Cơ hội từ ngành may mặc

DIỄM LỆ 27/01/2017 14:32

(Xuân Đinh Dậu) - Những năm gần đây, doanh nghiệp may mặc liên tục được thành lập, đưa vào hoạt động. Đây được xem là ngành công nghiệp giải quyết số lượng lớn lao động và tạo nên sản phẩm xuất khẩu của tỉnh.

Với “thông điệp” giúp người lao động (LĐ) ly nông không ly hương, Công ty TNHH Dệt may thương mại Tấn Minh từ TP.Hồ Chí Minh đã về đầu tư tại Quảng Nam từ năm 2007. Tấn Minh đã đưa chuỗi xí nghiệp may Ánh Sáng đến với các vùng quê Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn để nhà máy gần LĐ hơn. Sau gần 10 năm, Tấn Minh đã xây dựng và đưa vào hoạt động ổn định chuỗi 6 xí nghiệp may Ánh Sáng, giải quyết việc làm cho hơn 1.500 LĐ với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Kỷ niệm tròn 10 năm đầu tư vào Quảng Nam, Tấn Minh đang xúc tiến xây dựng xí nghiệp may Ánh Sáng 7, giải quyết thêm việc làm cho khoảng 500 LĐ.

Chuỗi xí nghiệp may Ánh Sáng được đưa về gần người lao động hơn.Ảnh: D.LỆ
Chuỗi xí nghiệp may Ánh Sáng được đưa về gần người lao động hơn.Ảnh: D.LỆ

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Tấn Minh tại Quảng Nam đã đạt 6 triệu USD, mục tiêu năm 2017 sẽ đạt 8 triệu USD. Ông Trương Đức Thịnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dệt may thương mại Tấn Minh cho biết: “Đầu tư về Quảng Nam là một quyết định đúng đắn của tổng công ty, khi sự phát triển của doanh nghiệp hài hòa cùng lợi ích của người LĐ. Có đơn hàng ổn định nhờ sự tin tưởng của đối tác đã giúp doanh nghiệp luôn có kế hoạch sản xuất ổn định trong giai đoạn dài. May mặc đang là ngành có nhiều cơ hội, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức hội nhập cũng như cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn. Muốn tồn tại vững bền và phát triển hiệu quả, chúng tôi xác định ưu tiên hàng đầu là chất lượng sản phẩm bởi thị trường của công ty khá khó tính, gồm Mỹ, Nhật Bản, một số nước trong khối EU. Công ty tập trung cải tiến công nghệ liên tục qua hệ thống sản xuất hiện đại và tinh gọn theo công nghệ cao của Nhật Bản; nâng cao chất lượng tay nghề của công nhân LĐ để cải thiện năng suất, đích đến là tăng thu nhập cho người LĐ”.

Gần đây, Khu công nghiệp Tam Thăng đi vào hoạt động đã có 5 dự án thuộc ngành dệt may và nguyên phụ liệu ngành dệt may đã được cấp phép đầu tư. Trong đó, nhà máy dệt may Panko Tam Thăng đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm đến thời điểm tháng 11.2016 hơn 3.000 người. Theo kế hoạch, Panko sẽ đầu tư hệ thống nhà máy sản xuất với quy trình khép kín từ khâu dệt - nhuộm - may thành phẩm, với tổng vốn 70 triệu USD, diện tích sử dụng 33,5ha; dự kiến công suất sản phẩm dệt đạt 24 nghìn tấn/năm; sản phẩm nhuộm 24 nghìn tấn/năm; sản phẩm may 75 triệu sản phẩm/năm và phụ liệu 30 triệu sản phẩm/năm; sử dụng hơn 15 nghìn LĐ. Bổ sung các dự án thuộc Khu công nghiệp Tam Thăng vào danh sách, ngành công nghiệp dệt may của tỉnh càng khẳng định chỗ đứng trong nền công nghiệp Quảng Nam.

Theo số liệu từ Sở Công Thương, tính đến tháng 6.2016, 12/18 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh có 97 doanh nghiệp ngành may mặc đóng chân, giải quyết việc làm cho hơn 32 nghìn LĐ của tỉnh. May mặc đang là ngành có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2016, ước đạt 214,148 triệu USD (chiếm 34,92% tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến của tỉnh năm 2016 là 613,2 triệu USD). Kim ngạch nhập khẩu năm 2016 đối với nguyên phụ liệu dệt may, da giày ước đạt 216,442 triệu USD. Thời cơ của ngành may mặc trước xu thế hội nhập cũng là cơ hội cho nông dân của nhiều vùng quê xứ Quảng trở thành công nhân trong các nhà máy.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội từ ngành may mặc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO