Từ một tổ hợp tác chuyên canh rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, đến nay Tổ hợp tác rau sạch Mỹ Hưng đã trở thành một hợp tác xã (HTX) với vùng chuyên canh rộng lớn, đầu mối tiêu thụ phong phú.
Cửa hàng rau sạch của HTX Mỹ Hưng tại TP.Tam Kỳ thu hút được người tiêu dùng. Ảnh: N.D |
Với sự trợ giúp từ Dự án “Phát triển kinh tế địa phương nhờ phát triển sản phẩm mới, xây dựng thương hiệu và phân phối sản phẩm nông nghiệp hàng thủ công mỹ nghệ lấy trọng tâm là trạm dừng nghỉ đường bộ” do tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ, làng rau Bình Triều (huyện Thăng Bình) đã có bước đột phá lớn. Từ một vùng chuyên trồng rau, đã chuyển sang mô hình tổ hợp tác, và hiện tại là một HTX hoạt động có hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế cho mỗi thành viên, mở ra hướng đi mới cho nhiều hộ nông dân trồng rau.
Phát triển mô hình HTX HTX rau sạch Mỹ Hưng không phải là trường hợp duy nhất nhận được sự hỗ trợ từ tổ chức JICA. Dự án còn triển khai phát triển ở nhiều địa phương khác nhau, xúc tiến thành lập những mô hình tổ hợp tác, HTX có triển vọng để phát triển. Như Tổ hợp tác chế biến bánh tráng Hương Huệ đã được tổ chức JICA tài trợ xây lắp nhà máy sấy bánh tráng với công suất 400kg gạo/ngày, giúp người dân nâng cao hơn nữa năng suất lao động. Hay ở Tiên Phước, tổ chức JICA cũng đang có ý định triển khai một mô hình chuyên kinh doanh những mặt hàng mang tính truyền thống, đặc trưng như tiêu, dó trầm… Ông Kato Fumio - Trưởng ban Dự án JICA cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng các bạn chưa tận dụng, khai thác được hết những tiềm năng của những mặt hàng truyền thống của mình. Như cây dó trầm ở Tiên Phước, không chỉ cứng nhắc là chỉ chuyên sản xuất trầm mà chúng tôi muốn mở rộng ra, sản xuất những sản phẩm từ cây dó trầm như dây chuyền, vòng đeo tay… Như vậy du khách sẽ dễ mua hơn, qua đó biết đến thương hiệu của địa phương”. Với những kết quả thiết thực đã đạt được thông qua các hợp phần của dự án, tổ chức JICA đã được chính quyền địa phương đánh giá cao. Trong một buổi làm việc với các chuyên gia của dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu ghi nhận những đóng góp thiết thực mà tổ chức đã mang lại cho địa phương. Đồng thời cũng mong muốn rằng, tổ chức sẽ tiếp tục hỗ trợ để phát triển một cách bền vững những gì đã xây dựng được. Về phía chính quyền địa phương sẽ cố gắng tạo điều kiện để có thể cùng phát triển nền kinh tế của nông thôn trong thời gian tới. |
Dự án của tổ chức JICA đã được triển khai từ năm 2006 với các hợp phần khác nhau, trong đó chú trọng đến việc phát triển, xây dựng các chuỗi cửa hàng, nhà máy sấy, vùng chuyên canh để phát triển, lấy trọng tâm là Trạm dừng nghỉ đường bộ Bình An. Qua đó, các chuyên gia Nhật Bản đã trực tiếp sang hướng dẫn, cung cấp kiến thức và kiểm tra tình hình thực hiện dự án, đồng thời truyền thụ những kinh nghiệm kinh doanh mà họ đúc kết được từ thực tiễn của thành phố Minamiboso (Nhật Bản) để áp dụng cho Quảng Nam. Đến nay, dự án đã chuyển sang giai đoạn thứ 3, là giai đoạn tập huấn về bán hàng, chiến lược kinh doanh, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm, đào tạo về quảng bá thông tin, quản lý bán hàng… “Nhờ nguồn vốn cũng như sự tận tình hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản trong việc xây dựng nhà máy sấy, chế biến cùng các phương án kinh doanh, tiếp thị sản phẩm… cho mỗi thành viên của HTX rau sạch Mỹ Hưng nên chúng tôi đã nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình khi tiến hành xây dựng mô hình. Đây cũng là cơ hội lớn cho những người nông dân trồng rau có thể cải thiện đời sống kinh tế…” - ông Trịnh Tấn Ưu, Giám đốc HTX Mỹ Hưng cho biết.
Lợi thế lớn của HTX rau sạch Mỹ Hưng là đảm bảo được nguồn tiêu thụ ổn định, mở rộng ra toàn địa phương và các tỉnh thành lân cận. Đây vốn là mấu chốt mà bấy lâu nay người nông dân đang thiếu. “Trước đây, người dân chỉ có trồng rau theo tự phát, lúc được lúc mất, lại bị tư thương ép giá nên thu nhập chẳng được bao nhiêu. Chính vì vậy, đã có nhiều người bỏ nghề, không trồng rau nữa mà chuyển sang ngành nghề khác. Nay, với sự trợ giúp từ chính quyền địa phương cũng như dự án của tổ chức JICA, chúng tôi đang có cơ hội để phát triển một vùng chuyên canh rau sạch lớn tại địa phương. Với các đầu mối tiêu thụ ổn định như Công ty Việt Thiên Ngân (Đà Nẵng), Co.opMart Tam Kỳ, một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, doanh thu của HTX đang có bước chuyển biến rõ rệt, mỗi thành viên của HTX đều rất phấn khởi…” - bà Lê Thị Sinh, Phó Giám đốc HTX Mỹ Hưng nói.
Ngoài việc tổ chức tập huấn, đào tạo những kỹ năng kinh doanh, chiến lược phát triển…, dự án còn tài trợ để những thành viên trong HTX được đi tham quan nhiều nơi, qua đó học tập được những kinh nghiệm từ thực tiễn và có kiến thức về sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
NGUYỄN DƯƠNG