Cơ hội thưởng thức văn học châu Âu

Quốc Hưng 18/05/2013 13:46

Trong hai ngày 17 và 18.5, Hiệp hội Các viện văn hóa cùng các Đại sứ quán châu Âu tổ chức Những ngày văn học châu Âu tại Việt Nam lần thứ 3, giới thiệu đến độc giả Việt Nam những tác phẩm kinh điển và đương đại.

Như những lần trước, trọng tâm của chương trình giới thiệu  văn học châu Âu lần này là những tác phẩm dành cho trẻ em và các độc giả trẻ tuổi. Pháp giới thiệu một trong những tác phẩm kinh điển bán chạy nhất hành tinh “Le Petit Prince” (Hoàng tử bé) của nhà văn Antoine de Saint Exupéry cùng với một loạt sách khoa học dành cho độc giả trẻ về đề tài nguồn gốc loài người và vũ trụ, tôn giáo, triết học… Đan Mạch giới thiệu một loạt truyện vui của tác giả Sally Altschuler với minh họa của Tove Krebs Lange dành cho trẻ em.

Nhà văn trẻ xuất sắc của nước Anh,  Evie Wyld.
Nhà văn trẻ xuất sắc của nước Anh, Evie Wyld.

Trong khi đó, Thụy Sĩ giới thiệu cuốn “Wilhelm Tell, xạ thủ huyền thoại” đã dịch nhiều thứ tiếng và được độc giả trẻ tuổi khắp thế giới tìm đọc. Đây là câu chuyện nổi tiếng về người anh hùng của mình theo cách hoàn toàn mới của nhà văn Jürg Schubiger chuyên viết sách cho thiếu nhi. Bằng lối viết hóm hỉnh trong một góc nhìn nhân hậu, các tác phẩm của ông đề cập  những vấn đề nhạy cảm của xã hội hiện đại đối với trẻ em, dưới lăng kính ngây thơ, trong sáng của trẻ em. Tiểu thuyết này được dịch giả Tạ Quang Hiệp chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Đức. Đó là những lời kể của ông nội cho cháu nghe về thần xạ Wilhelm Tell – một anh hùng dân tộc của Thụy Sĩ. Chân dung thần xạ Wilhelm Tell còn được khắc họa qua những tưởng tượng của cậu bé vô cùng sống động và chi tiết. Cuốn sách cũng phác họa bức tranh xã hội hồi đầu thế kỷ XIV tại Thụy Sĩ, khi có những kẻ bạo ngược cầm quyền. Tên tổng trấn Gessler tàn bạo đã đẩy Wilhelm Tell vào bước đường cùng, buộc anh phải vùng lên để bảo vệ quyền sống của mình cũng như bảo vệ gia đình. Với tâm niệm “người nào giết chết con sói là bảo vệ bầy gia súc nhà hàng xóm”, Tell đã giết chết tên bạo chúa, mở đầu cho cuộc đấu tranh giành độc lập của Thụy Sĩ đầu thế kỷ XIV.

“Cô gái không là gì”, cuốn sách dày 450 trang của nhà văn Ba Lan Tomek Tryzna (qua bản dịch của Lê Bá Thự) cũng hé lộ những bí ẩn tuổi 15. Có thể nói, “Cô gái không là gì” là lời cảnh báo, là bài học đạo đức đắt giá cho tuổi học trò. Bức thông điệp mà tiểu thuyết muốn gửi tới các bạn trẻ rằng, tuổi 15 đẹp như trăng rằm, nhiều đam mê, lắm mộng mơ nhưng cũng đầy cạm bẫy, dễ tin và dễ vỡ, và xin các bạn trẻ đừng tự đánh mất mình…

Thú vị hơn nữa, độc giả Việt Nam có dịp gặp gỡ các nhà văn châu Âu và thưởng thức trình diễn sân khấu bằng tiếng Pháp, nghe đọc sách và trao đổi văn học. Ngài Đại sứ Ý Lorenzo Angeloni (đồng thời là nhà văn) sẽ phát biểu khai mạc, giới thiệu về văn học Ý với 2 tiểu thuyết giả tưởng của Italo Calvino. Bên cạnh đó, lần đầu tiên đến Việt Nam, nhà văn Evie Wyld 33 tuổi, một trong những tiểu thuyết gia trẻ xuất sắc nhất của nước Anh năm 2013, có những buổi nói chuyện về văn học đương đại Anh và giới thiệu tác phẩm của mình với sinh viên các trường đại học tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Từ tiểu thuyết đầu tay “After the Fire, A Still Small Voice”, tên tuổi Evie Wyld mau chóng được biết đến và được trao nhiều giải thưởng văn học. Cuốn sách này nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của giới phê bình, được ngợi ca “có thể sánh vai với những nhà văn đương đại xuất sắc, với kỹ thuật tuyệt vời và giọng văn vô cùng sắc sảo”.

Quốc Hưng

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội thưởng thức văn học châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO