Khi cơ hội việc làm đang hẹp dần đối với các sinh viên cử tuyển, nhiều người lo ngại kiến thức chuyên môn của đội ngũ trí thức trẻ này sẽ dần bị thui chột, gây uổng phí nguồn nhân lực cho miền núi.
Chưa được bố trí công việc, nhiều sinh viên cử tuyển ngành y sau khi ra trường phải xin “học việc không lương” tại các trung tâm y tế huyện. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Lo lắng sau thời gian “học việc”
Nhiều năm qua, tại địa bàn các huyện miền núi, do không tìm được việc làm, nhiều sinh viên cử tuyển đã chấp nhận đến xin “học việc” - làm không lương - tại một số cơ quan, đơn vị. Trong số đó, rất nhiều bác sĩ trẻ sau khi ra trường có đến 4 - 5 năm “học việc” tại các trung tâm y tế của địa phương. Áp lực công việc, kèm theo khó khăn về điều kiện kinh tế gia đình khiến nhiều người không khỏi cảm thấy lo lắng.
Sau gần 2 năm “học việc” tại Trung tâm Y tế huyện Nam Giang, bác sĩ trẻ Kring Trường (dân tộc Ve, ở xã Đắc Pring, Nam Giang) chấp nhận bỏ dở công việc để tìm cơ hội khác cho mình. Kring Trường chia sẻ, không phải anh nản chí, mà bởi điều kiện kinh tế gia đình không còn đủ nguồn lực để hỗ trợ anh tiếp tục với chuyên môn. Sau khi về quê, Trường định “ở ẩn” và làm các công việc của một nông dân miền núi, nhưng nhờ sự động viên của gia đình, người thân, Trường lại tiếp tục khăn gói để… “học việc” trở lại. Lần này, anh chọn một địa phương khó khăn nhất để thực hiện tâm nguyện cứu chữa người bệnh. Sau nhiều lần đắn đo, Trường quyết định lên Nam Trà My để tìm kiếm cơ hội. May mắn, anh được chọn cử đi học khóa đào tạo chuyên môn ngắn hạn tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (Núi Thành), rồi trở về tiếp tục công việc. Theo đánh giá của lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My - nơi bác sĩ Trường đang công tác, ngoài vững về chuyên môn, Kring Trường còn rất nhiệt tình trong công việc và có triển vọng phát triển tốt trong tương lai.
“Nếu huyện bố trí được việc làm mình sẽ trở về ngay để phục vụ quê hương. Bởi đó là mong ước lớn nhất của mình kể từ khi mới bắt đầu rời làng đi học”. (Chơrưm Thương - cử nhân chuyên ngành Kinh tế lao động, dân tộc Tà Riềng, ở thôn Đắc Ch’đây, xã Đắc Tôi, Nam Giang) |
Không “dám liều” như Kring Trường, nhiều bác sĩ trẻ ở các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang,… sau nhiều năm ra trường vẫn phải chấp nhận với công việc “học việc không lương”. Bởi theo họ, bây giờ dù có đi chỗ khác cũng rất khó để tìm được cơ hội, chưa kể điều kiện kinh tế không cho phép. Một lãnh đạo của trung tâm y tế một huyện miền núi cho hay, dù đồng cảm với áp lực của các bác sĩ trẻ mới ra trường, nhưng do không có suất biên chế phù hợp nên địa phương rất khó khăn trong việc bố trí, tiếp nhận. “Tạm thời cũng phải chờ chỉ đạo và hướng giải quyết của tỉnh về bố trí, sắp sắp công việc cho sinh viên cử tuyển người dân tộc thiểu số” - vị lãnh đạo này cho biết thêm.
Xuống phố để “giữ” chuyên môn
Không như nhiều sinh viên cử tuyển khác chọn quê nhà để mưu sinh, sau thời gian ra trường, rồi chạy đôn chạy đáo để xin việc nhưng bất thành, Chơrưm Thương (dân tộc Tà Riềng, ở thôn Đắc Ch’đây, xã Đắc Tôi, Nam Giang) đã khăn gói đi xin làm công nhân tại một công ty tư nhân ở TP.Đà Nẵng. Thương cho hay, công việc của anh phụ trách liên quan đến lĩnh vực kinh tế và truyền thông, ngoài mức lương cơ bản còn được hỗ trợ thêm lợi nhuận khách hàng nên cũng tạm đủ nuôi sống bản thân. Bên cạnh không muốn tạo gánh nặng cho gia đình, Thương nói việc anh quyết định xuống phố còn nhằm mục đích để giữ chuyên môn không bị “thui chột” trước thời gian chờ việc quá dài. Trước đó, vào năm 2015 Thương tốt nghiệp cử nhân loại khá chuyên ngành Kinh tế lao động Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng.
Theo báo cáo, giai đoạn 2010-2017, toàn tỉnh có 808 sinh viên diện cử tuyển học tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước; trong đó, có 383 sinh viên đã ra trường và 194 sinh viên được bố trí việc làm tại phòng, ban các địa phương miền núi. Theo ông Lê Văn Chính - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, bên cạnh kế hoạch đào tạo, sử dụng bố trí việc làm chưa có sự đồng bộ, cũng như việc thiếu xây dựng kế hoạch tổng thể về đào tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với nhu cầu sử dụng, nguyên nhân việc chưa bố trí được việc làm cho các sinh viên cử tuyển còn vì “cấn” chủ trương tinh giản biên chế như hiện nay. |
Chơrưm Thương còn kể, trong gần 2 năm (2015 - 2016) ở nhà chờ việc, anh đã tình nguyện giúp địa phương trong việc phát động xây dựng phong trào đoàn thanh niên. Với vai trò Phó Bí thư Chi đoàn, ngoài vận động thanh niên trong thôn ra sức làm ăn, phát triển kinh tế, cũng như hạn chế việc uống rượu, gây mất đoàn kết,… Thương còn tập hợp và huy động nhiều đợt tình nguyện giúp đỡ đồng bào địa phương, nhất là trong việc hỗ trợ nhận chăm sóc, thu hoạch lúa mùa cho dân làng. Thương cho hay, sau nhiều năm chờ việc, anh bắt đầu thấy lo lắng về tình trạng thất nghiệp kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn. Vì thế, đầu năm 2017 anh quyết định rời làng để xuống phố tìm cơ hội nâng cao chuyên môn, năng lực và tự kiếm công việc cho mình, chứ không thể ngồi chờ mãi được. Dù vậy, Thương cho hay, anh cũng khá lo vì môi trường làm việc hiện nay không liên quan nhiều đến chuyên môn của mình. “Nếu huyện bố trí được việc làm mình sẽ trở về ngay để phục vụ quê hương. Bởi đó là mong ước lớn nhất của mình kể từ khi mới bắt đầu rời làng đi học” - Thương bộc bạch.
Câu chuyện của Bríu Thân cũng cho thấy nỗi lo lắng trước nguy cơ bị “lụt nghề”, cũng như “thui chột” chuyên môn đã được học ở trường của sinh viên cử tuyển sau tốt nghiệp nhưng chưa được bố trí việc làm. Và tự thân họ phải tìm mọi cách để giữ kiến thức của mình. Thân kể, hồi tổng kết đợt thực tập chuẩn bị ra trường, anh là một trong số ít giáo sinh thực tập được đơn vị tiếp nhận thực tập đánh giá có nhiều năng lực về chuyên môn lẫn kỹ năng sống. Sự chăm chỉ, ham học hỏi của Thân khiến nhiều người cảm phục và kỳ vọng anh sẽ sớm thành công trên con đường tương lai với công việc “gõ đầu trẻ”. Nhưng mọi chờ đợi và cả ước mong được đứng trên bục giảng, với Thân đang dần vời xa, khi nhiều năm qua địa phương không thể bố trí được việc làm cho sinh viên cử tuyển. “Bây giờ về quê, bên cạnh công việc buôn bán, mình còn ra sức tập hợp các bạn trẻ ở địa phương cùng hỗ trợ các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, tham gia các công việc cần thiết trong làng. Ngoài ra, trong các thời gian nghỉ hè, mình cũng nhận dạy và truyền đạt kiến thức phổ thông miễn phí cho học sinh cấp 3, giúp các em nâng cao kiến thức, cũng như tâm lý chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Đó cũng là cách mình tự rèn luyện kỹ năng và phương pháp giảng dạy, để tích lũy dần kinh nghiệm lỡ sau này được bố trí công việc” - Thân cho biết thêm.
ALĂNG NGƯỚC