Quảng Nam là một trong 7 tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tiến hành khảo sát lập dự án cấp điện các thôn, bản chưa có điện. Đây là tin vui đối với nhiều địa phương vùng cao Quảng Nam.
Đưa điện về xã miền núi Đắcpre từ dự án JBIC. |
Gian nan
Theo ông Briu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, nếu tính thời điểm năm 2003, khi chia tách huyện Hiên (cũ), thì huyện Đông Giang có 7/11 xã, thị trấn có điện; còn Tây Giang hoàn toàn “trắng điện” với 10/10 xã chưa có điện lưới quốc gia. Ngay xã A Tiêng được chọn trở thành trung tâm hành chính của huyện Tây Giang vẫn chưa có điện. Những năm đầu gian nan đó, huyện Tây Giang được Tổng Công ty Điện lực miền Trung (trước đây là Công ty Điện lực 3) đầu tư hơn 3,8 tỷ đồng, giao cho Công ty Điện lực Quảng Nam làm chủ đầu tư xây dựng 12km đường dây trung áp kéo điện từ thị trấn Prao lên xã A Vương. Vì người dân quá nghèo không thể tự đưa điện về nhà, nên cán bộ công nhân viên ngành điện góp thêm hơn 60 triệu đồng mua dây, cầu dao, bóng điện để mắc điện cho hơn 200 hộ dân. Sau đó, từ điểm đấu nối tại A Vương, ngành điện lực tiếp tục đưa điện về Bha Lêê, kéo thêm 20km lưới điện trung áp qua đồi núi, cấp điện cho 3 xã lân cận trung tâm hành chính huyện. Dù rất nỗ lực, song các xã biên giới của Tây Giang vẫn rất khó được phủ điện bởi nguồn ngân sách đầu tư của huyện miền núi quá khó khăn; trong khi đó các xã chưa có điện đều nằm ở khu vực biên giới xa xôi như Ga Ry, Ch’Ơm, A Xan, Tr’Hy... cách điểm đấu nối hơn 70km đường rừng. Mới đây, các hộ dân ở 2 xã A Xan và Ga Ry có điện từ thủy điện nhỏ thuộc Chương trình năng lượng nông thôn Việt Nam - Thụy Điển. Tuy nhiên, theo ông Briu Liếc, đến nay toàn huyện mới chỉ có 2.700 hộ có điện, chiếm tỷ lệ 71,2%. Ngay trong các xã có điện vẫn còn nhiều khu vực dân cư, nhiều thôn bản còn “lõm điện”.
Không riêng gì Tây Giang, nhiều thôn bản ở vùng sâu, vùng xa ở các huyện Nam Giang, Nam Trà My, Phước Sơn, Đông Giang... vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Để có điện thắp sáng, một số hộ tự đầu tư mua thiết bị phát điện thủy điện nhỏ lắp đặt ở những con suối gần nhà. Có nhiều thôn, bản vùng cao được Nhà nước đầu tư kéo điện về nhưng một số người dân lại không có khả năng mua sắm thiết bị lắp đặt điện để phục vụ thắp sáng. Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện tại trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 30% số hộ được cấp điện nhưng điện lưới cung cấp chưa đảm bảo chất lượng. Nhiều huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, các dự án cấp điện trước đây chỉ đưa điện đến những vùng địa hình, khu dân cư thuận lợi còn ở những vùng dân cư thưa thớt, địa hình cách trở thì chưa tính đến. Không đâu xa, ngay tại TP.Tam Kỳ đến nay vẫn còn hơn 20 khu vực dân cư chịu cảnh “lõm điện”, chất lượng điện không đảm bảo khiến người dân bức xúc.
Xóa “trắng điện”, “lõm điện”
Để từng bước nâng cao chất lượng cung ứng và phủ điện ở các khu dân cư còn “lõm điện” trên địa bàn tỉnh, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đang triển khai dự án cải tạo lưới điện cho 38 xã bằng nguồn vốn vay 141,6 tỷ đồng từ Ngân hàng Phát triển châu Á (dự án ADB) và cho 9 xã bằng nguồn vốn vay 47,7 tỷ đồng từ Ngân hàng Tái thiết Đức (dự án KFW). Tiếp đến, dự án Năng lượng nông thôn giai đoạn 2 (RE2) mở rộng do Ban Quản lý RE2 Quảng Nam làm chủ đầu tư xây dựng các công trình điện ở 14 xã với tổng mức đầu tư 79 tỷ đồng hiện trong giai đoạn thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2014. Cùng với đó, dự án ADB mở rộng đầu tư cải tạo lưới điện cho 122 xã với tổng mức đầu tư 288 tỷ đồng đang trong giai đoạn khảo sát lập dự án đầu tư (dự kiến triển khai trong 2 năm 2014 – 2015) sẽ góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng điện năng ở các vùng nông thôn có lưới điện đang bị xuống cấp.
Một cơ hội mới đối với các thôn, bản chưa có điện: Quảng Nam là một trong 7 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tiến hành khảo sát lập dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện. Thực hiện chủ trương này, thời gian qua, Công ty Điện lực Quảng Nam đã phối hợp với Sở Công Thương khảo sát và lập dự án cấp điện với mục tiêu đến năm 2015 có 100% số xã và 98,6% số hộ dân có điện; đến năm 2020 cơ bản các hộ dân nông thôn có điện sử dụng. Theo dự án được lập, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh cần đầu tư xây dựng mới, cải tạo 538km đường dây trung áp; 1.086km đường dây hạ áp, 298 trạm biến áp (24.490kVA) để cấp điện có chất lượng cho 76.300 hộ dân trên địa bàn 978 thôn ở 230 xã (không tính khối lượng thuộc các dự án ADB, KFW, RE2 bổ sung và một số các nguồn vốn đầu tư khác đang được xúc tiến đầu tư). Dự án cấp điện cho thôn, bản chưa có điện được triển khai thực sự là một dự án dân sinh, tất cả vì cuộc sống của nhân dân. Có điện, cuộc sống người dân những vùng “trắng điện”, “lõm điện” chắc chắn sẽ đổi thay, khởi sắc.
Trung Lộ