Cơ hội việc làm cho lao động miền núi

ĐĂNG NGUYÊN - NHẬT LINH 14/05/2023 08:22

Sau những nỗ lực của chính quyền và doanh nghiệp, hàng trăm thanh niên miền núi đã được đưa đi làm việc tại Lào và một số nước Đông Nam Á.

>> Con đường việc làm hiệu quả từ xuất khẩu lao động: Sự lựa chọn đúng từ đầu

Thanh niên miền núi đăng ký tuyển dụng, nghe tư vấn công việc tại công ty. Ảnh: Đ.N
Thanh niên miền núi đăng ký tuyển dụng, nghe tư vấn công việc tại công ty. Ảnh: Đ.N

Không còn lo ngại về rào cản tìm kiếm thị trường lao động mới, thông qua các sàn giao dịch liên kết “3 bên” giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và đơn vị đào tạo, cơ hội việc làm đã thực sự được mở ra giúp lao động miền núi ngày càng yên tâm “xuất ngoại”.

Môi trường làm việc tốt

Gần 1 năm làm việc tại nông trường Thagrico (thuộc THACO) đóng ở Lào, Zơrâm Mớu (34 tuổi, dân tộc Cơ Tu, ở xã Zuôih, Nam Giang) khá hài lòng với công việc hiện tại. Zơrâm Mớu nói, sau thời gian làm quen, anh đã yên tâm hơn với công việc và nhận thấy đây là môi trường tốt để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện.

Zơrâm Mớu từng là cán bộ bán chuyên trách ở xã, song vì cuộc sống gia đình quá khó khăn nên phải tìm kiếm công việc mới ổn định hơn. Năm ngoái, khi hay tin THACO có chương trình đào tạo, đưa LĐ Việt Nam sang làm việc tại Lào, Zơrâm Mớu đăng ký tham gia, được nhà đầu tư tuyển dụng, trở thành công nhân nông nghiệp như bây giờ.

“Lúc đầu, khi sang Lào, do điều kiện khí hậu nắng nóng, khắc nghiệt nên mình có hơi lo lắng cho sức khỏe. Và cũng nhớ nhà nữa, vì lần đầu tiên mình đi làm xa. Nhưng giờ thì khác rồi, cuộc sống ở đây khá thuận lợi, nên mình cố gắng làm việc, dành dụm chi tiêu để có tiền gửi về gia đình” - Zơrâm Mớu chia sẻ.

Zơrâm Mớu là một trong số LĐ miền núi được THACO tuyển dụng vào làm việc tại nông trường Thagrico ở Lào. Công việc dù ít nhiều có áp lực, nhưng bù lại thu nhập mỗi tháng khá cao; chỗ ăn ở, sinh hoạt thuận lợi giúp người LĐ yên tâm làm việc, vơi đi nỗi nhớ nhà.

Trước khi “xuất ngoại”, hầu hết người LĐ đều được hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn công việc theo yêu cầu của nhà đầu tư. Đây được xem là “bước đệm” giúp người LĐ đáp ứng các tiêu chuẩn công việc một cách hiệu quả, đảm bảo quy trình hoạt động, vận hành tại các nông trường Thagrico hiện nay.

Ông Bh’nướch Hải - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Giang cho biết, qua theo dõi, hầu hết LĐ địa phương làm việc tại Lào đều có tâm lý tốt; chuyên môn vững và dần thích nghi với môi trường làm việc mới đầy chuyên nghiệp.

Sau thời gian sang Lào, đã có người bước đầu dành dụm được khoản tiền gửi về gia đình trang trải cuộc sống, tạo động lực kích thích nhiều hơn thanh niên miền núi đăng ký tuyển dụng tại các sàn giao dịch việc làm hằng năm.

Trợ lực từ THACO

Sau 2 lần tổ chức kết nối tuyển dụng, đưa LĐ địa phương đi làm việc tại nước ngoài thành công, Nam Giang đang hướng đến kết nối với THACO mở thêm sàn giao dịch việc làm, đưa thanh niên miền núi XKLĐ. Lần kế tiếp, dự kiến tổ chức vào cuối năm nay, Nam Giang ưu tiên cho lực lượng quân nhân xuất ngũ, vừa giải quyết việc làm cho đối tượng này, vừa bổ sung đội ngũ LĐ có chất lượng, đảm bảo các tiêu chí theo yêu cầu của THACO.

Theo ông Bh’nướch Hải, quá trình vận động, đưa thanh niên miền núi sang nước ngoài làm việc, ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương, còn có sự kết nối, tạo điều kiện hỗ trợ từ phía THACO. Bởi, không chỉ được tuyển dụng, thanh niên được đào tạo chuyên môn, hỗ trợ chỗ ăn ở, sinh hoạt với mức lương đãi ngộ “chưa từng có”.

Các yếu tố này giúp LĐ miền núi có thêm nghị lực làm việc hăng say, xóa dần rào cản và những trở ngại trong việc tìm kiếm, đưa LĐ miền núi làm việc tại công ty lớn trong và ngoài nước.

“Không chỉ Nam Giang, các địa phương khác như Tây Giang, Đông Giang… hằng năm đều tổ chức kết nối đưa LĐ làm việc tại THACO. Sự hợp tác “3 bên” giúp các địa phương giải quyết việc làm, hình thành tư duy ra ngoài làm việc, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế, hướng đến mục tiêu giảm nghèo” - ông Hải nói.

Theo ông Phan Tiềm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng THACO, nhà trường không chỉ có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho THACO ở trong nước mà còn cho các dự án tại Lào và Campuchia, với nhu cầu hiện nay khoảng 4.000 LĐ.

Ông Tiềm cho biết: “Thời điểm này nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn có thể tạm dừng hợp đồng với người LĐ. Nếu các doanh nghiệp không muốn người LĐ của mình thất nghiệp thì có thể liên hệ với THACO, chúng tôi sẽ tiếp nhận họ, đào tạo để xuất cảnh sang Lào và Campuchia làm việc tại các nông trường.

Với nguồn LĐ đang cần lớn, chỉ riêng nhà trường thì không thể nào tuyển dụng và đào tạo kịp, nên chúng tôi liên kết với các trường đại học, cao đẳng, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các địa phương để tuyển dụng, đào tạo đủ nguồn LĐ. Và THACO mong muốn sẽ đóng góp được vào chỉ tiêu XKLĐ của tỉnh”.

Nguồn LĐ từ Việt Nam đưa sang cũng theo quy định của nước bạn, không được đưa nhiều LĐ phổ thông, nên Trường Cao đẳng THACO sẽ đào tạo để LĐ thành những quản lý trực tiếp thì có thể làm việc lâu dài mà không giới hạn thời gian là 3 hay 5 năm. Lương và các chế độ đãi ngộ khác đảm bảo sẽ tương xứng với sự đóng góp của người LĐ cho THACO.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội việc làm cho lao động miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO