Nhiều người đã nói đến ký ức của đô thị hay gia tài tinh thần của xứ sở một cách day dứt. Có lẽ họ lo ngại đến một ngày phải đập cổ kính ra mới tìm thấy được hình bóng cũ, hay xếp tàn y lại để dành chút dư hương…
Phố cổ Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
1. Nhiều ngày qua, câu chuyện quy hoạch trung tâm Đà Lạt đã làm thức dậy tâm trạng tiếc nuối mơ hồ dành cho những ai yêu quý xứ sở sương mù. Chỉnh trang, phát triển đô thị luôn là nhu cầu có thật, nhưng níu giữ ký ức cũng là khát khao cháy bỏng. Với những gì mà địa phương vừa công bố liên quan đến quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt, những ký ức phố ẩn tàng trong các công trình kiến trúc như rạp Hòa Bình, dinh Tỉnh trưởng… đã rơi vào vòng xoáy tranh luận không dứt: nên phá bỏ hay giữ lại?
Trong khi Đà Lạt vẫn loay hoay tìm câu trả lời về bản sắc đô thị, thì cố đô Huế đang theo đuổi một lộ trình ngược lại: chủ động gợi giấc mơ xưa. Giấc mơ ấy được gói ghém trong hình hài tưởng chừng đã quá quen thuộc - tà áo dài - để làm tôn thêm lên giá trị văn hóa Huế.
Những ghi chép về hội thảo áo dài xứ Huế vừa mở hồi giữa tháng 3 đã cho thấy niềm kỳ vọng và nỗi quan hoài dành riêng cho chiếc áo dài ở đất thần kinh. Các nhà nghiên cứu đã nói về quốc phục áo dài Việt Nam, về áo dài Nhật Bình Huế và áo dài ngũ thân của nam giới, về trung tâm lễ phục truyền thống, về một phố may áo dài, không gian áo dài, cả những show diễn… Một không-gian-trải-nghiệm thật lãng mạn nếu thành hình, nhưng cũng từ đó, biết đâu Huế lại tiếp tục có được không-gian-thực-tế về áo dài vốn dĩ rất đằm thắm thướt tha ở miền sông Hương núi Ngự.
2. Nhưng quy hoạch phố ở Đà Lạt và khôi phục áo dài ở Huế lại khiến tôi chợt nhớ đến những câu thơ Nôm, vốn được cho là của vua Tự Đức: “Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại, để dành hơi”.
Nói “được cho” Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (tức vua Tự Đức) là tác giả của bài thơ “Khóc Bằng phi” với 2 câu vừa trích dẫn, bởi gần đây có nghiên cứu bất ngờ nêu ra một số nghi vấn. Nhiều nhà nghiên cứu vừa đối sánh giọng thơ cung đình với thơ dân gian, lục tìm trong danh sách hơn 100 bà phi tần của vua Tự Đức vẫn không thấy bà nào mang danh hiệu Bằng phi hay Thị Bằng… để nghi ngờ vị vua hay chữ nhà Nguyễn không hề viết bài này. Chưa kể, có người còn dẫn ra 2 câu trong một bài thơ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, với câu chữ và ý tứ không khác nhau mấy: “Đập mảnh gương ra tìm lấy bóng/ Xếp manh áo lại để dành hơi”… Đây là những kiến giải được nhà nghiên cứu Phan Thuận An tập hợp và đề cập trong một bài khảo cứu.
Nhưng đó chỉ là chút lan man về gốc tích bài thơ, không phải chuyện chính khi nhắc đến ký ức đô thị.
Ở một nơi không có nhiều ký ức phố và nhiều công trình lưu dấu ấn thời gian như tỉnh lỵ Tam Kỳ (Quảng Nam), giới chuyên môn và nhà quản lý hướng đến bảo tồn cảnh quan, như một cách giữ lại “diện mạo” của một vùng đất. Một lãnh đạo TP.Tam Kỳ vừa cho hay, những cụm đồi quen thuộc đã bị cấm khai thác, cấm xúc cát, từ núi Dài, núi Cấm, núi Baty đến đồi An Hà… để phát triển không gian rừng cho thành phố. Những làng cũ như Đoan Trai, Hương Trà… cũng đưa vào diện quy hoạch như để giữ phần hồn cho phố thị.
Còn với phố cổ Hội An thì sao? “Bóng” cũ chính là những vang vọng từ không gian trầm mặc, nếp nhà cũ, thói quen cũ. Đến nỗi đã có lúc chính quyền đô thị đã phải nghiêm cấm những hộ kinh doanh đưa hình nộm (ma nơ canh, mannequin) dựng trước cửa nhà cổ để trưng bày sản phẩm, vì không muốn hình ảnh phố cũ trở nên “xộc xệch” trước nhịp sống ngày càng sôi động. Và hẳn mọi người còn nhớ, trong đề án “Hội An - Nhân tình thuần hậu” vừa công bố, có mục thứ 8: Luôn chăm sóc và bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên. Một nội dung hiếm hoi trong tổng số 9 nội dung vận động thiên về “phần hồn” của phố. Có thể đô thị cổ Hội An lo ngại sẽ đánh mất trí nhớ nếu không kịp chung tay gìn giữ ngay từ bây giờ chăng?
Câu thơ Nôm “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng” ngồn ngộn hình ảnh, sau này khi hóa thân vào nét nhạc của Đoàn Chuẩn – Từ Linh càng trở nên day dứt và tha thiết: “Đập gương xưa tìm bóng…”. Nhưng tha thiết nhất vẫn là hình bóng con người thấp thoáng đâu đó.
“Cổ kính” (tấm gương cũ) kia, có thể được người thời nay mượn để ngụ ý nói về dấu vết kiến trúc cũ, trong trường liên tưởng về những mất mát nếu chúng ta không biết cách gìn giữ, neo lại. “Tàn y” cũng thế, một kỷ vật. Vậy mà có lúc, có nơi người ta không còn cả bóng nếu đập gương để tìm, thậm chí đành tâm xóa bỏ ngay cả khi gương vẫn còn hiện diện. Lúc đó, xứ sở sẽ mất trí nhớ, hay nói cách khác, người ta không còn trí nhớ về xứ sở. Một xứ sở trôi tuột lịch sử, cảnh quan vô tâm, dấu ấn lạnh lùng.
Hãy nhẩm lại ca từ trong “Gửi gió cho mây ngàn bay” của Đoàn Chuẩn – Từ Linh, khi còn có thể…
HỨA XUYÊN HUỲNH