Cố kết vùng biên

ALĂNG NGƯỚC 29/06/2023 06:04

Phát huy vai trò gắn kết cộng đồng, những năm qua, huyện Tây Giang được là địa phương điển hình trong xây dựng đời sống văn hóa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước giảm nghèo bền vững ở miền núi.

Các điển hình trong công tác Mặt trận ở Tây Giang góp phần củng cố niềm tin và phát triển cộng đồng. Ảnh: Đ.N
Các điển hình trong công tác Mặt trận ở Tây Giang góp phần củng cố niềm tin và phát triển cộng đồng. Ảnh: Đ.N

Theo ông Bhriu Quân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang, bằng câu chuyện đoàn kết, nhiều khu dân cư kiểu mẫu tại địa phương được hình thành và bắt nguồn từ việc chia sẻ đất đai, vườn tược, hoa màu… của cộng đồng.

“Khi người dân đồng lòng hiến góp, gần như các công trình dân sinh nào cũng hoàn thiện một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đây là điều hết sức tự hào, thể hiện một cộng đồng đoàn kết vượt qua gian khó, hỗ trợ nhau cùng phát triển” - ông Bhriu Quân chia sẻ.

Mạnh từ cơ sở

Vài tháng trước, khi chủ trương mở đường vào khu sản xuất Đông Văng được đưa xuống, ngay lập tức, cả làng Pơr’ning (xã Lăng, Tây Giang) hưởng ứng. Là bởi, khi đường được mở không chỉ thuận lợi cho việc đi lại đến khu sản xuất, mà còn tạo cơ hội cho quá trình giao thương, buôn bán giữa làng người Cơ Tu sau này.

“Nhưng, việc mở tuyến đường sẽ đi qua vườn rẫy, cây trồng của người dân trong thôn. Để người dân ủng hộ chủ trương, đòi hỏi cán bộ mặt trận phải làm công tác tư tưởng trước, sau đó đến từng hộ gia đình bị ảnh hưởng để trao đổi, giải thích, thậm chí là thuyết phục vì mục tiêu phát triển chung của cộng đồng” - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Pơr’ning, Pơloong Thị Lệ kể về hành trình làm dân vận ở vùng cao của mình.

Hôm đó, trời mưa tầm tã, sau hồi kẻng phát ra từ gươl, Pơloong Thị Lệ có mặt để trao đổi với dân làng về chủ trương mới của địa phương. Trong đó, nêu rõ lợi ích việc mở đường, đồng thời chia sẻ đối với các hộ dân bị thiệt hại, động viên họ hiến góp cho cộng đồng.

Chia sẻ từ chính câu chuyện của gia đình mình hỗ trợ cho địa phương xây dựng nông thôn mới giúp bản làng đổi thay, như một niềm cảm hứng được truyền đi, chỉ trong thời gian ngắn, lần lượt hộ dân đồng ý hiến đất mở đường.

Pơr’ning là một trong số thôn điển hình của Tây Giang còn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống cộng đồng. Nhiều năm qua, bằng vai trò gắn kết, đồng bào Cơ Tu ở thôn phát huy tinh thần sáng tạo, giúp nhau vượt qua nghèo khó, trở thành điểm du lịch cộng đồng được nhiều người biết đến.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế được triển khai, từ trồng đảng sâm, ba kích tím dưới tán rừng cho đến mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn, chăn nuôi gia súc tập trung kết hợp vườn cây ăn quả… giúp hạn chế tác động đến rừng tự nhiên, tạo cơ hội để các hộ dân vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 23,43%; nhiều hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa giúp Pơr’ning duy trì danh hiệu khu dân cư văn hóa kiểu mẫu.

Ông Bhriu Quân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang nói, ngoài Pơr’ning, địa phương có rất nhiều khu dân cư tiêu biểu, có dấu ấn trong việc triển khai các chủ trương, chính sách hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Phát huy vai trò mặt trận cơ sở, bằng câu chuyện thực tế đã và đang làm thay đổi nếp nghĩ nếp làm, bãi bỏ các hủ tục lạc hậu trong đời sống cộng đồng vùng cao. Với tinh thần cần cù lao động và đoàn kết gắn bó tình nghĩa xóm làng, cộng đồng người Cơ Tu ở Tây Giang tích cực tăng gia lao động sản xuất, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, mở hướng phát triển kinh tế dưới tán rừng một cách hiệu quả” - ông Bhriu Quân nói.

Vì làng quê đổi mới

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang - ông Cơlâu Hạnh cho biết, qua 20 năm tái lập, Tây Giang cơ bản hoàn thiện mục tiêu khối đại đoàn kết toàn dân. Bằng nhiều hoạt động thực tiễn được triển khai đã cổ vũ các phong trào xây dựng đời sống mới, đẩy lùi hủ tục lạc hậu, phát huy bản sắc văn hóa, từng bước nâng cao chất lượng đời sống người dân.

“Để khích lệ tinh thần gắn kết cộng đồng, hằng năm chúng tôi tổ chức các chương trình gặp mặt, giao lưu và lồng ghép hoạt động “Ngày hội đại đoàn kết” giúp vun đắp thêm tình đoàn kết cộng đồng. Đồng thời, khuyến khích người dân phát huy ý chí tự lực tự cường, khơi dậy khát vọng vươn lên thoát khỏi đói nghèo, góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, phát triển” - ông Cơlâu Hạnh chia sẻ.

Dấu ấn trong công tác mặt trận tại Tây Giang phải kể đến việc vận động người dân hưởng ứng san ủi giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng khu tái định cư ổn định. Miệt mài vận động, sau 20 năm nhìn lại, hầu hết khu dân cư mới được triển khai, tạo nên diện mạo làng quê ngày càng đổi khác.

Nhiều khu dân cư trở thành điểm sáng trong các cuộc vận động và phong trào thi đua ở cơ sở, như khu dân cư Aréc (xã A Vương), Ta Lang (Bha Lêê), Anoonh (A Nông), Pơr’ning (xã Lăng)… tạo nền tảng cho mục tiêu phát triển Tây Giang.

“Những năm gần đây, từ việc nỗ lực vượt qua khó khăn, tại Tây Giang xuất hiện ngày thêm nhiều hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu trong phát triển kinh tế, làm giàu bằng sản vật của vùng. Điển hình như hộ Briu Apoo (thôn L’gôm), Bhling Hồng (thôn Ga’lâu, xã A Vương); Avô Thị Bé (thôn Atép, xã Bha Lêê) với mô hình chăn nuôi gia súc tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, nhiều mô hình tập thể tổ hợp tác dệt thổ cẩm; trồng cây ba kích, đảng sâm cho bước chuyển mới trong câu chuyện phát triển kinh tế của đồng bào vùng cao, góp xây cho làng quê đổi mới, yên bình. Câu chuyện gắn kết, với Tây Giang luôn là niềm tự hào, bởi đó là giá trị văn hóa lâu đời còn được gìn giữ đến mai sau” - ông Cơlâu Hạnh nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cố kết vùng biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO