Cơ hội phát triển sản phẩm bản địa vùng cao

TRẦN HỮU 25/09/2019 11:31

Từ tháng 9 này dự án Trường Sơn Xanh khởi động dự án “Cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua chuỗi giá trị mây tre đan và cây dược liệu nhằm tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Quảng Nam”.

Các sản phẩm mây tre thủ công truyền thống của người Cơ Tu trưng bày ở khách sạn Mường Thanh (Tam Kỳ). Ảnh: T.HỮU
Các sản phẩm mây tre thủ công truyền thống của người Cơ Tu trưng bày ở khách sạn Mường Thanh (Tam Kỳ). Ảnh: T.HỮU

Cuộc hội thảo khởi động tiểu dự án được thực hiện bởi Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VietCraft), dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển quốc tế (USAID) tài trợ. Tiểu dự án “Cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua chuỗi giá trị mây tre đan và cây dược liệu nhằm tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Quảng Nam” sẽ thực hiện trong một năm (9.2019 - 9.2020), các địa phương được hưởng lợi gồm Đông Giang, Núi Thành, Tây Giang, Nam Giang và Phước Sơn.

Phát triển lâm sản ngoài gỗ

Tại sao dự án Trường Sơn Xanh chọn các hoạt động đầu tư, hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị mây tre đan và cây dược liệu ở Quảng Nam? Việc khởi động tiểu dự án mở ra cơ hội gì mới cho đồng bào dân tộc thiểu số? Trả lời các băn khoăn trên, ông Đỗ Đăng Tèo - Phó Giám đốc dự án Trường Sơn Xanh cho rằng, thời gian qua dự án Trường Sơn Xanh đã giúp nhiều địa phương trong tỉnh tiếp cận được phương án quản lý rừng hiện đại để bảo tồn đa dạng sinh học. Qua đó người dân được hưởng lợi sinh kế, góp phần nâng cao chất lượng đời sống. Miền núi đầy khát vọng với các mô hình trồng cây dưới tán rừng tự nhiên. Trong đó, đồ thủ công mây tre đan và cây dược liệu không chỉ được ưa chuộng tại thị trường trong nước mà có tiềm năng lớn vươn ra thế giới.

Ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phân tích, thời gian qua miền núi ngoài chật vật với xây dựng vùng nguyên liệu, còn gặp trở lực trong khâu thu mua, chế biến và liên kết với thị trường tiêu thụ. Tuy sản phẩm bản địa làm ra khá đa dạng, công phu song cách tiếp cận quảng bá để sản phẩm tiêu thụ mạnh trên thị trường còn khá hạn chế. Mặc dù Nhà nước cả cấp trung ương lẫn địa phương ban hành nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, vùng khó khăn nhưng số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã - vốn được xem là “bà đỡ” cho nông dân lên khu vực này đầu tư vẫn rất ít ỏi. “Mục tiêu cụ thể của dự án là mang lại nhiều cơ hội việc làm, cải thiện đời sống, thu nhập cho người dân thông qua việc giúp họ tạo ra sản phẩm địa phương độc đáo, hấp dẫn rồi tiến tới mục tiêu cao nhất là bảo tồn đa dạng sinh học cho rừng Quảng Nam. Đồng thời giảm phát thải trong quá trình sản xuất thông qua chuỗi giá trị mây tre và cây dược liệu. Người dân là đối tượng trực tiếp được hưởng lợi, họ hoàn toàn quyết định làm sản phẩm gì, dự án chỉ hướng dẫn cách để tạo ra sản phẩm có mẫu mã đẹp, thị trường ưa chuộng” - ông Ngọc nói.

Người dân đợi gì?

Hỗ trợ 57 tỷ đồng cho sinh kế bền vững

Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam và dự án Trường Sơn Xanh sẽ phối hợp hỗ trợ đồng bào vùng cao trồng mới 100ha mây, bảo vệ khai thác bền vững 50ha mây dưới tán rừng tự nhiên, truy xuất nguồn gốc gỗ, phát triển vùng dược liệu, nghề mây tre đan đát tại địa phương... Tổng kinh phí thực hiện dự án 57 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là từ 9.2019 - 9.2020, các huyện đuuợc hưởng lợi gồm Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Núi Thành và Phước Sơn.

Tại huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang  gần như 100% đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu sống phụ thuộc vào rừng. “Vương quốc mây tre” tự nhiên ngày càng bị khai thác cạn kiệt, trong khi đó nghề thủ công đan lát, dệt chỉ phục vụ tự cung tự cấp là chính. Bù lại, các mô hình trồng dược liệu, kèm theo sản phẩm chế biến từ dược liệu đã giúp đồng bào từng bước giảm nghèo. Ông Bíu Thiện (dân tộc Cơ Tu) ở thôn Bhơ Hôồng xã Sông Kôn (Đông Giang) phấn khởi nói: “Khi nghe dự án hỗ trợ đồng bào làm du lịch cộng đồng, gia công từ mây tre, dự án cử cán bộ đến tận nơi cầm tay hướng dẫn kỹ thuật làm sản phẩm, cả nhà mình vui lắm. Xưa nay, thanh niên trong độ tuổi lao động học nghề về quê không thể phục vụ được vì không phù hợp, nhưng nay nghe dự án bảo mọi lứa tuổi đều có thể tự tay làm được sản phẩm”.

Đại diện Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam “thuyết trình” nhiều mục tiêu của dự án mà đơn vị đeo đuổi. Nhưng đích cuối của dự án nằm ở chỗ giảm thiểu tối đa phát thải cho các nhà sản xuất. Ông Lê Bá Ngọc cho biết, đơn vị sẽ thuê chuyên gia thiết kế phát triển 64 bộ sản phẩm mây tre lá mới; tập huấn về thiết kế bền vững cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sản phẩm làm ra sẽ được bán ngay tại chỗ cho khách du lịch ở Sông Kôn (huyện Đông Giang) và vùng phụ cận. Miền núi hội đủ các yếu tố để phát triển du lịch, dược liệu, kết hợp với khôi phục nghề đan mây tre thủ công. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất có lẽ là thiếu đầu tư đồng bộ hạ tầng điện - đường…  Mặt khác tư liệu sản xuất chính của đồng bào dân tộc thiểu số là đất đai lại đang gặp vướng mắc về tính pháp lý, bởi phần lớn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, sản phẩm dược liệu, lâm sản ngoài gỗ làm ra muốn vươn ra thị trường hàng hóa phải đảm bảo nguyên tắc rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ. Đồng bào Cơ Tu đề xuất, chính quyền cần sớm giải quyết thủ tục hồ sơ đất đai cho họ, bởi có như vậy doanh nghiệp, hay hợp tác xã mới hợp tác làm ăn lâu dài với người dân. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - ông Lê Hoàng Linh khẳng định, băn khoăn của bà con, chính quyền có thể tháo gỡ được. Điều cần thiết là phải tổ chức lại phương thức sản xuất thông qua các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác. Tại thôn A Tép (xã Bha Lê), trước đây địa phương đã cấp gần 200ha đất cho người dân trồng dược liệu, phát triển dự án. Tại huyện Tây Giang, dự án Trường Sơn Xanh chọn các xã Lăng, A Tiêng, A Xan, Ch’Ơm, Ga Ry để triển khai phát triển chuỗi giá trị mây tre lá và dược liệu. “Trong điều kiện chúng ta chưa tìm ra nguồn nguyên liệu thay thế tốt hơn, việc chọn chuỗi giá trị mây tre đan và phát triển dược liệu được xem như biện pháp đảm bảo sinh kế và bảo vệ môi trường bền vững hiện nay” - ông Linh nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội phát triển sản phẩm bản địa vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO