Bộ trưởng Tài chính 21 nền kinh tế thành viên APEC chính thức ra tuyên bố về việc đa dạng hóa nguồn lực với sự tham gia của tư nhân trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cộng với tiến trình sửa đổi các nghị định về đầu tư PPP của Chính phủ Việt Nam sẽ là cơ hội lớn để thu hút loại hình đầu tư này vào phát triển địa phương cũng như trên bình diện quốc gia.
Cảng cá âu thuyền Hồng Triều (Duy Xuyên) là dự án được ưu tiên kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP tại Quảng Nam. Ảnh: T.D |
Hạ tầng chưa mạnh vì thiếu nguồn lực
Cầu Cửa Đại thông con đường 129 kết nối hai đầu nam - bắc ven biển Quảng Nam, mở cánh cửa đầu tư vùng đông nam và cầu Giao Thủy nối liền Đà Nẵng đến các vùng kinh tế phía tây. Đây là hai hình ảnh dễ thấy nhất về sự thay đổi khi hạ tầng giao thông được kết nối. Tuy nhiên, theo nhận định của Sở KH&ĐT, kết cấu hạ tầng hiện tại vẫn chưa thể đáp ứng tốt yêu cầu phát triển dù nguồn vốn đầu tư trong 5 năm gần đây đã đạt gần 77 nghìn tỷ đồng, nhưng chỉ có thể đáp ứng 25 - 35% nhu cầu. Tỷ trọng đầu tư của Nhà nước vẫn chiếm đến gần 55%. Khá nhiều công trình trọng điểm thiếu vốn. Theo ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kế hoạch đầu tư trung hạn chủ yếu dành cho các dự án chuyển tiếp và hoàn thành giai đoạn 2016 - 2020 và bố trí thanh toán nợ đọng. Mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát dừng dự án, cắt giảm quy mô, giãn, hoãn tiến độ một số dự án chưa thật sự cần thiết, nhưng khả năng cân đối vẫn không đủ vì ngân sách hạn hẹp.
Ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay sau đầu tư hai cây cầu bắc qua sông Thu Bồn là Giao Thủy và Cửa Đại và một vài tuyến nối đường 129 lên quốc lộ 1 thì đầu tư hạ tầng Quảng Nam vẫn chưa có gì đáng kể. Dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2017 sẽ vào khoảng 25.000 tỷ đồng. Song, kế hoạch nguồn vốn trung ương giao kế hoạch trung hạn cho giai đoạn 2016 - 2020 giảm sâu so với các thông báo. Riêng Chương trình mục tiêu ngân sách trung ương giảm đến 3.211 tỷ đồng, chỉ còn 52% so với kế hoạch. Thu ngân sách cũng đang gặp nhiều khó khăn, dẫn đến các nguồn đầu tư quan trọng của Quảng Nam là tăng thu, vượt thu ngân sách dự kiến giai đoạn 2018 - 2020 khó đảm bảo cân đối như kế hoạch năm 2016 và 2017 đã bố trí. Trong khi đó, Quảng Nam phải cần đến 130 - 135.000 tỷ đồng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90% cơ cấu kinh tế và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10 - 10,5%/năm cho đến năm 2020. Con số này chưa biết tính toán thế nào để có thể đáp ứng đủ cho nhu cầu đầu tư.
Những con số thống kê trên cho thấy Quảng Nam đang thật sự thiếu hụt nguồn tài chính để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Sự thiếu hụt của hệ thống cơ sở hạ tầng (kinh tế và xã hội) luôn được nêu ra tại các diễn đàn, hội nghị xúc tiến đầu tư. Nhiều nhà đầu tư tiềm năng coi việc thiếu hụt hạ tầng và cơ sở hậu cần đe dọa các dự án nước ngoài đầu tư vào xuất khẩu và sản xuất công nghiệp. Đó là lý do cũng là sức ép lớn của khối doanh nghiệp này khi thương thảo với chính quyền, trước khi quyết định đặt dự án hay mở rộng đầu tư. Trong một cuộc xúc tiến đầu tư với Thương hội Đài Loan hồi đầu năm 2017, nhiều doanh nghiệp cho rằng mối quan tâm lớn nhất của họ là hệ thống giao thông, điện, nước và vận tải, y tế, xã hội… có đủ để đáp ứng các nhà đầu tư hay không?
Đón chờ cơ hội
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, những dự án BT xây dựng các trục đường giao thông đô thị Điện Nam - Điện Ngọc, đường dẫn cầu Cửa Đại hay cấp nước Phú Ninh chỉ là những dự án khơi mào cho dòng chảy đầu tư loại hình này vào Quảng Nam. Địa phương kêu gọi hình thức đầu tư này trên rất nhiều lĩnh vực. Hiện Quảng Nam đã đưa ra 41 dự án về giao thông, hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục, môi trường, văn hóa, thể thao… để kêu gọi đầu tư PPP đến năm 2020 với tổng vốn đầu tư khoảng gần 6 nghìn tỷ đồng. |
Không thể trông chờ vào nguồn lực ngân sách hạn hẹp, Quảng Nam đã bắt đầu nghiên cứu hình thức đầu tư công - tư (PPP) nhưng đã gặp khá nhiều cản ngại, nên đã quyết định mở một diễn đàn đối thoại chính sách, tháo gỡ khó khăn để thu hút nguồn vốn này. Ông Lê Trí Thanh nói chưa thể gỡ hết khó khăn cho các dự án đầu tư PPP khi chỉ thông qua một diễn đàn. Nhưng thông qua cuộc đối thoại này với sự cam kết của các bộ, ngành trung ương về việc sẽ đơn giản hơn thủ tục lựa chọn nhà thầu, mở rộng hình thức thanh toán hay tính toán đến chuyện hài hòa lợi ích, rủi ro của Nhà nước và nhà đầu tư, có nghĩa là những vướng mắc của hình thức đầu tư này đã được nhìn thấy. Cơ hội cho việc thu hút các dự án PPP thêm rộng mở.
Không chỉ Quảng Nam hay trên bình diện quốc gia, các nền kinh tế thành viên APEC cũng đang gặp khó khăn về việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Một trong những hình thức được lựa chọn là kêu gọi khối tư nhân tham dự đầu tư cùng ngân sách nhà nước. Kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC ngày 21.10 tại Hội An, các bộ trưởng đã đưa ra tuyên bố chung về việc đa dạng hóa các nguồn lực tài chính và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư cơ sở hạ tầng trong các nền kinh tế APEC. Theo Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng, thông qua việc sử dụng cơ chế “tài trợ hỗn hợp” - sử dụng nguồn tài chính công kết hợp với huy động thêm các nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân - Chính phủ có thể giảm rủi ro và gia tăng nguồn đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng. Điều quan trọng là phải xây dựng một cơ chế phù hợp về việc thiết lập khuôn khổ thể chế rõ ràng, hợp pháp, có thể dự đoán được với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng có đủ năng lực, xác định các lựa chọn về PPP trên cơ sở giá trị tiền tệ và áp dụng quy trình ngân sách minh bạch để giảm thiểu rủi ro cho các dự án khả thi.
Chính từ sự kết nối thị trường tài chính năng động, những cam kết thu hút PPP trên bình diện quốc gia và thông qua những cuộc đối thoại giữa các địa phương và cam kết thay đổi chính sách PPP, đã mở ra cơ hội để các địa phương có thể nhanh chóng thu hút loại hình đầu tư này trong tương lai gần.
TRỊNH DŨNG