Những dòng sông đôi khi cũng mang thân phận như đời người, một lần trôi qua là vĩnh viễn mất dấu…
1. Kể từ ngày bắt gặp lối hình dung Gò Nổi như một cái nôi nằm ở khu vực các nhánh sông chia rồi hợp - hợp rồi chia quanh một hòn đảo để tạo nên cái dáng bồng ẵm trìu mến…, đi đến đâu tôi cũng muốn “vọc” bản đồ để biết các nhánh sông xứ sở ấy đang chảy theo hướng nào.
Dáng “ẵm bồng trìu mến” Gò Nổi mà tôi vừa nhắc là góc nhìn của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Càng thú vị khi ông nhìn thấy “cái nôi” được buộc vào 4 tao nôi, chính là 4 dòng chảy. Đầu phía tây có 2 “sợi”: sông Thu Bồn níu lấy rặng Hòn Kẽm Đá Dừng và sông Vu Gia rút sâu vào trong lòng núi vùng Hiên - Giằng.
Đầu phía đông, hạ lưu của sông Thu Bồn, sông Vĩnh Điện như thả thêm 2 “sợi” để buộc múi neo vào Cửa Đại (Hội An) và Cửa Hàn (Đà Nẵng). Tôi dẫn lại những chi tiết này từ bút ký quen thuộc “Đứa con phù sa”…
Những lần lang thang ở cố đô Huế, lên đồi Vọng Cảnh, tôi cố hình dung dòng chảy sông Hương nơi thượng nguồn để ngẫm xem liệu con sông ấy có phải vừa ném chìa khóa ở hang đá nào dưới chân núi Kim Phụng hay không.
Từ đỉnh đồi nhìn xuống, sông mềm mại lặng chảy dưới chân đám quần sơn lô xô trước khi giáp mặt thành phố ở cồn Dã Viên rồi uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến… Lối mô tả này tôi cũng đọc được từ chính nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, trong bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”.
Để rồi, ra Quảng Trị, dừng bên nhánh sông nào đó đôi khi lại thấy ùa về trong trí nhớ tôi những nhân vật mình từng “gặp” trên trang sách.
Như hồi dừng giữa cầu Hiền Lương trong cụm di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, tôi mường tượng cách đấy không xa về phía tây, từng có người bơi qua trong những ngày Bắc Nam chia cắt bởi dòng sông giới tuyến ở vĩ tuyến 17.
Tôi tự nhủ, nhân vật Hoàng Lạng trong tiểu thuyết “Người không mang họ” của nhà văn Xuân Đức ắt hẳn đã bơi qua quãng sông chẻ thành cồn phía trên kia từ năm 1964, trước khi Lạng dừng ở Đông Hà rồi đổi tên thành Nguyễn Viết Lãm, trở thành đệ nhị mãi võ trong gánh thuốc Sơn Nam mãi võ hay trở thành tướng cướp Trương Sỏi, Thái Lưỡng…
Đấy là những nhánh sông không bao giờ chết, vì luôn biết cách và luôn được “hợp lưu” bởi ký ức.
2. Buổi chiều đầu tháng 4 năm nay, tôi dừng bên sông Hiếu. Quãng này, dòng sông uốn lượn nhẹ, phía bên kia đường là chợ Đông Hà. Chợ nằm ở phía hữu ngạn. Đã hơn nửa thế kỷ mảnh đất này im tiếng súng (TP.Đông Hà giải phóng năm 1972), lẽ dĩ nhiên nhịp sống đã quá khác xưa.
Nhưng vẫn theo thói quen, tôi lại mường tượng về nơi con sông Hiếu chảy ngang qua, về những ngày nhà văn Xuân Đức từng hình dung “thị trấn ngã ba đường” này như một “cái bướu khổng lồ” chứa chấp hai nguồn hàng lậu: một nguồn hàng buôn từ đất Thái Lan qua Lào về, một nguồn do quân tiếp vụ (chính quyền Sài Gòn cũ) chuyển từ phía trong ra hoặc ngoài biển vào qua cảng Đông Hà.
Chính ngã ba này cũng trở thành một phần không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết “Số phận một băng cướp” của nhà văn Nguyễn Quang Vinh, để tôi nhớ về băng cướp Hổ xám, về thân phận nữ trưởng băng cướp Mi-ni Hồng. Đứng trên cây cầu bắc qua sông Hiếu, tôi thử mường tượng xem địa danh “xóm Mụ Kè”, nơi đặt bản doanh của băng cướp Hổ xám, nằm ở hướng nào, gần hay xa…
Nhưng rồi, tâm trí tôi nhanh chóng trôi theo dòng chảy sông Hiếu để đổ vào nhánh sông Thạch Hãn. Đây là nhánh sông chảy hướng Đông - Đông Bắc, gần như ngược với hướng còn lại chảy xuống hướng Đông Nam hòa dòng cùng sông Vĩnh Định, sông Nhùng trước khi gặp sông Ô Lâu rồi chảy ra phá Tam Giang…
Ở hướng Đông - Đông Bắc này, sông Thạch Hãn hứng nước sông Hiếu đổ vào rồi ngang qua ngã ba Giáo Liêm, nhưng trước khi đổ ra Cửa Việt đã kịp xẻ mình để mở thêm một nhánh nhỏ nữa quanh quẩn chỗ làng An Lợi, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong.
Chính nhánh nhỏ ở vùng Triệu Độ - Triệu Phong ấy đã tách cụm dân cư thành một làng nằm bên kia sông.
Tôi vừa quay lại làng An Lợi của xã Triệu Độ, nhân tiện để ý tìm lại một bến sông cũ. Gần 30 năm trước, một đêm mùa đông, có nhóm sinh viên từng đi bộ đến đó, dừng lại bờ bên này, gọi đò. Chờ hoài không thấy đò, họ quyết định bơi qua sông. Trong một khoảnh khắc, khi đuối sức, có người tưởng bỏ mình trên nhánh sông Thạch Hãn, nhưng hóa ra lúc ấy họ đang bơi vào đến quãng sông cạn…
Tôi mang theo chút kỷ niệm để đời ấy băng qua cung đường mới mở, có cây cầu bê tông bắc ngang qua. Bến sông cũ đã dạt sang hướng khác. Đêm tối, tôi thử tản bộ đi tìm theo chỉ dẫn của người làng An Lợi, nhưng lạc lối, đành quay lại…
3. Lúc quay về, đêm ấy đúng vào dịp giới mộ điệu đang tưởng niệm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4), trong tôi như chợt vang lên âm hưởng ca khúc “Có một dòng sông đã qua đời” với những ca từ đắm đuối: “Tóc người dòng sông xưa ấy đã phai, đã lênh đênh biển khơi/ Có lần bàn chân qua phố thấy người, sóng lao xao bờ tôi…”.
Mà nào có phải dòng sông ấy “qua đời”, kể cả bến sông cũ. Chúng vẫn còn đấy, chỉ có dòng nước cũ trôi xa, đã “trôi chảy mãi như vậy sao, đêm ngày không ngừng nghỉ” như đức Khổng Tử từng một lần đứng bên bờ sông mà cảm thán. Chúng trôi đi, nhưng vẫn tuần hoàn đâu đó, chỉ là do tôi không tìm thấy hoặc lâu quá chưa một lần trở lại.
À phải rồi, dòng sông ấy không qua đời, mà còn do một lý do khác. Tôi chưa kịp kể bạn nghe chuyện này: Người thứ ba trong nhóm bơi qua sông Thạch Hãn đêm mùa đông gần 30 năm trước, chính là đứa con của làng An Lợi. Đứa còn ấy vừa rời cõi tạm. Trong chuyến quay về làng cũ An Lợi, chuyến đi cuối cùng của anh, tôi hồi tưởng về những hành trình sông nước đã qua, để khơi lại những kỷ niệm đẹp…
Ngay đầu bài viết, tôi tin rằng những dòng sông đôi khi cũng mang thân phận như đời người, một lần trôi qua là vĩnh viễn mất dấu. Và giờ đây, tôi càng tin: Như những dòng sông, đời người cũng một lần ngang qua cõi tạm và mất dấu, nếu trên hành trình ấy không kịp lưu giữ những kỷ niệm.