Có lâu đài, cũng có những hạt bụi...

Ký của TRUNG VIỆT 23/03/2019 03:19

1. Nhà thơ Thanh Thảo ở Quảng Ngãi hỏi tôi: “Bữa đó mày có về không?”. Đó là bữa 8.3.2019, giỗ nhà văn Dương Thị Xuân Quý, với sự có mặt của chồng và con bà, cùng một số văn nghệ sĩ. Ông Thảo có đi theo đoàn. “Tao, sau đó lên chỗ bia tưởng niệm ông Chu Cẩm Phong, nghĩ ra một điều, là sao người ta không làm tour du lịch theo con đường này, bởi có quá nhiều chỗ phải dừng, thăm, nghĩ…”.

Đường về tháp Mỹ Sơn ngang qua chợ La Tháp (xã Duy Châu, Duy Xuyên) rợp bóng phượng vĩ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đường về tháp Mỹ Sơn ngang qua chợ La Tháp (xã Duy Châu, Duy Xuyên) rợp bóng phượng vĩ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tôi về trước một ngày bởi phải viết cho kịp số báo ra ngày Quốc tế phụ  nữ 8.3. Tôi nói với ông rằng, chỗ nhà văn Xuân Quý nằm, là làng tôi, thôn Thi Thại xã Duy Thành huyện Duy Xuyên. Chính cô ruột tôi thời điểm bà Quý chết, trước đó một hai đêm, là ở chung hầm, bởi cô tôi tham gia đội phẫu của y tế tỉnh. Chỗ bà Quý hy sinh, sát hầm đội phẫu xưa, mà anh Võ Bắc chủ nhà có lần kể, là khi nhà thơ Bùi Minh Quốc tìm mộ vợ, đào xới tung lên, còn thấy xương, mảnh dù, dụng cụ y tế… Sau tiếng à và tâm tư ngắn gọn, gan ruột của ông Thanh Thảo,  là tiếng thở dài. Anh Võ Bắc chủ nhà nói rằng, thi thoảng có anh em văn nghệ ghé viếng mộ, lẽ cũng thường tình, bởi tấm lòng chữ nghĩa, còn lại chỉ có dịp lễ này nọ, xã với huyện có hương hoa. Tôi tự hỏi, nếu như lứa văn nghệ sĩ cùng thời nhà văn Xuân Quý không còn nữa, bà không còn trong ký ức ai nữa, thì còn ai thăm không? Bà trở thành liệt sĩ, nằm riết trong nỗi nhớ của gia đình, người thân, và giáo trình văn học kháng chiến, nếu không thay đổi, thì tên bà còn đó. Ngược lại, thì…

Trên kia, cũng dải đất Duy Xuyên gầy như mũi tên theo đường 610, là chỗ Chu Cẩm Phong nằm. Liệt sĩ, dù có người bụng đầy chữ nghĩa đến anh nông dân thất học, đều như nhau khi nằm xuống. Thế nhưng, giữa vô vàn những cái tên, thì lịch sử được gọi tên trong những khoảnh khắc bất ngờ, bởi có những người ra đi để lại cho mai hậu những nỗi nhớ thông qua văn tự, truyền thuyết.

2. Thế nhưng, làm du lịch thì lại câu chuyện khác. Có bữa tôi vào lăng mộ Đoàn Quý Phi. Cỏ mọc um tùm, hoang lạnh. Số phận bà Mạc Thị Giai gần đó cũng không khác. Không biết bữa ông Thảo đi, có ai giới thiệu cho ông không, nhưng nghe tôi nhắc tên hai bà này, cũng nằm trên tuyến đường đó, ông à lên lần nữa. Công trạng, huyền tích của họ, không cần phải nhắc. Ở đây mình chỉ nói chuyện du lịch, nhưng trước khi nói chuyện này, thì phải mặc định với nhau ở góc độ quản lý văn hóa. Chị Lưu Thị Hiền Phương - Trưởng phòng VHTT Duy Xuyên không giấu được nỗi khổ sở khi nói về chuyện chăm sóc, giữ gìn di tích, trăm sự cũng là không có tiền, chưa nói là không có tiền bảo vệ này nọ, chỉ khi có dịp, có đoàn thì phòng cùng với xã dọn dẹp, sửa sang cho đẹp mắt, gọn ghẽ, rồi thôi... Tôi nói rằng, đây chính là căn bệnh trầm kha ở xứ mình trong đối xử với di tích. Khái niệm xã hội hóa văn hóa, chỉ dành cho lễ hội, cho chốn nào không rộn rã tưng bừng thì cũng u linh huyền bí kéo khách tâm linh, từ đó bán vé. Họ sống dựa vào di tích, vắt di tích ra kiếm tiền. Còn những ngôi mộ nhỏ, những tường bia ngắn ngủi về ai đó, nằm xa đô hội, tiếng tăm ít ai biết, số phận nó cũng buồn như bao đôi mắt có tấm lòng day dứt nhìn về nó. Chủ trương đường lối thì hay lắm, nhưng xuống thực tế, ở lĩnh vực văn hóa, lại là chuyện khác. Vì thế khi nghe ông Thảo nói, nói thiệt sau đó tôi không giấu được tiếng cười chua chát. Người ta kinh doanh du lịch, việc đầu tiên là phải lời mới làm, không thì đừng hòng.

Du khách tham quan Mỹ Sơn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Du khách tham quan Mỹ Sơn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Từ Hội An có thể lên thẳng Mỹ Sơn, khi về thì ghé ra khu tưởng niệm Chu Cẩm Phong, đập Vĩnh Trinh, ghé các di tích cổ trên địa bàn, xuống vùng đông ghé chỗ nhà văn Dương Thị Xuân Quý rồi hoặc xuống Duy Hải, hoặc qua ngõ Cẩm Kim về Hội An. Nhưng, ai sẽ làm hướng dẫn, giá cả ra sao, rồi liệu tour có chết yểu không? Nhà nước chi phối ra sao chuyện này? Bây giờ mọi thứ nằm trong tay các hãng lữ hành, chính quyền quảng bá cỡ nào mà họ không hợp “cạ” thì cũng gay go, thậm chí thua trắng. Nói thẳng, ở góc độ kinh doanh, những điểm trên không hấp dẫn chút nào, khi nó cô lẻ, quạnh quẽ, và quan trọng hơn, bản đồ văn hóa về di tích, bia mộ với những con người cụ thể đó, thiếu người đứng ra làm một cách không vụ lợi. Trong quan niệm người làm du lịch ở ta, là cái gì phải sặc sỡ hoành tráng, hoặc phải thâm nghiêm u huyền. Những điểm nhỏ, danh tiếng ít, họ không cần bàn tới. Trong khi đó, thời gian cho khách gói trọn trong lịch trình kín, quay vòng, đâu phải ưng là ghé nếu không đáng để moi được tiền. Bao nhiêu năm rồi, át chủ bài du lịch với Duy Xuyên vẫn là Mỹ Sơn và… Mỹ Sơn.

Tôi hiểu ông Thanh Thảo lãng mạn, bởi đó là tâm tư ông, một nhà thơ bước ra từ chiến trường. Mấy chục năm đất nước hòa bình, câu chuyện về những người đã khuất còn đó. Họ dù là sao, thì khi về đất, cũng nên được đối xử như nhau, bởi mọi thứ đã là ký ức. Tour du lịch lớn nhất cần tạc vào tâm khảm bao người phương xa lẫn người sở tại, là tour lương tâm về những cơn đau, những  góc khuất, những niềm riêng có khi câm nín nhưng gợi những tiếng vang như cơn đau dâu bể. Văn hóa chứ không gì khác, với những tầng vỉa nổi chìm, là bệ đỡ cho cơn say du lịch, vấn đề là người cầm quyền có nhận ra không?

3. Không hiểu sao, bữa ở mộ nhà văn Xuân Quý, trên đường về, tôi lại nhớ một buổi chiều thật buồn ở mộ học giả Trương Vĩnh Ký tại 520 đường Trần Hưng Đạo, quận 5, TP.Hồ Chí Minh. “Xin hãy thương xót cho tôi, hỡi những người bạn của tôi”. Đó là nghĩa của dòng chữ la tinh  khắc ở nhà mồ ông.

Buổi chiều lá thổi xào xạc trên phố đông người, ngôi nhà im ắng như muốn thiếp đi trong tĩnh tại, vốn là cách hành xử của những kẻ trí lự. Ông Đạt là cháu của học giả, nói rằng thi thoảng mới có khách tới thăm. Họ tự tìm đi, chẳng phải do tour, do Nhà nước giới thiệu. Họ đến, bởi từ sự thôi thúc từ trong tim. Nhà nước đưa nhà mồ lẫn khu nhà này vào diện di tích, mọi sửa chữa này nọ phải được đồng ý của chính quyền, nhưng bảo quản thì do gia đình tự lo. Con cháu dòng họ Trương ở nước ngoài, những ai tôn thờ ông, đã góp tiền để gia đình tu sửa, chứ Nhà nước không đụng một hào vào nhà mồ. Chuyện dài, buồn bã như số phận người thông nước Nam - Trương Vĩnh Ký. Đóng góp của ông với văn hóa, khỏi bàn cãi.

Ở đâu cũng kêu gọi làm du lịch, coi du lịch là mũi nhọn, nhưng không có văn hóa vật thể và phi vật thể, thì từ khóa du lịch đã không xuất hiện, mà vật thể và phi vật thể, nếu không có người, từ những kẻ cao lớn đến người vô danh hiến máu xương làm ra, thì lấy đâu ra? Họ đã góp viên gạch cho tượng đài văn hóa mà hàng ngày bao người vẫn xiển dương để giáo hóa quần chúng hay tự hào về lịch sử…

*
*                *

Có một người làm văn hóa ở cấp địa phương, có lần trầm tư với tôi rằng, tụi mình là hạt bụi, nhiều khi thấy nhiều nơi có thể làm ra tiền từ văn hóa, những điều rất nhỏ, nhưng nói chẳng ai nghe, có nghe cũng quệt mắt như dính bụi. Những tâm tư thật lòng, có khi rất nhỏ, rất lãng mạn, nhưng có khi là đường link dẫn tới đại lộ lãng mạn mà đầy hiện thực trong làm ăn kinh tế.

Có lần tôi hỏi Bí thư huyện Duy Xuyên Nguyễn Công Dũng, là tại sao cứ nói hoài chuyện đơn điệu của dịch vụ du lịch tại Mỹ Sơn? Ông nói cứ chờ đó, phải chờ. Tôi không biết ông tính toán sao, nhưng vẫn nghĩ, con đường đi, dù thẳng hay cong, vẫn phải đi qua những điểm nhìn. Có những điểm nhìn chất ngất, nhưng cũng có những hạt bụi, mà cố mài nó, sẽ thấy ấm áp, bởi để hiểu một ngôi nhà, thì mặt tiền thôi chưa đủ…

Ký của TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Có lâu đài, cũng có những hạt bụi...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO