Có một con đường Pháp tại Hội An

VĨNH LỘC 25/07/2017 15:21

(QNO) - Một nhóm nghệ sĩ và những người yêu mến Hội An đang thúc đẩy dự án đưa vẻ đẹp của khu phố Pháp cũ ở Hội An thành trung tâm của văn hoá nghệ thuật.

Một đoạn đường Phan Bội Châu
Một đoạn đường Phan Bội Châu. Ảnh: V.L

Nhiếp ảnh gia Réhahn là người tiên phong đưa ra ý tưởng biến con đường Phan Bội Châu trở thành Rue des Arts (con đường nghệ thuật). Đồng hành cùng Réhahn là những nghệ sĩ và chủ doanh nghiệp của các phòng tranh nghệ thuật, bảo tàng và gian hàng nghệ thuật thủ công.

Tuyến phố nghệ thuật

Theo nhiếp ảnh gia Réhahn, đường Phan Bội Châu nguyên trước là phố Courbet. Đây từng là đường phố chính của khu phố Pháp bấy giờ nên kiến trúc nhà cửa mang đậm dấu ấn Pháp. Đồng thời, đây cũng là đầu mối thương mại của người Pháp ở miền Trung Việt Nam với bến tàu riêng dẫn đi đến con đường tơ lụa; nơi vận chuyển các loại gia vị, tơ tằm, hạt tiêu, mật ong, đồ sứ và vải bông. Con đường ngày nay cần được trùng tu để trở lại thành tuyến phố mang đậm phong cách Pháp cũng như phố nghệ thuật và văn hoá chính của Hội An.

Hiện tại tuyến đường còn là nơi tập trung rất nhiều gallery và các cửa hàng thủ công chất lượng. “Mọi người mong muốn Rue Des Arts được biết đến như một nơi để tìm đến các tác phẩm nghệ thuật nguyên bản và có giá trị cao ở Hội An. Có nhiều doanh nghiệp trong phố cổ đang xâm phạm bản quyền từ các sản phẩm sáng tạo, gây khó khăn cho du khách khi muốn tiếp cận những tác phẩm nghệ thuật nguyên bản từ các nghệ sĩ chân chính. Việc hình thành tuyến phố nghệ thuật Phan Bội Châu cũng chính là thực hiện mong muốn của những nghệ sĩ về một Hội An trở thành nơi tiên phong nói không với những vấn nạn vi phạm bản quyền” - Réhahn chia sẻ. Ý tưởng này cũng được sự ủng hộ của UNESCO, lãnh đạo Sở VH-TT&DL cũng như Trung tâm VH-TT Hội An.

Nhiếp ảnh gia Réhahn người  đưa ý tưởng về tuyến đường nghệ thuật kiến trúc Pháp
Nhiếp ảnh gia Réhahn (áo trắng) người đưa ý tưởng về tuyến đường nghệ thuật kiến trúc Pháp. Ảnh: V.L

Một trong những động thái đầu tiên của Réhahn là phát hành tờ giới thiệu miễn phí về Rue Des Arts của Hội An để quảng bá nghệ thuật, văn hóa giúp du khách hòa mình vào những không gian sáng tạo. Khách có thể tham quan Bảo tàng Di sản vô giá, March Gallery, Hội An Photo Tour and Gallery, Pháp Gallery, Villagecreaft Planet and Ly Ly Gallery, cũng như Brother's Cafe and Mia Coffee - quán cà phê nổi tiếng lâu năm theo phong cách châu Âu ở Hội An. Trong đó, phòng tranh March với những bức vẽ nguyên gốc cùng các sản phẩm làm quà tặng; phòng tranh Ly Ly đã mở cửa đến nay được 23 năm với các tác phẩm mang đậm dấu ấn Việt Nam; phòng tranh Pháp với những tác phẩm đương đại về Hội An và vùng thôn quê…

Đặc biệt, trên con đường này sẽ thường xuyên có những hoạt động biểu diễn từ các nghệ sĩ dân gian và đương đại. Gần nhất là buổi biểu diễn âm nhạc của đồng bào Cơ Tu sẽ được tổ chức vào ngày 6.8 tới. Đây là cuộc trình diễn văn hóa nghệ thuật, các điệu múa, trang phục và âm nhạc truyền thống.

Đánh thức những giá trị văn hóa Pháp

Khảo sát tại Hội An cho thấy, hình ảnh nước Pháp vẫn còn hiện diện khá nhiều qua các công trình kiến trúc, món ăn và văn hóa. Không khó để bắt gặp những ngôi nhà kiểu Pháp vẫn còn nguyên giá trị và vẻ đẹp cho đến ngày nay, làm cho Hội An mang một dáng vẻ rất riêng. “Trong hàng nghìn di tích kiến trúc có giá trị lịch sử văn hóa của đô thị cổ thì các kiến trúc mang phong cách Pháp ở Đông Dương cũng đã góp phần để Hội An không những đạt được một trong hai tiêu chí của UNESCO, mà còn có những công trình kiến trúc hội tụ được các yếu tố nghệ thuật dân tộc truyền thống” - ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT TP.Hội An cho biết. 

Theo ông Phùng, ngoài những di sản vật thể mang phong cách Pháp, di sản văn hóa Pháp còn bắt gặp ở những ngôi mộ cổ; các ngôi nhà, các di tích lịch sử cách mạng như Tòa xứ Hội An, đội bóng đá “Rạng Đông” (Aurore), Hội yêu âm nhạc Faiffo (Société Philhamonique) hay sự hiện diện của giáo sĩ A.De Rhodes (1591-1659) - người có công lớn trong việc hình thành chữ Quốc ngữ... Ngoài ra, đã có một thế hệ người Hội An yêu văn hóa Pháp, yêu tiếng Pháp, mê nhạc Pháp, hội họa Pháp từ trước 1975 đến tận hôm nay.

Đặc biệt, người Pháp cũng là những du khách đầu tiên đặt chân đến Hội An kể từ khi Việt Nam mở cửa du lịch. Hàng năm, hàng trăm nghìn lượt khách Pháp đến tham quan khu phố cổ Hội An, đây chính là thị trường lớn và có nhiều giá trị để thành phố tiếp cận, khai thác và phát triển khả năng du lịch. “Hiện thành phố đang xây dựng đề án “Xúc tiến dự án hình thành con đường nghệ thuật Pháp tại Hội An” ở đường Phan Bội Châu với sự tư vấn của Tổng Lãnh sự quán Pháp tại Việt Nam, Viện Kiến trúc Pháp, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Sở VH-TT&DL tỉnh” - ông Phùng thông tin.

Theo đó, thành phố sẽ tập trung tôn tạo phục chế không gian đường Phan Bội Châu xưa, chủ yếu đoạn từ ngã ba đường Trương Minh Lượng đến ngã tư đường Hoàng Diệu, chiều dài là 120m (lắp đặt, bổ sung các trụ đèn đường của Pháp, trùng tu mặt tiền các ngôi nhà...). Trong đó, chú trọng việc quét vôi màu vàng các ngôi nhà để hướng đến xây dựng điểm ý tưởng “Hội An - thành phố vàng”. Chọn một ngôi nhà trên đường Phan Bội Châu làm Nhà văn hóa Pháp (có trùng tu, điều chỉnh không gian nội thất cho phù hợp) để tổ chức các hoạt động như: triển lãm nghệ thuật Pháp; chụp ảnh kiểu Pháp; mở lớp tiếng dạy tiếng Pháp cho người Việt và tiếng Việt cho người nước ngoài; trình diễn thời trang, trang phục Pháp và châu Âu; giới thiệu ẩm thực Pháp (rượu, các món ăn); trình diễn âm nhạc Pháp (đường phố); thiết lập tủ sách chuyên về nghệ thuật từ cổ đại, thời kỳ Phục hưng và hiện đại (cho đọc, mượn...); thiết lập một hệ thống máy vi tính kết nối mạng nhằm cung cấp cho khách những thông tin, tư liệu về nghệ thuật Pháp; thành lập Câu lạc bộ những người nói tiếng Pháp tại Hội An và tổ chức sinh hoạt hình thức Câu lạc bộ tiếng Pháp, tìm hiểu văn hóa Pháp; vận động nhân dân trong không gian phố kinh doanh dịch vụ ẩm thực, thời trang Việt - Pháp, châu Âu; tổ chức các chương trình nghiên cứu khoa học về kiến trúc, văn hóa Pháp...

Trên tuyến đường Phan Bội Châu hiện có nhiều bảo tàng  nghệ thuật
Trên tuyến đường Phan Bội Châu hiện có nhiều bảo tàng, phòng tranh nghệ thuật. Ảnh: V.L

Hiện đường Phan Bội Châu có 56 di tích nhà ở, trong đó bao gồm 33 di tích loại 2, hơn 10 di tích loại 3 và 12 di tích loại 4, phần lớn mang kiểu thức kiến trúc Pháp. “Với sự xuất hiện của “Phố văn hóa Việt - Pháp” sẽ không chỉ là một đích đến mà còn là xuất phát điểm mới cho quan hệ hợp tác toàn diện, hiệu quả giữa hai nước Việt - Pháp trong tương lai. Một địa chỉ văn hóa du lịch mới để du khách thêm hiểu “vẻ đẹp không trùng lặp của phố phường Hội An” như cố kiến trúc sư Ba Lan Ka-zik từng nói, tại sao không?” - ông Phùng đặt câu hỏi.

Còn với Réhahn, nhiếp ảnh gia nghệ thuật đến từ vùng Normandy (Pháp), người nổi tiếng với các bức ảnh chân dung và theo đuổi ý tưởng về một khu phố nghệ thuật, kiến trúc Pháp ở Hội An bộc bạch: “Nghệ thuật cũng chính là sự tôn vinh văn hóa và chúng tôi muốn tôn vinh sự đa dạng và giàu có của Hội An và của Việt Nam”.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Có một con đường Pháp tại Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO