Dự án hỗ trợ trung tâm nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Bình đẳng giới và gia đình Hàn Quốc xây dựng tại Quảng Nam, Thái Bình, Cần Thơ đã mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.
Các chuyên gia đến từ Hàn Quốc tư vấn kỹ năng nghề nghiệp cho phụ nữ Quảng Nam trong ngày hội việc làm.Ảnh: D.L |
Cơ hội việc làm
Chương trình đào tạo nghề chăm sóc móng do Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức thu hút 40 học viên tham gia với 100% học viên hoàn thành khóa học. Kết thúc khóa học nghề, có 27 học viên mở được cửa hàng, một số chị em còn xin được việc làm ở các cửa hàng làm đẹp cho phụ nữ tại TP.Tam Kỳ.
Nghề mây tre đan được mở cho phụ nữ xã Bình An (huyện Thăng Bình) trong khoảng 3 tháng, cũng giúp nhiều chị em nông thôn có việc làm, tăng thu nhập trong thời gian nông nhàn.
Ngoài ra, dự án còn có nhiều chương trình đào tạo nghề dành riêng cho lao động nữ như đào tạo kỹ năng marketing, tổ chức ngày hội việc làm dành cho lao động nữ. Nhiều phụ nữ được tư vấn rất nhiều kỹ năng mềm cần thiết trước khi đi xin việc, phỏng vấn xin việc, thậm chí ngay cả ngoại hình, hoàn thiện bộ hồ sơ xin việc như thế nào cũng được các chuyên gia đến từ Hàn Quốc tư vấn kỹ càng.
Tại hội nghị tổng kết dự án Hỗ trợ trung tâm nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ, bà Oh Min Ok - Phòng Hợp tác quốc tế (Bộ Bình đẳng giới và gia đình Hàn Quốc) cho rằng việc tạo ra cơ hội việc làm cho phụ nữ cần được xem là biện pháp hiệu quả thúc đẩy bình đẳng giới. Cơ hội học tập và tìm kiếm việc làm thích hợp chính là hoàn cảnh thuận lợi để phụ nữ phát huy năng lực cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Bà Oh Min Ok cũng hy vọng chính quyền tỉnh Quảng Nam sẽ tạo điều kiện tốt nhất để những mô hình đã được xây dựng vận hành tốt, cũng như sẽ được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. |
Tại Quảng Nam, thông qua Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, dự án đã đạt được nhiều thành công, và quan trọng hơn là mục tiêu góp phần thúc đẩy bình đẳng giới đã được thực hiện bước đầu. Ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết, dự án có tính lan tỏa vì mang tính cộng đồng và tính nhân đạo cao. Các chương trình đào tạo đều thuộc những ngành nghề phù hợp với phụ nữ, dễ tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm. Thành công thiết thực nhất của dự án là xóa bỏ rào cản, khó khăn trong quá trình tiếp cận với chương trình dạy và học nghề của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng nông thôn. “Thời gian tới, trung tâm sẽ tổ chức thêm các lớp dạy may công nghiệp, sửa chữa thiết bị may cho lao động nữ, giúp phụ nữ có thêm nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận với đào tạo nghề và việc làm, góp phần thúc đẩy mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực này” – ông Tưởng nói.
Chia sẻ kinh nghiệm
Dự án hỗ trợ trung tâm nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ được thực hiện ở 3 tỉnh, thành Cần Thơ, Thái Bình, Quảng Nam. Mỗi vùng, miền được chọn một tỉnh, thành để thực hiện, sau đó sẽ nhân rộng mô hình. Mục tiêu chính của dự án là nâng cao năng lực nghề nghiệp, tăng thu nhập cho phụ nữ, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới. Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.Cần Thơ cho biết: “Là “đứa con đầu lòng” của dự án, chúng tôi được hỗ trợ rất nhiều về kỹ thuật, trang thiết bị. Thụ hưởng dự án từ năm 2011 đến nay, chúng tôi có điều kiện để phát triển nhiều mặt từ cơ sở vật chất đến các kỹ năng tư vấn nghề cho phụ nữ, giúp chị em tiếp cận với vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Dự án đã tạo nên đầy đủ các chất xúc tác để chúng tôi mạnh dạn thay đổi, tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ, tác động trực tiếp việc thực hiện các chỉ tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm”. Hoạt động được đánh giá hiệu quả nhất của dự án tại Cần Thơ là tiếp cận được công nghệ tổ chức ngày hội việc làm của Hàn Quốc.
Ông Lê Văn Côn - Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Thái Bình cũng bày tỏ sự hài lòng với những thành công đã đạt được từ việc vận hành dự án. Ông cho biết: “Việc thực hiện dự án tại Thái Bình đã giúp nhiều phụ nữ có cơ hội học nghề và có việc làm ổn định. Nghề nghiệp, việc làm đối với phụ nữ đã mở ra nhiều, nhưng không phải lúc nào cũng thuận lợi nếu không có sự trợ sức từ xã hội. Chính vì thế mà bình đẳng giới trong việc làm, học nghề vẫn còn một khoảng cách cần được xóa bỏ. Phụ nữ khi được tạo điều kiện thì họ sẽ phấn đấu, học nghề và làm việc với hiệu quả rất cao”.
Theo báo cáo đánh giá định lượng đào tạo nghề cho đối tượng phụ nữ trong khu vực, Quảng Nam có 96,4% phụ nữ có nhu cầu học nghề được đào tạo nghề, trong đó 74,1% số phụ nữ sau đào tạo nghề đã có việc làm. Ông Phạm Ngọc Tiến - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Quảng Nam là tỉnh đầu tiên của miền Trung thực hiện dự án hỗ trợ nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ Việt Nam và đã đi vào chiều sâu, đạt kết quả mong đợi. Hy vọng những mô hình nâng cao năng lực đào tạo nghề cho phụ nữ đã học hỏi được từ Hàn Quốc sẽ tiếp tục được duy trì, phát triển và được xem như một biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới”.
H.LINH - H.NHÂN