Dự án “Cải thiện sinh kế cho nông dân bằng cách áp dụng phương pháp trồng cây dược liệu và phát triển thị trường tại huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam” do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh, Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) phối hợp với huyện Phú Ninh triển khai được xem là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp nông dân cải thiện sinh kế.
Cây cải thiện sinh kế
Dự án “Cải thiện sinh kế cho nông dân bằng cách áp dụng phương pháp trồng cây dược liệu và phát triển thị trường tại huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam” vừa được khởi động có tổng kinh phí đầu tư 200.570 euro. Dự án được triển khai trong vòng 36 tháng, trên địa bàn 6 thôn của 2 xã Tam Đại và Tam Lộc, trong đó nguồn hỗ trợ từ Tổ chức Manos Unidas là 170.000 euro, nguồn đối ứng từ địa phương là 30.570 euro. Đây là dự án triển khai đầu tiên tại khu vực miền Trung, hướng tới đối tượng nông dân nghèo và cận nghèo, có đất gò đồi với 794 hộ được hưởng lợi. Trải qua nhiều khâu khảo sát về điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, địa điểm phù hợp để trồng cây dược liệu, đối tượng cây dược liệu phù hợp với nhu cầu thị trường và thổ nhưỡng, đến nay, Trung tâm SRD đã phối hợp với các bên thành lập hai tổ hợp tác sản xuất trên địa bàn 2 xã, thảo hợp đồng về cung ứng giống, liên kết thu mua giữa công ty với nông dân, tập huấn cho nông dân tìm hiểu, phân tích thị trường, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Ngoài ra, người dân vùng dự án cũng đã được tập huấn về kỹ thuật trồng, thu hoạch, bảo quản hai loại cây dược liệu cà gai leo và nghệ đỏ.
Mô hình trồng cây dược liệu xen cây tiêu của anh Nguyễn Cao Thiên, xã Phước Thành. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Theo bà Vũ Thị Bích Hợp - Giám đốc Trung tâm SRD, đây là mô hình quản lý và phát triển cây dược liệu theo hướng nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao năng lực sinh kế cho người dân theo hướng bảo tồn hệ sinh thái với sự liên kết giữa 4 nhà. Theo đó, Công ty CP Dược liệu Quảng Nam sẽ cung ứng giống, vật tư, kỹ thuật trồng và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Về phía người dân, hai tổ hợp tác trồng cây dược liệu cần phải có sự tổ chức sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, theo đúng hợp đồng được ký kết. Khi đã có sản phẩm ổn định sẽ mở rộng thu hút doanh nghiệp cùng đầu tư liên kết phát triển vùng dược liệu. Dự án cũng trang bị cho người dân cách thức phân tích đánh giá thị trường, quảng bá sản phẩm, nghĩa là người dân cũng phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, chứ không chỉ trông chờ, ỷ lại vào doanh nghiệp.
Mô hình trồng cây cà gai leo xen với cây tiêu của hộ anh Nguyễn Cao Thiên có tổng diện tích 4ha đã chuẩn bị xuống giống. Còn mô hình trồng cây nghệ đỏ ở xã Tam Thành bước đầu đã giúp vài chục hộ dân cải thiện đời sống. Bình quân thu nhập từ mỗi sào trồng nghệ cao gấp 8 - 9 lần so với trồng cây lúa, mỗi héc ta cho thu hoạch 14 - 19 tấn nghệ, cho thu nhập hơn 150 triệu đồng. |
Ông Lê Thanh Bình - Tổ trưởng tổ hợp tác trồng cà gai leo (xã Tam Đại) cho biết: “Nhiều người mong muốn được dự án hỗ trợ song bước đầu chỉ lựa chọn khoảng 20 hộ có điều kiện triển khai mô hình thí điểm trên diện tích 1ha. Ưu thế của 3 thôn triển khai dự án của xã Tam Đại là địa hình phần lớn đất vườn đồi, phù hợp với cây cà gai leo. Cây trồng tới năm thứ ba thì có hàm lượng tinh chất đạt mức cao nhất tập trung ở phần gốc, trong khi hai năm đầu chủ yếu khai thác phần ngọn và thân. Song để cây cà gai leo thực sự giúp nông dân cải thiện sinh kế, bên thu mua cần sâu sát với thị trường để giá cả có phần ổn định, tạo điều kiện cho người dân hưởng lợi, tin tưởng. Về phía nông dân cũng phải tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ nhà đầu tư”.
Hướng đi mới
Như một số xã khác ở Phú Ninh, Tam Lộc lâu nay cũng loay hoay trong việc lựa chọn đối tượng cây trồng mới. Dự án nếu thành công sẽ tạo nên vùng dược liệu ổn định, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân nơi đây. Ông Phan Văn Tín - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lộc chia sẻ: “Có thể thấy, không chỉ với cây cà gai leo mà cả cây nghệ đỏ cũng rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng. Nếu việc sản xuất, bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp diễn ra thuận lợi, đặc biệt là được sự hỗ trợ từ cơ chế khuyến khích của nhà nước, vùng trồng nghệ đỏ sẽ được mở rộng, nông dân sẽ có cơ hội cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống”.
Ông Võ Thanh Anh - Trưởng phòng NN&PTNT Phú Ninh cho biết, chủ trương của huyện là phát triển cây dược liệu trên đất gò đồi. Nghị quyết 18 của HĐND huyện nêu rõ mức hỗ trợ cụ thể đối với nhiều mô hình phát triển sản xuất, trong đó có cây dược liệu thuộc danh mục kèm theo của Bộ Y tế. Đối với hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn trồng cây dược liệu từ 0,5ha trở lên theo quy hoạch được duyệt sẽ được hỗ trợ sau đầu tư với mức hỗ trợ là một phần chi phí trồng cây dược liệu. Ngoài mức hỗ trợ 25 triệu đồng/ha, tập thể, cá nhân còn được hỗ trợ lãi suất tiền vay vốn phát triển sản xuất với mức ưu đãi. “Dự án này đúng với chủ trương cũng như địa điểm trồng cây dược liệu của huyện. Phú Ninh cũng đã có hai mô hình trồng cây cà gai leo xen với cây tiêu theo hướng liên kết với doanh nghiệp ở Tam Phước (đang triển khai); mô hình trồng cây nghệ đỏ ở Tam Thành có đầu ra khá tốt. Cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển cây dược liệu của huyện, của tỉnh đã có, cứ bám vào đó mà làm” - ông Võ Thanh Anh nói.
Theo ông Trần Hưng Thành - Giám đốc Công ty CP Dược liệu Quảng Nam, thời gian qua, công ty triển khai ký kết hợp đồng sản xuất cây cà gai leo ở Thăng Bình với 10ha. Việc thu mua có thời điểm khó khăn do một phần nhỏ người dân không đảm bảo quy trình sản xuất, còn để lẫn lộn nhiều loại cây với cây cà gai leo… Công ty cũng cạnh tranh khốc liệt về giá cả với thương lái ngoài thị trường, song người dân cũng nhận thức, tuân thủ theo hợp đồng, không bán cho thương lái. “Mong người dân cứ yên tâm sản xuất vì đầu vào, đầu ra đã có công ty bao tiêu rồi. Chỉ mong người dân làm theo đúng cam kết, đúng theo quy trình kỹ thuật của công ty, tuyệt đối không bón phân hóa học, phun thuốc trừ sâu” - ông Thành nói.
HOÀNG LIÊN