Tại huyện miền núi Tây Giang, nhiều sinh viên dân tộc thiểu số được cử đi học hệ cử tuyển sau khi tốt nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm tại quê nhà.
Nhiều rào cản
Ông Blúp Ứ ở thôn R’brượp, xã A Tiêng cho biết vợ chồng ông có hai người con theo học cử tuyển. Người con trai làm ở xã được cử đi học Đại học Luật tại TP.Tam Kỳ; con gái sau khi tốt nghiệp THPT được đi học trung cấp sư phạm diện cử tuyển tại TP.Tam Kỳ. Để có tiền nuôi con ăn học, vợ chồng ông phải vay ngân hàng, số nợ lên đến hàng trăm triệu đồng. Hiện, con trai ông Blúp Ứ trở về xã làm công tác dân vận, kiêm Bí thư Chi bộ thôn. Riêng đứa con gái sau 2 năm ra trường vẫn chưa có việc làm. “Con gái tôi đi làm thuê ở Đà Nẵng nhưng rồi cũng về. Cho học cũng rất tốn kém, mà học xong lại không có việc làm. Con trai tôi đi học tốn 200 triệu đồng, chưa kể tiền chi tiêu khác. Tôi phải bán một trang trại, một con bò cái, rồi thế chấp sổ đỏ nữa. Con gái tôi đi học trung cấp cũng tốn gần 70 triệu đồng” - ông Blúp Ứ kể. Hay như trường hợp Bríu Liên, thôn Arâng, xã A Xan tốt nghiệp ngành sư phạm Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng vào năm 2017, đến nay vẫn chưa được bố trí việc làm. “Theo mình biết, hiện nay tình trạng thiếu giáo viên ở địa phương rất nhiều nhưng tại sao số sinh viên cử tuyển sư phạm ra trường lại không được bố trí trong khi những khóa trước đều được bố trí việc làm?” - Bríu Liên bày tỏ băn khoăn.
Hiện nay Tây Giang còn 83 trường hợp tốt nghiệp đại học, cao đẳng diện cử tuyển chưa có việc làm. Riêng ngành sư phạm có 60 trường hợp như vậy. Nhiều em sau khi tốt nghiệp phải giấu bằng đại học để xin việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp ở thành phố. Một số em trở về bản làng kiếm sống từ làm rẫy, làm thuê, chăn nuôi đến làm thợ hồ. Bà Lê Kim Vân - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, hiện trên địa bàn vẫn còn thiếu giáo viên, nhất là các trường 4 xã vùng cao. “Huyện đã xin tỉnh cho phép xét tuyển các em trong diện này, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn. Nếu được xét tuyển, tình trạng sinh viên cử tuyển ra trường không có việc làm ở Tây Giang sẽ cơ bản được giải quyết” - bà Vân nói.
Giải quyết việc làm
Hiểu được khó khăn, sự mong chờ có công việc ổn định lâu dài của các sinh viên cử tuyển, lãnh đạo huyện Tây Giang rất trăn trở và tìm nhiều giải pháp tháo gỡ tình trạng này, trước mắt phải làm sao để giải quyết công ăn việc làm cho số sinh viên cử tuyển. Huyện đã gắn kết với nhiều doanh nghiệp để tổ chức, tư vấn giải quyết việc làm cho các em. Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Cung ứng nhân lực Hoàng Long, chi nhánh Đà Nẵng cho biết, nhu cầu tuyển dụng và đào tạo đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Đài Loan rất lớn, hiện công ty có rất nhiều ngành nghề đào tạo gồm cơ khí, điện - điện tử, may mặc, chế biến thực phẩm, xây dựng, nông nghiệp, công nghiệp và một số công việc điều dưỡng như chăm sóc, vận chuyển bệnh nhân, hỗ trợ sinh hoạt hằng ngày; vận chuyển mẫu, kết quả, đơn thuốc; quan sát, giao tiếp với bệnh nhân; làm vệ sinh phòng bệnh, dụng cụ y tế, tiêu độc... “Phía công ty chúng tôi cam kết đào tạo xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Đài Loan với mức lương hơn 40 triệu đồng/tháng và nhiều đãi ngộ khác. Các bạn cần mạnh dạn đăng ký để tìm kiếm cơ hội việc làm hiệu quả” - ông Đức nói.
Ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, bên cạnh áp lực về tinh giản biên chế, khó khăn trong bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển còn do một số ngành học trước đây của sinh viên không còn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của địa phương. Mặt khác, việc thi tuyển, xét tuyển viên chức còn nhiều bất cập; nhiều sinh viên ra trường, năng lực chuyên môn chưa đáp ứng được thực tế công việc. Mới đây, huyện đã tổ chức gặp mặt, tọa đàm, đối thoại với sinh viên cử tuyển, cùng các doanh nghiệp để giúp các em nắm được chủ trương về thị trường lao động, lĩnh vực xuất khẩu lao động để tìm kiếm cơ hội việc làm... “Về phía huyện chỉ đạo các ngành liên quan tư vấn, định hướng cho các em thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, đồng thời có các cơ chế hỗ trợ về vay vốn, đất đai, thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Huyện sẽ triển khai nhiều chính sách khuyến khích chương trình khởi nghiệp, tổ chức hội chợ, giới thiệu việc làm, những sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp có trình độ, năng lực đều có thể tìm cho mình con đường khởi nghiệp riêng để trưởng thành” - ông Mia cho hay.