Một ngày tình cờ đọc bài báo “cỏ dại bủa vây bệnh viện dã chiến cuối cùng”, cũng là ngày Bộ Y tế quyết định chuyển COVID-19 thành bệnh truyền nhiễm nhóm B, đồng nghĩa với từ nay đã không còn “đại dịch COVID”. Kỷ niệm về những ngày tháng cách đây hai năm, bỗng vỡ ra, chảy tràn như cơn mưa chiều Sài Gòn thuở nọ.
Bệnh nhân đầu tiên tôi được phân công ngày mới vào trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh là bà cụ già 89 tuổi tôi vẫn còn nhớ tên, nằm ở góc phòng tầng 6.
Lúc đến khám bà đã có dấu hiệu suy hô hấp, chụp oxy để thở bà la hét phản ứng rất dữ dội. Tìm anh trưởng tua cầu cứu, anh lắc đầu “đặt nội khí quản thôi em à”.
Tiếng la hét im dần, nhường chỗ cho tiếng tít tít đều đều của máy thở. Một sáng, thấy tên bà trong danh sách tử vong báo cáo giao ca, chạy sang giường bà thì đã thấy một bệnh nhân khác nằm, cũng thở máy, nước mắt ứa ra phải nuốt vội về.
Rồi một ngày ra ca, nghe tin ông mất vì COVID giữa Sài Gòn, đứa cháu mà ông thương yêu hết lòng vẫn không thể vượt qua trùng trùng dây ngăn cách đến nhìn ông, chỉ đọc lại tin nhắn cuối cùng ông nhắn: “Con ở đó ăn uống thế nào, cẩn thận đừng để bị nhiễm”, nước mắt cũng không rơi được nữa, bởi mảnh đất này đã nhiều nước mắt rồi.
Ca trực đêm thường dài, gần sáng là lúc buồn ngủ nhất, cả tua xúm lại để anh trưởng tua kiểm tra rà soát y lệnh trong ngày. Cả đám nhao nhao anh ơi mở nhạc nghe đi anh, díp mắt rồi, mở Đen Vâu nghe cho tỉnh đi anh.
Và giữa không gian màu trắng có tiếng vang của máy thở, tiếng bước chân khẽ khàng của các bạn điều dưỡng thêm thuốc, chúng tôi nghe Đen rap về núi, về rừng, về nước, về “một đời này ta sẽ có mấy lần mười năm”. Ngoài kia, mặt trời nhô lên cho một ngày thức dậy, cho một ca trực mới, một báo cáo tử vong mới, như những dòng chảy mải miết không ngừng.
Hay một chiều ra ca, chiếc organ dã chiến được một bạn nữ ngồi chơi, có người dừng lại lắng nghe, có người xếp hàng xét nghiệm, có người tắm gội, có người đọc sách, có nhóm đang học máy thở, âm nhạc cứ miên man giữa những bóng áo xanh vẫn đi qua lại, có người đầu tóc chưa khô, có người đang uống bù nước, có người đang ngủ gục. Như một bức tranh bình dị, khẽ khàng, mà đầy màu sắc và âm thanh.
Bệnh viện dã chiến cuối cùng là nơi tôi gắn bó hơn một tháng, là nơi diễn ra đợt vận chuyển bệnh nhân lớn nhất từ phía tây sang phía tây nam thành phố, là nơi tôi vừa canh bệnh nhân trong đêm trực vừa đọc “Ngàn mặt trời rực rỡ” (tiểu thuyết của Khaled Hosseini).
Hai năm trôi qua, cỏ dại mọc đầy. Những lần trở lại Sài Gòn, đã trở lại với kẹt xe và khói bụi, đến hàng cây cũng râm ran nói chuyện, tưởng chừng chưa bao giờ có những tháng ngày lặng im.
Nhóm bạn tôi quen thân từ những ngày chống dịch, tụ họp lại và chuyện trò về bệnh viện, về công việc, về việc lên kế hoạch cho một chuyến đi chơi, hay một quán ăn ngon mới khám phá được trong hẻm nhỏ.
Không ai còn nhắc về bệnh nhân nằm ở khu tầng 7, hay bệnh nhân suy thận nhiễm 4 con vi khuẩn trước kia. Những câu chuyện ngày ấy đã trôi xa, nhường chỗ cho tiếng cười và những trăn trở mới. Tôi nhìn ra phố, ngoài hiên nắng lên…